Thứ hai, 20/05/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Tọa đàm “Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam”

Thứ tư, 10/08/2022 | 17:23 GMT+7

DALN Ngày 10/8/2022, tại thành phố Hội An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Tọa đàm “Xây dựng nguồn nguyên liệu mây tre lá bền vững góp phần phát triển ngành nghề nông thôn ở Việt Nam” thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ.


Tọa đàm có tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị mây tre lá, từ đơn vị sản xuất, chế biến nguyên liệu đến các đơn vị sản xuất kinh doanh xuất khẩu hàng mây tre lá thủ công hàng đầu của Việt Nam, các nhà nhập khẩu lớn và các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị nghiên cứu và cung ứng dịch vụ phát triển bền vững vùng nguyên liệu mây tre lá. 


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị

Theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT “Tọa đàm được tổ chức rất đúng chủ trương và đúng thời điểm khi Thủ tướng chính phủ vừa ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 về việc “phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030” với nhiều giải pháp thực hiện thiết thực nhằm đạt được mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công do các làng nghề sản xuất đạt 4 tỷ USD đến năm 2025 và đạt 6 tỷ USD đến năm 2030. Theo quyết định này, việc phát triển nguyên liệu tập trung phục vụ làng nghề cũng như xây dựng các mô hình làng nghề tiêu biểu gắn với vùng nguyên liệu có chứng chỉ bền vững được đặc biệt ưu tiên”.

“Thông qua Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), Hoa Kỳ đã và đang hỗ trợ Việt Nam triển khai các giải pháp quản lý rừng bền vững trong đó bao gồm hoạt động phát triển chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ bền vững, cụ thể là chuỗi giá trị mây tre lá tại 5 tỉnh là Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Nam. Thông qua việc đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho các làng nghề mây tre lá, các đơn vị xuất khẩu, Dự án VFBC góp phần thúc đẩy các lợi ích sinh kế, xã hội và môi trường, đặc biệt là giảm mất rừng, giảm suy thoái rừng và tăng khả năng hấp thụ các-bon từ rừng.”

Ở Việt Nam có 893 làng nghề mây tre đan (làng có trên 30% lao động làm nghề mây tre đan); trong đó, 647 làng nghề mây tre đan và 246 làng nghề đan cói, lục bình. Số lao động nông thôn tham gia sản xuất các sản phẩm mây tre đan là 342.000 người (Bộ NN & PTNT, 2010). Cùng với Trung Quốc, Indonesia và Philippines, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu mây tre đan lớn trên thế giới. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2019, xuất khẩu các sản phẩm mây tre đan của Việt Nam đạt 474 triệu USD, tăng 44,4% so với năm 2018, là nhóm sản phẩm cho giá trị cao nhất trong lâm sản ngoài gỗ. Sản phẩm mây tre đan của Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang các nước EU chiếm 31,44% tỷ trọng, sang thị trường Mỹ chiếm 19,5% và thị trường Nhật Bản chiếm 9,3%. Riêng thị trường Hoa Kỳ đã mang về cho ngành 128,76 triệu USD trong năm 2019. So với kim ngạch xuất khẩu mây tre đan toàn cầu, thị phần mây tre đan của Việt Nam chiếm 16% (VietCraft, 2020).

Quang cảnh buổi tọa đàm

































Cũng trong khuôn khổ Tọa đàm, lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ với 4 công ty và hợp tác xã trong ngành hàng mây tre lá được tổ chức, gồm Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lục Đông, Công ty TNHH Đức Phong, Công ty TNHH SX & TM Bamboo Vina, Hợp tác xã Làng nghề truyền thống Mây tre đan Xóm Bui. Theo ông Vũ Văn Hưng, Giám đốc Ban quản lý Dự án VFBC Trung ương “Mô hình hợp tác này đã triển khai ở 7 tỉnh Dự án và được nhà tài trợ USAID, chính quyền địa phương đánh giá cao. Sau 2 năm triển khai, Dự án đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 25 hợp tác xã và doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn nhằm triển khai chuỗi giá trị Keo, Trẩu, Quế, dược liệu, trái cây và Mây Tre Lá; huy động hơn 105 triệu Đô la Mỹ từ các đơn vị tham gia thỏa thuận hợp tác; và cải thiện sinh kế cho 35.000 người dân sống phụ thuộc vào rừng tại các tỉnh Dự án. Mô hình thỏa thuận hợp tác này là cơ hội để các địa phương giảm áp lực lên tài nguyên rừng, quản lý và bảo vệ rừng tốt hơn, từ đó gia tăng khả năng hấp thụ và lưu giữ CO2 của rừng, góp phần vào tiến trình thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về giảm phát thải khí nhà kính tại COP26”.


Nguyễn Tiến Dũng - CTV


Có thể bạn quan tâm

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn