Chủ Nhật, 19/05/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Giảm thiểu sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trong y học cổ truyền

Thứ sáu, 17/03/2023 | 17:57 GMT+7

DALN Sáng nay (17/3), tại Hà Nội, trong khuôn khổ Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp do USAID tài trợ, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (MBFP) - Bộ NN&PTNT, Viện Dược liệu Quốc gia (NIMM) - Bộ Y tế và TRAFFIC đã khai mạc triển lãm "Tài nguyên dược liệu Việt Nam - Chung tay Bảo tồn Động vật Hoang dã Nguy cấp".


Mô hình Vườn cây thuốc giới thiệu các loài cây thuốc thường dùng trong y học cổ truyền.

Theo một khảo sát của TRAFFIC, từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022, đã có hơn 8.000 quảng cáo sản phẩm từ voi, tê giác, tê tê, rùa cạn và rùa nước ngọt trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội Việt Nam. Trong đó, hơn 93% các quảng cáo sản phẩm từ tê tê là vảy tê tê và thuốc từ vảy tê tê.

Điều đó cho thấy một trong những động lực chính dẫn đến nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã tại Việt Nam là do nhu cầu sử dụng của các thầy thuốc và bệnh nhân trong y học cổ truyền.

Trước thực trạng trên, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (MBFP) - Bộ NN&PTNT, Viện Dược liệu Quốc gia (NIMM) - Bộ Y tế và TRAFFIC đã tổ chức triển lãm nguồn tài nguyên dược liệu và mô hình vườn cây thuốc, nhằm khuyến khích người dân sử dụng các nguồn dược liệu hợp pháp, an toàn và bền vững trong y học cổ truyền tại Việt Nam.


"Thông qua hợp tác với Viện Dược liệu Quốc gia, chúng tôi muốn nâng cao nhận thức và giảm nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong y học cổ truyền".
Bà Nguyễn Tuyết Trinh - Giám đốc Văn phòng Tổ chức TRAFFIC tại Việt Nam


Mô hình Vườn cây thuốc đem đến cho khách tham quan một góc nhìn bền vững và có trách nhiệm trong thực hành y học cổ truyền.

Mô hình vườn cây thuốc rộng 60m2 bao gồm trên 50 loài cây thuốc phổ biến, thường dùng trong y học cổ truyền để điều trị các bệnh trước đây cho rằng cần sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật, chẳng hạn như bồ công anh (Lactuca indica L.), cây kim ngân (Lonicera japonica Thunb.), hương nhu (Ocimum tenuiflorum L.), bạch đồng nữ (Clerodendrum chinensis var. simplex (Mold.) SL Chen.), cây hòe (Styphnolobium japonicum (L.) Schott.)...

Triển lãm được lồng ghép các thông điệp cảnh báo về nhu cầu và mức tiêu thụ đáng báo động các sản phẩm từ động vật hoang trái pháp luật trong y học cổ truyền, xoá bỏ quan niệm sai lệch coi các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật là phương thuốc chữa bách bệnh.

Hoạt động trên sẽ đem đến cho khách tham quan một góc nhìn bền vững và có trách nhiệm trong thực hành y học cổ truyền, từ đó có nhận thức đúng đắn hơn về các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Phát biểu tại sự kiện, Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế NN&PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT nhấn mạnh các loài hoang dã có vai trò quan trọng trong việc cân bằng và duy trì mức độ đa dạng sinh học. Việc tuyên truyền nhằm giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật trong y học cổ truyền sẽ góp phần bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp. Đây là vấn đề cấp bách đối với cả Việt Nam và toàn thế giới. Chúng ta không thể tiếp tục sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong y học cổ truyền, vì điều này là trái với pháp luật và gây nguy hiểm đến sự tồn tại của các loài động vật hoang dã.


Tiến sĩ Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế NN&PTNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT phát biểu tại Lễ khai mạc.

“Tôi kêu gọi các bác sĩ và nhà thuốc trong lĩnh vực y học cổ truyền cũng như cộng đồng hãy tìm kiếm và sử dụng các giải pháp thay thế, như sử dụng các loại dược liệu thảo dược, có nguồn gốc bền vững và an toàn cho sức khỏe con người. Đồng thời, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bảo vệ động vật hoang dã và nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật” - ông Hà Công Tuấn nói.

Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ ngày 17 - 19/3 tại Trung tâm Tài nguyên Dược liệu - Viện Dược liệu Quốc gia, kết hợp trưng bày mô hình Vườn cây thuốc tại Phố Sách Hà Nội (Phố 19/12) đến hết ngày 23/3.

Khách tham quan triển lãm sẽ có cơ hội tìm hiểu về công dụng và lợi ích của nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng tại Việt Nam. Đồng thời, có cơ hội trải nghiệm các hoạt động bổ ích như quan sát và tham gia vào quy trình làm tiêu bản mẫu dược liệu, nhận dạng loại cây thuốc và trao đổi với các chuyên gia về động vật hoang dã từ TRAFFIC và Viện Dược liệu Quốc gia.

Bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm chính là bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học vô giá cho con cháu chúng ta”.
Bà Trần Thị Nam Hà - PGĐ Ban quản lý TW, Dự án Bảo vệ ĐVHD Nguy cấp, MBFP


Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, do Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT (MBFP) là chủ dự án, phối hợp với WWF, TRAFFIC và ENV thực hiện. Mục tiêu của Dự án là tăng cường cam kết, ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; huy động sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân nhằm giảm nhu cầu và tình trạng tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.

Phương Oanh

Có thể bạn quan tâm

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn