Thứ sáu, 26/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Hội thảo giới thiệu tiến trình triển khai thí điểm Carbon rừng (REDD+) và hệ thống giám sát tích hợp trong khuôn khổ Dự án KfW10

Thứ năm, 29/04/2021 | 08:24 GMT+7

DALN Ngày 28/4/2021, tại Hà Nội, Dự án Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai (KfW10) đã tổ chức hội thảo giới thiệu tiến trình triển khai thí điểm Cácbon rừng (REDD+) và hệ thống giám sát tích hợp trong khuôn khổ Dự án với mục tiêu giới thiệu tổng quan về REDD+ tại Việt Nam, cụ thể là những kết quả đạt được của dự án REDD+ trong quá trình triển khai thí điểm Cácbon rừng tại xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum, từ đó đề ra hướng tiếp cận nhằm lồng ghép các dự án REDD+ đơn lẻ trong dự án REDD+ ở cấp cao hơn.

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đại diện cho Cục, Vụ, Viện, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện các Cục của Bộ Công an; đại diện nhà tài trợ KfW, các Tổ chức Quốc tế và các đơn vị có liên quan.



Quang cảnh hội thảo

Dự án thí điểm REDD+ xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum được Dự án KfW10 thực hiện dựa trên các khu rừng cộng đồng với tổng diện tích 1.238ha và khoảng 100 ha đất trống/đất nông nghiệp ở 3 thôn Dak Lom, Dak Lieu, và Vi Chring, xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Các tổ chức tham gia dự án bao gồm: (1) Ban quản lý rừng cộng đồng: có chức năng tổ chức quản lý rừng cộng đồng theo quy định về mặt pháp lý nhằm đến các mục tiêu của dự án Planvivo; (2) Tổ chức Bảo tồn Động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI): có vai trò điều phối và thúc đẩy dự án, thay mặt cho cộng đồng thực hiện bán tín chỉ Cácbon Planvivo; (3) Cơ quan quản lý Nhà nước cấp địa phương: có vai trò hỗ trợ thực hiện dự án theo đúng quy định của Nhà nước.


Ông Hoàng Phú Mỹ - Giám đốc Dự án KfW10 Trung ương phát biểu tại hội thảo


Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về Phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020
và thực hiện REDD+ trình bày tổng quan về REDD+ tại Việt Nam


Với thời gian triển khai hơn 2 năm, thông qua chuỗi các hoạt động bao gồm: giao đất giao rừng cho 3 cộng đồng, cải thiện quản lý và quy hoạch sử dụng đất, tăng cường hiệu lực pháp luật và quản trị rừng, và thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững, một phần thông qua trồng các loài cây đa mục đích, Dự án đã giải quyết cơ bản nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng ngoài kế hoạch nhà nước do 03 nguyên nhân cơ bản, bao gồm: (1) Chuyển đổi đất rừng sang canh tác nông nghiệp một cách tự phát do người dân phát rừng làm rẫy nhằm có thu nhập và lương thực; (2) Khai thác gỗ gia dụng làm nhà ở và các nhu cầu xây dựng khác; (3) Khai thác gỗ trái phép.

Dự án thí điểm REDD+ xã Hiếu ngoài việc nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ rừng giảm nguy cơ mất rừng suy thoái rừng, phát triển hệ sinh thái và đa dạng sinh học địa phương với việc phát triển những cây có giá trị đã giúp cải thiện thu nhập và sinh kế bền vững cho 150 hộ gia đình các đồng bào dân tộc M’nâm với tổng dân số 553 người sinh sống trong vùng dự án.

Theo ông Đỗ Quang Tùng - Q.Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, tuy chỉ là mô hình nhỏ với việc thí điểm ban đầu, nhưng những kết quả đạt được của dự án có ý nghĩa quan trọng cung cấp các dữ liệu bổ sung, là tiền đề cho những sáng kiến nâng cấp, thúc đẩy mở rộng mô hình ở cấp tỉnh và quốc gia trong tương lai. Bên cạnh đó, những bài học kinh nghiệm từ dự án sẽ góp phần cung cấp thông tin giúp Chính phủ, các cơ quan quản lý xây dựng hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp về chi trả dịch vụ môi trường rừng để đạt được các mục tiêu của Chương trình REDD+ tại Việt Nam, từ đó tạo ra nguồn thu bền vững cho phát triển ngành Lâm nghiệp trong thời gian tới.


Ông Josh Kempinski - Giám đốc Tổ chức FFI công bố xác nhận đồng ý của Tổ chức Quốc tế Planvivo về kết quả đánh giá
Hồ sơ cấp tín chỉ Cácbon rừng của dự án KfW10



Dương Thị Bích Ngọc - Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam trình bày đề xuất
hướng tiếp cận lồng ghép các dự án REDD+ đơn lẻ vào cấp cao hơn

Tham dự hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm từ dự án, đồng thời chỉ ra những rào cản và giải pháp hướng tới việc phát triển và lồng ghép mô hình dự án vào cấp tỉnh và cấp quốc gia. Theo các chuyên gia, cùng với các dự án REDD+ tại Vườn Quốc gia Cát Tiên do SNV tài trợ năm 2010, dự án thí điểm REDD+ tại Điện Biên do JICA phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và tỉnh Điện Biên năm 2011, việc lồng ghép các mô hình nhỏ vào REDD+ cấp cao hơn đối với dự án có nhiều thuận lợi bởi các hoạt động của dự án phù hợp với khung pháp lý của Chương trình REDD+ quốc gia.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, để đảm bảo việc mở rộng bền vững và lồng ghép thành công, có hiệu quả các mô hình nhỏ trong đó có mô hình của dự án đang thực hiện cần phải quan tâm đến các vấn đề như cần làm tốt công tác giao đất giao rừng đi kèm cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho cộng đồng, coi đây điều kiện tiên quyết nếu muốn quản lý và bảo vệ rừng hiệu quả. Bởi lẽ song hành các quyền lợi được hưởng từ quyền sử dụng rừng và đất rừng là các nghĩa vụ quản lý và bảo vệ rừng của các cộng đồng, qua đó giảm thiểu được tình trạng mất rừng do người dân tự chặt phá, khai thác trái phép.

Công tác quy hoạch sử dụng đất cần có sự tham vấn và đồng thuận của cộng đồng, với mục đích chung bảo vệ rừng hiện có, giảm thiểu phát rừng làm rẫy bằng cách chuyển dần từ sử dụng đất thu nhập thấp sang sinh kế bền vững thu nhập cao, tạo động lực cho người dân thay đổi sử dụng rừng theo cách bền vững hơn. Bên cạnh đó, chú trọng việc tăng cường năng lực quản trị rừng cho cộng đồng dân cư, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng đối với việc quản lý và bảo vệ rừng. Đồng thời cần xây dựng được cơ chế chi trả, chia sẻ lợi ích hợp lý để khuyến khích người dân tham gia vào dự án.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Dự án đã tiến hành công bố xác nhận đồng ý của Tổ chức Quốc tế Planvivo về kết quả đánh giá Hồ sơ cấp tín chỉ Cácbon rừng của dự án KfW10 do tổ chức FFI thực hiện. Việc cấp tín chỉ Cácbon là minh chứng cho quản lý rừng bền vững, đảm bảo tiêu chuẩn Quốc tế và là cơ sở để các chủ rừng cộng đồng có thể bán được tín chỉ Cácbon rừng trên thị trường tự nguyện và bắt buộc.


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo

Tiến Dũng - CTV

 

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn