Chủ Nhật, 28/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Ra mắt bộ hình ảnh truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật

Thứ tư, 27/09/2023 | 21:39 GMT+7

DALN Trong nỗ lực giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật ở Việt Nam, mới đây, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp (STW) đã giới thiệu bộ thông điệp và hình ảnh sáng tạo hướng tới thay đổi hành vi người tiêu dùng.


Hình ảnh sáng tạo của Dự án thể hiện bằng tranh cát.

Năm 2022, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp (do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ cho Bộ NN&PTNT, Ban Quản lý Lâm nghiệp làm Chủ dự án, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF, Tổ chức TRAFFIC và ENV thực hiện) đã khảo sát người tiêu dùng về nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật, bao gồm tê giác, voi, tê tê, rùa cạn và rùa nước ngọt. Kết quả, 8% trong số 863 người được hỏi thừa nhận có sử dụng hoặc mua các sản phẩm từ tê giác, voi hoặc tê tê trong vòng 12 tháng gần nhất. Thêm vào đó, 8% mẫu khảo sát cho biết họ có ý định mua những sản phẩm này trong tương lai.

Trong một khảo sát khác với mẫu 700 người, 5,2% trong số người được phỏng vấn đã mua rùa nước ngọt và rùa cạn cho các mục đích khác nhau trong 12 tháng gần nhất. Trong đó, mua để phóng sinh là mục đích chính, chiếm 43%.

Có thể thấy, nhu cầu tiêu thụ các loài hoang dã và sản phẩm từ chúng vẫn còn được ghi nhận đáng kể ở Việt Nam. Động vật hoang dã được dùng để làm thuốc trong lĩnh vực y học cổ truyền, thú cưng, thực phẩm xa xỉ, quà tặng và các sản phẩm tiêu dùng khác. Từ đó thúc đẩy nạn săn bắn trái pháp luật trong nước cũng như gia tăng việc nhập khẩu các loài hoang dã và sản phẩm của chúng, bao gồm hổ nguyên con, xương hổ, vảy tê tê, cá thể tê tê nguyên con, sừng tê giác, ngà voi, rùa cạn và rùa nước ngọt.


Khởi động ra mắt bộ hình ảnh truyền thông giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật.

Trong nỗ lực giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật ở Việt Nam, mới đây, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp đã giới thiệu bộ thông điệp và hình ảnh sáng tạo hướng tới thay đổi hành vi người tiêu dùng. Các tài liệu truyền thông này được thiết kế nhằm hướng tới các nhóm người dùng mục tiêu cụ thể, dựa trên các bằng chứng về tình trạng tiêu dùng trong nước và các thông tin thu thập được từ khảo sát của TRAFFIC năm 2022 trong khuôn khổ Dự án.

Bà Bùi Thúy Nga, Quản lý Chương trình Cấp cao, TRAFFIC Việt Nam, cho biết: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã vẫn còn tồn tại mặc cho hiểu biết của người dân Việt Nam đã tăng lên theo thời gian. Để giải quyết vấn đề này, Dự án của chúng tôi đang sử dụng khoa học hành vi để tác động đến hành vi của người mua, khuyến khích người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã trái pháp luật”.


Bà Bùi Thúy Nga, Quản lý Chương trình Cấp cao, TRAFFIC Việt Nam phát biểu tại Họp báo ra mắt bộ hình ảnh truyền thông.

Năm bộ thông điệp và hình ảnh được xây dựng dựa trên các yếu tố văn hóa địa phương, phù hợp với từng đối tượng. Cụ thể, với nhóm thầy thuốc trong lĩnh vực y học cổ truyền, tập trung khuyến khích họ sử dụng các dược liệu hợp pháp, an toàn và bền vững. Đồng thời khuyến khích người dùng nói chung nâng cao sức khỏe thông qua luyện tập thể dục thể thao thay vì sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm.

Đối với các cơ quan nhà nước, các thông điệp và hình ảnh nhấn mạnh niềm tự hào dân tộc gắn liền với việc bảo vệ các loài hoang dã của Việt Nam. Đối với khách du lịch quốc tế, nhấn mạnh tính bất hợp pháp của việc mua các sản phẩm từ động vật hoang dã được pháp luật bảo vệ tại Việt Nam.

Với đối tượng trẻ em, Dự án tận dụng ảnh hưởng của thế hệ trẻ để khuyến khích các thành viên trong gia đình cũng như cộng đồng nói không với các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.


Nghệ sĩ Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam đồng hành cùng Dự án.

Các hình ảnh và thông điệp của Dự án sẽ được lan tỏa qua mạng xã hội, truyền thông tới các nhóm đối tượng mục tiêu qua trưng bày ngoài trời tại các điểm có mật độ lưu lượng giao thông cao, các sự kiện tương tác và các sáng kiến kết hợp với các đối tác, bao gồm các Sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức; các Hiệp hội du lịch, y học cổ truyền.

Bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp cho rằng sự tham gia của đại diện rất nhiều cơ quan, tổ chức đã nhấn mạnh sự ủng hộ của các bên liên quan cũng như tính thiết yếu của công tác giảm nhu cầu các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật. Qua đó cho thấy các bên đều mong muốn chứng kiến sự thay đổi trong xã hội đối với việc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.


Bà Michelle Owen, Giám đốc Văn phòng Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp chia sẻ tại sự kiện Họp báo.

Theo PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, các thông điệp và hình ảnh của Dự án rất bắt mắt, truyền cảm hứng và phản ánh xu hướng trách nhiệm xã hội hướng tới các nhóm đối tượng mục tiêu. “Là đối tác của Dự án, Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ hỗ trợ tuyên truyền các thông điệp này trong các cơ quan của chúng tôi” - PGS.TS Vũ Văn Phúc cho biết.


PGS.TS Vũ Văn Phúc cho biết Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ hỗ trợ tuyên truyền các thông điệp của Dự án.

Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, do Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT (MBFP) là chủ dự án, phối hợp với WWF, TRAFFIC và ENV thực hiện. Mục tiêu của Dự án là tăng cường cam kết, ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; huy động sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân nhằm giảm nhu cầu và tình trạng tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.

Phương Oanh (theo nongthonviet.com.vn)

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn