Ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
DALN Việc ứng phó, đặc biệt là thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vấn đề cấp thiết và cần sự vào cuộc của tất cả các địa phương, bộ ngành.
Chú trọng tỉnh trọng điểm
Với diện tích chiếm 12% tổng diện tích tự nhiên của cả nước, bao gồm 13 tỉnh và thành phố với dân số trên 17 triệu người, hàng năm ĐBSCL đóng góp 27% GDP, 90% số lượng gạo xuất khẩu và gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này đang phải đối mặt với các thách thức lớn liên quan đến vấn đề nguồn nước, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển và những tác động tiêu cực khác của BĐKH.
Mô hình kết hợp lúa – tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. (Ảnh: Huỳnh Sử – TTXVN)
Trong số 13 tỉnh thuộc ĐBSCL, Kiên Giang và Cà Mau được đánh giá là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. 80% diện tích Cà Mau có nguy cơ chìm trong nước, toàn tỉnh có gần 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn, tuyến đê biển bị xuống cấp gây nên tình trạng xâm mặn nghiêm trọng. Kiên Giang là tỉnh nằm cuối nguồn của sông Mê Kông, nơi đổ nước ra biển nhưng là đầu nguồn của triều biển Tây (Vịnh Thái Lan) nên cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng, lũ lụt hàng năm. Nếu nước biển dâng khoảng 85 – 105 cm thì phần lớn tỉnh Kiên Giang sẽ chìm trong nước.
Hiện nay, cùng với chiến lược ứng phó BĐKH chung cho vùng ĐBSCL, việc đầu tư cho các tỉnh trọng điểm cũng đang được thực hiện. Theo đó, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, Trung ương đã bố trí kinh phí để Kiên Giang và Cà Mau đánh giá tác động của BĐKH đến từng lĩnh vực, từng khu vực trên địa bàn tỉnh, đề xuất các giải pháp ứng phó với BĐKH cho giai đoạn 2011 – 2015 và giai đoạn sau 2015; ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của từng địa phương. Dự án “Xây dựng công trình cống sông Kiên, thành phố Rạch Giá” thuộc tỉnh Kiên Giang và dự án “Xây dựng và nâng cấp đê biển Tây” thuộc tỉnh Cà Mau được bố trí vốn từ chương trình Hỗ trợ ứng phó với BĐKH. Từ năm 2013 – 2015, dự án của Kiên Giang được bố trí 170 tỷ đồng, dự án của Cà Mau được bố trí 150,8 tỷ đồng. Cùng với đó, ĐBSCL cũng có 17 dự án ưu tiên cấp bách về BĐKH do Thủ tướng phê duyệt đang được thực hiện.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh những giải pháp từ Trung ương, các địa phương cũng căn cứ vào tình hình, đặc điểm của từng nơi để có những giải pháp phù hợp.
Xây dựng mô hình sản xuất kết hợp
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang khẳng định, ứng phó với BĐKH là thách thức nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững.
Ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) cho biết, Việt Nam đã xác định ĐBSCL là vùng trọng điểm ứng phó với BĐKH bởi có nhiều yếu tố dễ tổn thương. Bảo vệ ĐBSCL chính là bảo vệ một vựa lúa lớn nhằm đảm bảo an ninh lương thực, cần huy động cả nội lực và ngoại lực để ứng phó với BĐKH.
Thực tế, một số mô hình sản xuất nhằm thích ứng với BĐKH đã được triển khai và mang lại hiệu quả. Đó là mô hình sản xuất lúa – tôm tại các tỉnh ĐBSCL. Ông Phan Hoàng Dũng (xã Nam Yên, huyện An Biên, Kiên Giang) cho biết, trước đây làm lúa năm nào thuận lợi cũng chỉ lời khoảng 1 triệu đồng/1.000 m2, còn vụ lúa – tôm nuôi vừa qua cũng bằng diện tích ấy lời đến 10 triệu đồng. Ông Danh Thanh Phi, Bí thư Đảng ủy xã Nam Yên cho biết, năm 2015, xã Nam Yên mở rộng quy họach chuyển đổi 820 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng tôm – lúa, nâng tổng số toàn vùng quy hoạch của xã lên trên 3.000 ha.
Cùng với đó, một số mô hình kết hợp sản xuất với bảo vệ rừng cũng đã đem lại những tín hiệu tích cực.
Trung tâm Khuyến ngư thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, hơn 2 năm qua, tỉnh Cà Mau có trên 400 hộ dân nuôi thủy sản dưới chân rừng ngập mặn cho thu nhập 100 triệu đồng/năm trở lên. Đến nay có nhiều người phát triển sản xuất theo mô hình này, nhiều loài thủy sản được thả nuôi như: cá đối, cá chẻm, cá thòi lòi, tôm, cua, ba khía… Ông Lê Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, nhận thấy nghề nuôi thủy sản dưới chân rừng có lợi là giữ được rừng đồng thời cải thiện cuộc sống cho một bộ phận người dân ở đây nên chính quyền địa phương khuyến khích sản xuất theo mô hình này.
Từ những thực tế trên có thể thấy, bên cạnh việc ứng phó với BĐKH thì việc thích ứng với BĐKH là vấn đề cần đẩy mạnh. “Nếu biết khai thác và tận dụng tốt, chúng ta có thể thích ứng và biến những tác động BĐKH đó thành tiềm năng để áp dụng sản xuất”, ông Trương Đức Trí cho biết.
Nguồn: Báo Tin tức
Minh Trung – CTV
Có thể bạn quan tâm
Tin cũ hơn
- Cải thiện đời sống nhân dân nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
- Tái cơ cấu lâm nghiệp đang đi đúng hướng
- Việt Nam sẵn sàng chung tay giảm phát thải khí nhà kính
- Bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số
- Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES): Tiềm năng áp dụng đối với tôm sinh thái tại Cà Mau