Chủ Nhật, 19/05/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC: Tập huấn "Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực"

Thứ sáu, 17/02/2023 | 10:20 GMT+7

DALN Từ ngày 4-7/01/2023 tại thị xã Sapa – Lào Cai và ngày 6-11/02/2023 tại thành phố Hội An - Quảng Nam, Hợp phần Quản lý rừng bền vững - Dự án VFBC đã tổ chức 02 khóa tập huấn "Phát triển cộng đồng dựa vào nội lực - Asset Based Community Development (ABCD)" trong quản lý tài nguyên và phát triển rừng bền vững.

Hai khóa tập huấn đã thu hút sự tham gia của 70 học viên đến từ Ban quản lý dự án VFBC Trung ương, Ban quản lý dự án VFBC các tỉnh, đơn vị thực hiện dự án DAI, đại diện lãnh đạo và cán bộ của hơn 30 doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn (CFE) trong các chuỗi giá trị mây tre lá, dược liệu, quế, cây ăn quả, cafe, cau, gừng và rừng trồng gỗ lớn đến từ các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Quảng Nam.


Học viên tham gia tập huấn

Hợp phần Quản lý rừng bền vững - Dự án VFBC thông qua thúc đẩy và huy động sự tham gia của các CFE, sự hợp tác giữa các CFE với cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng sẽ giúp tạo ra sinh kế, cải thiện nguồn thu nhập cho người dân, góp phần nâng cao nhận thức của các bên liên quan về quản lý, sử dụng tài nguyên bền vững và hạn chế phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, các CFE thường gặp khó khăn trong việc hợp tác với cộng đồng để phát triển bền vững vùng nguyên liệu. Một trong những nguyên nhân là nguồn lực từ các CFE còn hạn chế, nguồn lực từ cộng đồng chưa được xác định và phát huy triệt để. Chính vì vậy, khoá tập huấn được tổ chức với mục tiêu cung cấp các kiến thức cơ bản cho các CFE về phát triển dựa vào nội lực. Qua đây họ được giới thiệu sơ bộ về các công cụ, cách thức huy động nội lực, khám phá tiềm năng của địa phương, của cộng đồng để quản lý tài nguyên và phát triển rừng bền vững.

Trong thời gian tập huấn, các học viên đã được trang bị kiến thức, kỹ năng tiếp cận, các công cụ khám phá nguồn lực và cơ hội phát triển (ví dụ: phỏng vấn tích cực; câu chuyện thành công; phân tích tài sản cá nhân; phân tích nguồn lực tài nguyên thiên nhiên và cơ sở vật chất; phân tích tiềm năng của các tổ chức; phân tích kinh tế cộng đồng). Mỗi công cụ được thực hành ngay tại lớp giúp học viên hiểu được phương pháp tiếp cận ABCD, biết cách áp dụng tổng hợp các công cụ để khám phá các nguồn lực, tiềm năng sẵn có của cộng đồng, đồng thời liên kết nguồn lực để xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển bắt đầu từ câu chuyện thành công của họ. Qua đó đã khiến cho học viên phải ngỡ ngàng sao cộng đồng lại có nhiều nguồn lực, nhiều tài nguyên đến vậy, trong cộng đồng sao nhiều người có kỹ năng và tài năng đến như vậy. Những suy nghĩ đó đã có tác động tích cực trong việc khơi dậy khát khao thay đổi làm điều gì đó về sự phát triển các hoạt động kinh tế của cộng đồng.

 
Học viên thực hành các công cụ khám phá nguồn lực.

Phương pháp tiếp cận ABCD lấy nguồn lực con người làm chủ đạo, nguồn lực văn hóa xã hội làm chất keo gắn kết các nguồn lực khác lại với nhau. Do vậy ABCD ra đời như một chiến lược để phát triển bền vững. Không chỉ giới hạn trong việc huy động nguồn lực, tiềm năng sẵn có mà ABCD hướng đến việc làm thế nào để liên kết các nguồn lực nhỏ này với một môi trường lớn hơn, sử dụng những gì cộng đồng có để đạt được những gì cộng đồng chưa có.

Và để giúp học viên hiểu rõ hơn nội dung bài học và trở thành những hướng dẫn viên cho cộng đồng sau này, khóa tập huấn đã tổ chức hoạt động thực hành tham quan học tập tại cộng đồng thôn Hầu Chư Ngài, xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai và xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Từ việc khám phá các nguồn lực, học viên cùng người dân đã đưa đến các cơ hội phát triển tại thôn Hầu Chư Ngài và xã Tam Mỹ Tây như: Phát triển du lịch trải nghiệm, trồng rau an toàn tại thôn Hầu Chư Ngài; phát triển du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên tại xã Tam Mỹ Tây.

 
Học viên trực tiếp áp dụng kiến thức tại cộng đồng.

Ông Trần Trung Hiếu, Lãnh đạo Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Lục Đông, chia sẻ: “Khóa tập huấn hay và thiết thực hơn kỳ vọng của tôi rất nhiều. Phương pháp tiếp cận ABCD giúp tôi thay đổi tư duy trong tiếp cận cộng đồng ở dự án trồng mây của Công ty. Trước đây, Công ty đã trồng mây tại huyện Nam Giang và Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Quy trình thông thường là công ty chọn địa bàn, liên hệ chính quyền xã, chọn lô rừng rồi mới làm việc với người dân, sau đó thành lập nhóm, cấp cây giống, đào tạo kỹ thuật và trả một phần ngày công trồng của người dân. Nhưng sau khi có kiến thức về ABCD, Công ty sẽ thay đổi cách làm. Công ty sẽ xuống địa bàn, tìm kiếm địa bàn có nội lực tốt, cùng cộng đồng phân tích nội lực, tìm kiếm những người dân khởi xướng, tiên phong. Như vậy, cộng đồng sẽ chủ động, đánh giá và quyết định sự phù hợp của dự án trồng mây của Công ty với nội lực cộng đồng, từ đó chúng tôi (Cộng đồng và Công ty) sẽ cùng nhau xây dựng kế hoạch trồng mây. Tôi tin rằng với việc phát huy sự chủ động của người dân hưởng lợi, những diện tích trồng mây mới sẽ được trồng và chăm sóc tốt nhất bởi cộng đồng. Về phía nội bộ công ty, tôi sẽ quan sát và phát huy các thế mạnh của nhân viên công ty, thay vì việc trước đây giao việc chung chung và tìm kiếm người ngoài để hỗ trợ công ty. Tôi cảm thấy rất may mắn vì được tham gia khóa học. Khóa học đã giúp tôi có định hướng phát triển Công ty phù hợp và tốt hơn.”

Trước khi hoàn thành khoá tập huấn, các CFE đã xây dựng kế hoạch áp dụng phương pháp tiếp cận ABCD vào công việc của mình để phát triển vùng nguyên liệu thông qua phát triển cộng đồng bền vững, minh chứng cho sự thay đổi và áp dụng phương pháp tiếp cận mới. Điều này sẽ giúp kết nối, thúc đẩy sự tham gia của các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng bằng cách tạo ra nhiều cơ hội việc làm, sinh kế liên quan đến rừng, giảm suy thoái và mất rừng tự nhiên, quản lý hiệu quả hơn rừng sản xuất, cải thiện chất lượng, tính đa dạng, và tăng cường trữ lượng các-bon rừng.

Một số hình ảnh khác của lớp tập huấn





















Mai Dung

Có thể bạn quan tâm

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn