Thứ sáu, 29/03/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Giới thiệu về Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) và sự sẵn sàng

Thứ sáu, 27/12/2013 | 00:00 GMT+7

DALN Trong năm 1992, các chính phủ trên thế giới đã thống nhất nhận định rằng nhiệt độ và thời tiết trên toàn cầu đã và đang thay đổi ở mức độ nhanh chóng một cách bất thường. Trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc, các chính phủ đã quyết định gặp gỡ hàng năm để thảo luận tại sao hiện tượng này lại diễn ra và cần phải làm gì.   

Biến đổi khí hậu – Những vấn đề cơ bản
Trong năm 1992, các chính phủ trên thế giới đã thống nhất nhận định rằng nhiệt độ và thời tiết trên toàn cầu đã và đang thay đổi ở mức độ nhanh chóng một cách bất thường. Trong khuôn khổ của Liên hiệp quốc, các chính phủ đã quyết định gặp gỡ hàng năm để thảo luận tại sao hiện tượng này lại diễn ra và cần phải làm gì. Đến năm 1997, hầu hết các nhà khoa học đều khẳng định rằng nhiệt độ trên toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng hơn nhiều so với mức bình thường và rằng lý do chủ yếu của hiện tượng này là sự gia tăng mức độ khí nhà kính trong khi quyển. Các loại khí nhà kính này tích tụ hơi nóng từ mặt trời và không cho hơi nóng thoát trở lại không gian, mà hoạt động như là một nhà kính. Các loại khí nhà kính phát sinh một cách tự nhiên, nhưng cũng được tạo ra khi dầu, than và gỗ bị đốt để lấy năng lượng. Vì vậy, khi dân số thế giới gia tăng và chúng ta sử dụng năng lượng nhiều hơn thì chúng ta cũng xả một lượng khí nhà kính lớn hơn vào sinh quyển. Carbonic (CO2) là một loại khí nhà kính quan trọng nhất. 
 
Tại sao lại là REDD?
Đưa rừng vào công cuộc Thích ứng với Biến đổi khí hậu 
Các tác động của biến đổi khí hậu sẽ vô cùng to lớn. Sự tan băng ở hai đầu địa cực sẽ làm gia tăng mực nước biển. Biến đổi khí hậu cũng tác động tới rừng và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Rừng rất đặc biệt bởi nó vừa góp phần gây ra biến đổi khí hậu cũng vừa là nạn nhân của các tác động của biến đổi khí hậu. Rừng cũng có tiềm năng trở thành một giải pháp hai mặt trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu – làm giảm nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và giúp xã hội thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu.
  1. Việc ngăn chặn mất rừng và suy thoái rừng có thể giúp làm giảm gần 20% lượng phát thải CO2 toàn cầu;
  2. Rừng được duy trì có thể giúp chúng ta thích ứng thông qua việc cung cấp các dịch vụ sinh thái quý giá.
Biến đối khí hậu có thể gây tổn hại cho sức khỏe của rừng theo nhiều cách khác nhau. Lượng mưa giảm và sự gia tăng nhiệt độ có thể gây ra hạn hán – làm tăng các vụ cháy rừng và làm giảm tài nguyên rừng. Một khu rừng đã bị hủy hoại sẽ không thể cung cấp các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên có thể duy trì các nguồn sinh kế và giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Rừng giúp kiểm soát xói lở đất, cung cấp nước sạch và tạo ra hành lang cho động - thực vật hoang dã di chuyển tới các vùng có khí hậu thuận lợi hơn. Việc các dịch vụ này bị mất đi sẽ tác động tới cuộc sống và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng. Rừng cũng có thể làm gia tăng biến đổi khí hậu nếu không được quản lý một cách bền vững. Khi gỗ bị khai thác, cây sẽ trở thành nguồn khí nhà kính bởi vì toàn bộ carbon mà nó tàng trữ sẽ phát thải dưới dạng CO2 và cây sẽ không còn là bể chứa carbon – nghĩa là nó không thể hút CO2 từ sinh quyển được nữa.
REDD là gì?
Sự đền đáp và những triển vọng mới
Cộng đồng quốc tế thừa nhận ngày càng mạnh mẽ hơn về việc nếu như rừng được lồng ghép vào một giải pháp chống biến đổi khí hậu toàn cầu thì các nước đang phát triển cần phải được đền đáp cho những nỗ lực giảm thiểu mất rừng (khi rừng bị chặt trắng để chuyển đổi sang các mục đích sử dụng đất khác) và suy thoái rừng (khi tài nguyên rừng bị tổn hại). Xét cho cùng, đất có rừng rất quý giá – cung cấp gỗ và tiềm năng chuyển đổi thành rừng trồng thương mại, hoặc làm nông nghiệp để nuôi sống dân cư. Những sự đền đáp về mặt tài chính là cần thiết để đảm bảo đất có cây rừng luôn quý giá như chính rừng. Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD) là một cơ chế được thiết kế để tạo ra những sự đền đáp này. Theo hệ thống này, các nước sẽ đo đếm và giám sát lượng phát thải CO2 từ mất rừng và suy thoái rừng trong phạm vi biên giới nước mình. Sau một giai đoạn nhất định, các nước sẽ tính toán lượng giảm phát thải và nhận được số lượng tín chỉ carbon rừng có thể trao đổi trên thị trường dựa trên sự giảm thiểu này. Các tín chỉ sau đó có thể được đem bán trên thị trường carbon toàn cầu.
Tóm tắt: REDD cung cấp những sự đền đáp về tài chính để tránh mất rừng và suy thoái rừng. Khi làm như vậy, REDD cũng sẽ tạo ra sự kích thích quản lý rừng bền vững và bình đẳng đối với người dân nghèo sinh sống trong hoặc gần các vùng có rừng.
 
Hiện tại REDD đang ở đâu?
Thực trạng của REDD
Nói một cách cụ thể hơn, REDD được hình dung như thế nào? Cơ chế REDD hiện đang trong quá trình thiết kế, nhưng ngay từ thời điểm này đã có một số điểm được biết đến:
  1. REDD sẽ đền đáp cho sự ngăn ngừa mất rừng và suy thoái rừng
  2. REDD sẽ tăng cường chất lượng rừng
  3. Sự tham gia vào REDD sẽ là tự nguyện
Trong tháng 12 năm 2009, các quốc gia trên thế giới sẽ gặp gỡ lại để đạt được thỏa thuận về một chiến lược toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề biến đối khí hậu sau năm 2012 (giai đoạn đầu của thỏa thuận này là Nghị định thư Kyoto và sẽ kết thúc vào năm 2012). Một trong những quyết định quan trọng nhất là liệu có nên đưa REDD vào chiến lược này hay không. Ngay cả khi cuộc gặp gỡ này bật đèn xanh cho việc xúc tiến các dự án trình diễn REDD và các hoạt động chuẩn bị thì hình hài cuối cùng của REDD cũng chưa được xác định rõ, ít nhất là vào năm 2011. Hiện tại, tranh luận quốc tế tập trung vào các khía cạnh chưa rõ ràng của REDD:
  1. REDD sẽ được thực thi như thế nào? Sẽ thực thi thông qua các chương trình quốc gia hay trên cơ sở từng dự án?
  2. Ai sẽ trả tiền cho REDD và sẽ trả tiền như thế nào?
  3. Ai sẽ sở hữu carbon? Ai sẽ nhận tiền cho các tín chỉ carbon được sản sinh từ REDD? 
  4. Làm thế nào để đo đếm mất rừng và suy thoái rừng?
  5. Định nghĩa “suy thoái rừng” như thế nào?
  6. Làm thế nào để REDD vận hành vì lợi ích của người dân sống trong và xung quanh rừng?
 Chuẩn bị sẵn sàng cho REDD
Thành công của REDD phụ thuộc vào năng lực thực thi của quốc gia. Cần trả lời nhiều câu hỏi về hưởng dụng rừng và thiết kế điều tra rừng trước khi khởi động các dự án REDD. Ví dụ, nếu như chưa làm rõ ai là chủ sở hữu rừng, ai sẽ hưởng thu nhập từ REDD thì REDD chưa phải là một phần của thỏa thuận về giảm biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy trong nhưng năm sắp sẽ có thời gian để các nước tăng cường năng lực thực thi REDD.
Các bước hướng tới sự sẵn sàng
 
1) Kịch bản tham khảo và điều tra
Các nước cần đo đếm tài nguyên rừng hiện có thông qua các cuộc điều tra toàn quốc một cách chính xác và sau đó ước tính lượng carbon tàng trữ trong rừng. Các nước này cũng cần phải dự báo luợng carbon này sẽ thay đổi ra sao trong tương lai dựa trên các bằng chứng hiện có tốt nhất, bao gồm cả các xu hướng lịch sử về mất rừng và nhu cầu trong tương lai về tài nguyên rừng và đất nông nghiệp. Sự dự báo này, hay còn gọi là kịch bản tham chiếu sẽ được sử dụng để đánh giá thành công của một quốc gia trong việc đạt mục tiêu REDD.
Đây là công việc rất khó khăn. Không thể biết được một cách chắc chắn điều gì sẽ xảy ra với rừng trong tương lai, và vì vậy dự báo không thể coi là thực tế. Kịch bản tham khảo của mỗi quốc gia cần được các chuyên gia độc lập kiểm chứng cẩn thận. Một số nước chắc chắn là sẽ có một tương lai khó tiên đoán hơn là các nước khác, và mức độ rủi ro sẽ tác động tới tiềm năng của một nước trong việc tạo nguồn thu nhập từ REDD.
 
2) Hệ thống giám sát quốc gia
Các thay đổi khối lượng dự trữ carbon cần phải được giám sát theo thời gian để các nước có thể chính thức yêu cầu được hưởng tiền giảm phát thải. Cần phải xây dựng một hệ thống tính toán quốc gia về lượng dự trữ carbon trong rừng. Hệ thống này sẽ tổng hợp số liệu từ tất cả các dự án tại mỗi nước tham gia REDD.
 
3) Chiến lược REDD quốc gia
Cần thành lập Nhóm công tác quốc gia về REDD bao gồm cả khu vực công và tư nhân và xã hội dân sự. Nhóm này sẽ tham vấn với tất cả các chủ thể của ngành lâm nghiệp nhằm xây dựng chiến lược REDD thực sự mang tính quốc gia.
Việc thực thi REDD sẽ bao gồm một loạt rất nhiều các hoạt động, bao gồm tăng cường năng lực, thu thập và quản lý số liệu, quản lý rừng, bảo vệ rừng và giám sát các kết quả. Cùng với việc xác định và mô tả các hoạt động này, một chiến lược REDD cần bao gồm:
  • Đánh giá các tác động môi trường của các hoạt động REDD tiềm năng
  • Đánh giá nhu cầu thực tế về nguồn nhân lực và tài chính
  • Các điều kiện cần thiết cho việc thực thi REDD bao gồm:
    • Các bố trí về luật pháp và thể chế – làm rõ trách nhiệm của các cơ quan cụ thể của chính phủ. Đảm bảo rằng REDD sẽ phù hợp với luật pháp và chính sách quốc gia,
    • Thiết kế cơ chế chi trả công bằng – đảm bảo rằng tất cả các chủ thể tham gia đều nhận được phần thu nhập thỏa đáng và phù hợp, 
    • Hệ thống sổ sách – lưu giữ các số liệu về tất cả các hoạt động REDD trong nước, bao gồm cả các hoạt động do các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân tiến hành.
 Tính công bằng trong REDD
REDD thu hút và phân phối lợi ích một cách công bằng cho nhiều chủ thể, bao gồm những người quản lý rừng tại dịa phương, các cán bộ lâm nghiệp và chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ địa phương và các nhóm xã hội dân sự có liên quan tới quản lý rừng, và trên tất cả là các hộ sống phụ thuộc vào rừng. Các hộ này có quyền nhận được lợi ích từ REDD do đóng góp của họ vào việc thực thi REDD.
 
Xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các cộng đồng sẽ có vai trò quan trọng trong thực thi REDD ở cấp địa phương thông qua thực hành quản lý rừng bền vững. Lâm nghiệp cộng đồng cũng sẽ góp phần hiện thực hóa các thành quả của REDD: cải thiện sinh kế, đảm bảo khối lượng carbon tàng trữ trong rừng và rút ra các bài học về quản lý rừng bền vững. Các chủ thể địa phương cũng là những người thu thập số liệu rất tốt – nếu được đào tạo một ít, họ có thể thu thập một cách chính xác và thương xuyên các thông tin cần thiết về mất rừng và suy thoái rừng thông qua giám sát tại thực địa. Đổi lại, REDD chủ trương mang lại lợi ích cho các chủ thể địa phương thông qua:
  1. Làm rõ quyền hưởng dụng đất và quyền tiếp cận đất và rừng
  2. Duy trì tài nguyên rừng và sinh kế của người dân sống phụ thuộc vào rừng
  3. Vinh danh cho họ bằng sự thừa nhận toàn cầu rằng họ là những người quản lý rừng có trách nhiệm

Nguồn:http://vietnam-redd.org

Nguyễn Lê Hùng - CTV

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn