Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES): Tiềm năng áp dụng đối với tôm sinh thái tại Cà Mau
DALN Chính sách chi trả dịch vụ môi trường trong lĩnh vực Thủy sản áp dụng thí điểm tại tỉnh Cà Mau đối với sản phẩm Tôm rừng có chứng nhận quốc tế (Tôm sinh thái) sẽ góp phần hoàn thiện chính sách quốc gia, tạo nguồn tài chính bền vững cho công tác thích ứng với Biến đổi khí hậu
Ao tôm áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái theo chính sách 7:3
Kết quả 5 năm thực hiện PFES tại Việt Nam
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) được thực hiện theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP nhằm tạo nguồn tài chính bền vững từ các đối tượng được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên rừng, trong đó quy định 5 nhóm đối tượng phải trả tiền Dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) bao gồm (1) Các cơ sở sản xuất thủy điện; (2) Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch; (3) Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước; (4) Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR; (5) Các đối tượng phải trả DVMTR cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, PFES được áp dụng đối với 409 công ty thuộc 3 lĩnh vực: thủy điện, nước sạch, du lịch trên địa bàn 37 tỉnh thông qua các Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh và điều phối từ Trung ương. Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, nguồn thu từ PFES đã tăng 4,5 lần từ 282 tỷ năm 2011 đạt gần 1.300 tỷ năm 2015, trong đó các nhà máy Thủy điện đóng góp gần 98% doanh thu, tiếp đến là cơ sở cung cấp nước sạch, và dịch vụ du lịch chiếm lần lượt khoảng 2% và 0,1%.
Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng qua các năm từ 2011 đến 2015 - đvt: tỷ đồng
(Nguồn: Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp tại hội nghị Tổng kết, đánh giá về các phương thức chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2015)
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp, nguồn thu từ chi trả dịch vụ môi trường rừng giúp giảm áp lực của ngân sách đầu tư cho lĩnh vực Lâm nghiệp từ 22 – 25%; tạo nguồn thu nhập bổ sung khoảng 2 triệu VNĐ/hộ/năm cho trên 348.000 hộ và 5.700 nhóm hộ trên địa bàn 37 tỉnh; và góp phần vào nỗ lực tăng tỉ lệ che phủ rừng đạt 40,73% năm 2015.
Lồng ghép PFES vào nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau
Năm 2015, xuất khẩu tôm chiếm tỷ trọng 10% (khoảng 3 tỷ USD) giá trị xuất khẩu các sản phẩm Nông nghiệp, Lâm nghiệp, và Thủy sản với trọng tâm nuôi trồng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo số liệu của Sở NN&PTNT Cà Mau, tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng ĐBSCL (chiếm 45% diện tích và 35% sản lượng) bao gồm 5 hình thức: (1) quảng canh, (2) quảng canh cải tiến, (3) tôm – lúa, (4) tôm rừng, (5) tôm công nghiệp.
Tôm – rừng là sản phẩm đặc trưng của tỉnh Cà Mau, được nuôi trong các ao đầm có tỷ lệ rừng ngập mặn tương đối cao từ 31 – 50% diện tích ao nuôi, với nguồn giống tự nhiên và thức ăn cung cấp bởi chế độ thủy triều. Theo số liệu cập nhật, tỉnh Cà Mau có 60.000 ha tôm – rừng, trong đó 24% được chứng nhận sinh thái của các tổ chức có uy tín như Naturalland, EU organic, Bio Suisse,...
Tiên phong trong nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau là 3 công ty Camimex, Seanamico, Minh Phú. Theo báo cáo của Chương trình ICMP, sản phẩm tôm sinh thái của Cà Mau được xuất sang 2 thị trường Đức, Thụy Sỹ trước khi được phân phối một phần nhỏ sang các nước Châu Âu khác với mức giá cao hơn từ 20 – 50% so với sản phẩm tôm nuôi công nghiệp cùng chủng loại.
Với tiềm năng và lợi thế vượt trội, mặc dù vậy, Cà Mau gặp khó khăn trong việc phát triển Tôm sinh thái do 2 yếu tố (1) Sự phân phối lợi ích kinh tế giữa công ty Thủy sản và người dân chưa cân bằng; (2) Quy mô nuôi nhỏ lẻ ảnh hưởng làm tăng chi phí xác nhận chứng chỉ, kiểm soát chất lượng. Để giải quyết các vướng mắc trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã ban hành Quyết định 111/QĐ-UND ngày 22 tháng 1 năm 2016 quy định thí điểm nuôi tôm – rừng có chứng nhận quốc tế trên địa bàn tỉnh Cà Mau, trong đó lồng ghép thí điểm chi trả DVMTR.
Theo như Quyết định thí điểm, doanh nghiệp thủy sản lập và thực hiện dự án nuôi tôm rừng có chứng nhận quốc tế phải xây dựng quan hệ bình đẳng, hai bên cùng có lợi với các hộ dân nuôi tôm – rừng. Thông qua chính sách chi trả dịch vụ môi trường, các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng sẽ được hỗ trợ bổ sung tối thiểu 500.000 VNĐ/ha/năm hoặc bình quân 1.000 VNĐ/kg tôm chứng nhận quốc tế tùy theo thỏa thuận.
Hướng đi bền vững thích ứng với Biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh nguồn tài chính dành cho công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển có giới hạn, việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân thông qua mô hình tôm – rừng có chứng nhận quốc tế là hướng đi bền vững giảm gánh nặng đầu tư của ngân sách nhà nước cho công tác thích ứng với Biến đổi khí hậu. Thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật như ICMP, Sáng kiến Rừng ngập mặn cho tương lai (MFF),.. chính phủ có thể tạo điều kiện hỗ trợ các liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người dân, trước khi nhân rộng qua các dự án lớn của World Bank, KfW, hay ADB.
Bên cạnh đó, quá trình thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Cà Mau sẽ là tiền đề quan trọng giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện chính sách PFES quốc gia, và xây dựng các mô hình lâm ngư kết hợp trên địa bàn các tỉnh có rừng ngập mặn ven biển./.
Nguồn số liệu:
(1) Báo cáo Xác định thị trường tiềm năng cho Tôm chứng nhận sinh thái của tỉnh Cà Mau, Chương trình ICMP, 2014
(2) Báo cáo nghiên cứu xây dựng cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Cà Mau, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng, 2015
(3) Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp tại hội nghị Tổng kết, đánh giá về các phương thức chi trả dịch vụ môi trường rừng năm, 2015
(4) Báo điện tử chính phủ, Nhìn lại chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, 2015
(5) Báo điện tử Thủy sản Việt Nam, Nhìn lại thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam, 2016
Hoàng Trọng Nam