Lâm nghiệp bứt phá
DALN Sau 5 năm thành lập Tổng cục Lâm nghiệp (2010 - 2015), ngành lâm nghiệp Việt Nam đã có những đổi thay rõ rệt, đặc biệt là về chính sách. NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp xung quanh vấn đề này.
Tăng trưởng 1,5 lần
Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật nhất của ngành lâm nghiệp sau khi thành lập tổng cục?
Trước tiên, tôi cảm ơn NNVN đã quan tâm phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền lĩnh vực lâm nghiệp trong thời gian qua.
Được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ngành lâm nghiệp đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển đất nước, đặc biệt là khu vực nông thôn miền núi, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng.
Từ năm 2011 đến nay, sau khi thực hiện thành công dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, ngành lâm nghiệp triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua gần 5 năm thực hiện, độ che phủ rừng tăng từ 39,7% (năm 2011) lên 41,5% (năm 2014), dự kiến đạt 42% vào năm 2015. Có thể nói rằng, đã bắt đầu vào giai đoạn phát triển ổn định.
Tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về rừng giảm dần về số vụ từ 39.175 vụ/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống 28.037 vụ/năm trong giai đoạn từ 2011 đến nay.
Giảm 80% diện tích rừng bị phá trái pháp luật trong 5 năm qua (từ 6.339 ha/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 xuống 4.170 ha/năm). Công tác phòng cháy chữa cháy rừng theo phương châm "4 tại chỗ" được tăng cường. Số vụ cháy rừng giảm từ 569 vụ/năm giai đoạn 2006 - 2010 xuống 384 vụ/năm.
Tốc độ tăng trưởng giá trị SX lâm nghiệp bình quân giai đoạn 2011 - 2014 tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, bình quân đạt 4,6%/năm (năm 2011 đạt 3,4%, năm 2012 đạt 4,6%, năm 2013 đạt 5,9%, năm 2014 đạt 7,09%). Năm 2015, phấn đấu tốc độ tăng giá trị SX lâm nghiệp từ 7 - 7,2%.
Sản lượng gỗ khai thác gỗ rừng trồng tăng gấp hơn 2,5 lần trong vòng 5 năm qua. Công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản phát triển mạnh với nhiều thành phần kinh tế, sản phẩm ngày càng đa dạng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đến nay đồ gỗ Việt Nam đã xuất đi trên 100 nước và vùng lãnh thổ. Giá trị XK gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng xấp xỉ 1,5 lần trong 3 năm, từ 4,2 tỷ USD năm 2011 lên 6,3 tỷ USD năm 2014.
Chính sách huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng theo hướng xã hội hóa ngày càng có hiệu quả. Ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 25%, chủ yếu đầu tư cho trồng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và hỗ trợ trồng rừng còn lại 75% vốn được huy động từ các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước.
Hợp tác quốc tế về lâm nghiệp tiếp tục phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Ngành lâm nghiệp đã hợp tác với 28 đầu mối và tổ chức lâm nghiệp quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên diễn đàn quốc tế; hợp tác với các nước có chung đường biên giới được tăng cường. Nguồn vốn ODA đã góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu phát triển ngành.
Mặc dù thống kê về số vụ vi phạm lâm luật, số vụ hành hung người bảo vệ rừng có giảm, nhưng thực tế công tác giữ rừng vẫn còn hết sức gian nan… Có vẻ như chúng ta vẫn còn thiếu những chính sách, chế tài cho công tác bảo vệ, phát triển rừng, xin ông đánh giá về những tồn tại hiện nay của ngành?
Tổng cục Lâm nghiệp được thành lập năm 2010 tại Quyết định số 04/2010/QĐ-TTg trên cơ sở Cục Lâm nghiệp và Cục Kiểm lâm thuộc Bộ NN-PTNT.
Mặc dù đạt được những thành công như trên, nhưng ngành lâm nghiệp còn nhiều tồn tại và đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức lớn, không chỉ trong công tác bảo vệ và phát triển rừng mà cả trong phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Tình trạng phá rừng, khai thác rừng tự nhiên, sử dụng đất lâm nghiệp trái phép còn diễn ra phức tạp ở một số địa phương; năng suất, chất lượng, giá trị rừng SX thấp. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tiếp tục bị suy giảm, 80% diện tích rừng tự nhiên là rừng nghèo. Rừng trồng chủ yếu là rừng gỗ nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.
Thu nhập bình quân trên 1 ha rừng trồng mới đạt khoảng 7 - 8 triệu đồng/ha/năm. Đa số người dân làm nghề rừng còn nghèo, tỷ trọng thu nhập từ lâm nghiệp chỉ chiếm 25% trong tổng thu nhập của hộ nông dân miền núi… Trình độ, tay nghề lao động lâm nghiệp thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu.
Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ vào SX còn nhiều bất cập; công nghiệp phụ trợ, vật tư phục vụ SX lâm nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu. Quy mô SX còn nhỏ, thiếu tổ chức liên kết theo chuỗi, kết cấu hạ tầng yếu kém; công nghệ và quản trị các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lạc hậu. Năng suất lao động trong chế biến lâm sản của Việt Nam, còn thấp so với các nước trong khu vực và rất thấp so với các nước tiên tiến trên thế giới.
Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến những hạn chế trên. Trong những nguyên nhân đó một phần do hệ thống cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp chưa đồng bộ, việc tổ chức hướng dẫn và năng lực tổ chức thực hiện chính sách ở một số địa phương còn nhiều hạn chế.
Một số chính sách chưa được thực hiện một cách triệt để như giao đất giao rừng, chính sách hưởng lợi, khuyến lâm... Chính sách đầu tư, tín dụng, tài chính cho lâm nghiệp còn nhiều bất cập, hạn chế. Tổng cục Lâm nghiệp đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.
Năm 2015, tổng cục xây dựng đề nghị dự án Luật Lâm nghiệp trình Quốc hội khóa XIV, đồng thời chủ trì xây dựng 14 văn bản quy phạm pháp luật khác.
Đẩy mạnh tái cơ cấu
Nhiều người đúc kết, dân chỉ giữ rừng khi đời sống của họ được đảm bảo. Thưa ông, ngành lâm nghiệp đã và đang có những chính sách gì để cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn miền núi?
Trong thời gian qua, ngoài việc tiếp tục triển khai tốt một số chính sách như Nghị quyết 30a, Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển rừng SX... thì nhiều văn bản quan trọng của ngành tiếp tục được ban hành, trong đó có một số chính sách có tính đột phá như Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, Kế hoạch bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, Nghị định 117 về tổ chức, quản lý hệ thống rừng đặc dụng và các văn bản khác.
Bộ NN-PTNT cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành một số chính sách mới như chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc. Các chính sách thúc đẩy tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Chính sách về đất đai cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư…
Từ các chính sách trên đã tạo ra được nguồn lợi cho người dân tham gia làm nghề rừng như quyền sử dụng đất, ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân… Giai đoạn 2010-2011, nguồn thu từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt 493.336 triệu đồng; năm 2012 đạt 1.100 tỷ đồng; năm 2013 đạt 1.068 tỷ đồng; năm 2014 đạt 1.330,6 tỷ đồng, dự kiến năm 2015 là 1.307 tỷ đồng.
Mặc dù Việt Nam đã trở thành quốc gia XK đồ gỗ và lâm sản, nhưng hiệu quả SX lâm nghiệp còn thấp so với khu vực và thế giới. Nguyên nhân do đâu và chúng ta kỳ vọng gì ở Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp?
Nếu nói về tăng trưởng của ngành Lâm nghiệp là không thấp và tăng dần đều. Trong 3 năm gần đây, đều trên 4,6% (2011), 5,9% (2012) và 7,09% (2013). Tuy nhiên, tỷ trọng của giá trị SX ngành lâm nghiệp trong tổng giá trị ngành nông nghiệp là khá khiêm tốn, chỉ chiếm bằng 3,9%. Có 2 lý do đó là:
Thứ nhất, SX lâm nghiệp còn nhỏ, phân tán bởi các chủ rừng là hộ gia đình (trên 1 triệu hộ) và chủ yếu trồng rừng gắn với quản lý bảo vệ rừng và cải tạo rừng. Giá trị gia tăng thấp, năng suất lao động thấp; năng suất, sản lượng rừng thấp, chất lượng sản phẩm thấp.
Thứ hai, do cách tính không đầy đủ. Đó là mới tính đến giá trị SX trong giai đoạn tạo rừng, quản lý bảo vệ rừng và khai thác, chưa tính đến giá trị SX (giá trị gia tăng) trong giai đoạn chế biến lâm sản và XK thương mại. Đây chính là giai đoạn tạo giá trị cao. Cách tính chủ yếu dựa vào giá trị đầu tư, hỗ trợ của nhà nước, chưa tính đến giá trị đầu tư bằng lao động, nguồn lực cộng đồng, của chủ rừng ngoài nhà nước, nên thực chất, giá trị SX chịu chi phí cao hơn như cách tính toán hiện tại.
Để khắc phục tình trạng trên, tổng cục cũng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là: Thứ nhất, tăng giá trị SX thông qua giá trị gia tăng và mở rộng quy mô SX theo đúng đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Đó là tăng năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng, giá trị gia tăng sản phẩm qua chế biến lâm sản. Thứ hai, cần điều chỉnh cách tính toán, đảm bảo đúng, đủ để hạch toán và quản lý, điều chỉnh quá trình SXKD.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Mai Dung – CTV
Có thể bạn quan tâm
Tin cũ hơn
- Bước đầu tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân từ rừng
- Ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
- Cải thiện đời sống nhân dân nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
- Tái cơ cấu lâm nghiệp đang đi đúng hướng
- Việt Nam sẵn sàng chung tay giảm phát thải khí nhà kính
- Bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số