Quản lý tài nguyên rừng bằng “công nghệ số”
DALN 260.000 người dân thuộc 12 dân tộc thiểu số của 6 huyện nghèo Việt Nam có thể tự kiểm soát tài nguyên rừng, bảo đảm an ninh lương thực và đa dạng hóa các nguồn thu nhập của mình nhờ việc áp dụng công nghệ kĩ thuật số FORMIS (Hệ thống quản lý thông tin ngành Lâm nghiệp ở Việt Nam). Người dân sẽ được tham gia quản lý và giảm nghèo từ việc sử dụng gỗ và các lâm sản ngoài gỗ một cách bền vững, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại buổi Hội thảo.
Theo đó, người dân cùng kiểm lâm viên địa phương sẽ được trao quyền quản trị một phần mềm Open Data Gathering (hệ thống thông tin mở, được hỗ trợ kĩ thuật của Nokia và Microsoft) để tiếp cận, kiểm soát diện tích rừng của mình. Đồng thời, phần mềm này cũng hỗ trợ các phòng, ban lâm nghiệp và các cơ quan liên quan có thể truy cập và trao đổi dữ liệu về lâm nghiệp, thúc đẩy sự phát triển lâm nghiệp.
Hoạt động này nằm trong Dự án “Sự tham gia của người dân trong việc nâng cao công tác quản trị rừng và xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam (PFG – Việt Nam)” do Đại sứ quán Phần Lan phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức AdtionAid Việt Nam (AAV) tổ chức với tổng ngân sách hơn 10 triệu Euro (gần 250 tỉ đồng). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử quản lý rừng của Việt Nam, các công cụ kĩ thuật số được đưa vào lồng ghép nhằm bảo vệ tài nguyên rừng.
Hội thảo giới thiệu và khởi động dự án được tổ chức tại Hà Nội trong ba ngày từ ngày 9 đến 11.3.
Ông Kimmo Lähdevirta đại sứ Phần Lan phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Kimmo Lähdevirta – Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam nhận định: “Phần Lan ưu tiên sự tham gia của người dân trong công tác quản trị tốt và bảo tồn thiên nhiên, Dự án PFG là một sự kết hợp tuyệt vời của hai lĩnh vực trên, và chúng tôi mong muốn được làm việc cùng ActionAid Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên & Môi tường, các địa phương và cộng đồng để thực hiện sáng kiến tuyệt vời này. Qua đó, tăng cường trách nhiệm của người dân đối với việc bảo vệ rừng, cảnh báo thiên tai, góp phần chống biến đổi khí hậu”.
Ông Kimmo cho rằng, đây là bước ngoặt lớn đối với nền lâm nghiệp Việt Nam trong việc kiểm soát, quản lý bảo vệ rừng nhờ Hệ thống thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp (FORMIS). Hệ thống này đã được ghi nhận ở Phần Lan và một số nước tiên tiến khác. Đây là một trong 4 dự án lớn về lâm nghiệp mà Phần Lan thực hiện tại Việt Nam. Ông hi vọng, dự án này thúc đẩy lâm nghiệp Việt Nam phát triển, dân tộc thiểu số sống nhờ rừng thoát nghèo.
Bà Lê Thị Thu Hường, Điều phối viên Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Phần Lan cho biết: “Dự án PFG là giai đoạn hai của dự án FORMIS với tham vọng xây dựng hệ thống quản lý rừng không chỉ phục vụ các cấp, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm quản lý rừng mà còn phục vụ cho tất cả người dân sống phụ thuộc vào rừng. Cái khó của dự án này là làm sao để họ cải thiện cuộc sống của mình, từ những thông tin do FORMIS cung cấp. Đáp án câu hỏi đó là mục đích chính của dự án lần này”.
Giao diện của Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam
Tại Hội thảo, đại diện Chi cục kiểm lâm tỉnh Trà Vinh, Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông (Đắk Lắk), đại diện cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Hòa Bình đã cam kết thực hiện tốt hoạt động dự án đồng thời tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho người dân.
Dự án FORMIS II (PFG) bắt đầu triển khai từ tháng 5.2013, sẽ được thực hiện trong vòng 5 năm tại 6 huyện nghèo thuộc 6 tỉnh của Việt Nam bao gồm Thông Nông (Cao Bằng), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Đà Bắc (Hòa Bình), Krông Bông (Đắk Lắk), Duyên Hải (Trà Vinh), Đông Hải (Bạc Liêu). Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp tại Việt Nam sẽ được tích hợp bởi các hệ thống như: Hệ thống báo cáo kiểm lâm nhanh, hệ thống chia sẻ dữ liệu lâm nghiệp, hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng…
ThienNhien.Net
CTV Hồng Từ (st)
Có thể bạn quan tâm
Tin cũ hơn
- Triển khai kế hoạch năm 2015 Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam gắn với việc thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
- Lâm nghiệp bứt phá
- Bước đầu tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân từ rừng
- Ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
- Cải thiện đời sống nhân dân nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
- Tái cơ cấu lâm nghiệp đang đi đúng hướng