Bước đầu tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân từ rừng
DALN Sáng 27/3/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng theo Quyết định số 126/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính. Hội nghị có sự tham dự của đại diện các Bộ, ngành có liên quan, chính quyền địa phương, Ban quản lý rừng đặc dụng, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, các nhà khoa học và người dân được hưởng lợi.
Ông Cao Chí Công – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo và phát biểu khai mạc hội nghị
Từ 02/02/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126/QĐ-TTg cho phép thực hiện thí điểm Cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng tại ba Vườn Quốc Gia là VQG Xuân Thủy (Nam Định), VQG Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) và VQG Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) nhằm khuyến khích sự tham gia của các Ban quản lý rừng đặc dụng và cộng đồng địa phương để xây dựng khung cam kết cơ chế chia sẻ lợi ích sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên và tăng cường sự hỗ trợ của địa phương đối với việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng, mục tiêu đến hết năm 2014 sẽ tiến hành tổng kết các mô hình thí điểm này và đánh giá để xem xét khả năng ban hành một chính sách cấp Quốc gia.
Theo các chuyên gia, nguyên tắc thỏa thuận trực tiếp và tự nguyện giữa Ban quản lý rừng đặc dụng và cộng đồng địa phương thông qua đại diện Hội đồng quản lý, công khai, minh bạch; gắn trách nhiệm các bên với lợi ích chia sẻ; khai thác, sử dụng lợi ích không ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu bảo tồn rừng đặc dụng, chỉ các bên tham gia thỏa thuận mới được chia sẻ lợi ích đã giúp cộng đồng giải thiểu những tổn thất của việc sử dụng tài nguyên và khuyến khích được cộng đồng áp dụng phương pháp đồng quản lý bền vững, tăng cường sự hỗ trợ của cộng đồng trong bảo vệ và bảo tồn các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học mà học đã và đang sử dụng.
Việc thực hiện phương án chia sẻ lợi ích trong những năm qua được đánh giá đã giúp tăng cường nhận thức của người dân về tầm quan trọng của hoạt động bảo tồn và khai thác bền vững nguồn tài nguyên trong hệ thống rừng đặc dụng. Trong một cơ chế công bằng, bên cạnh quyền lợi, các bên tham gia, gồm cả người dân, đã có trách nhiệm đối với việc quản lý bảo vệ rừng. Việc tạo ra sinh kế cho cộng đồng dân cư sống trong vùng đệm khu rừng đặc dụng đã thu hút được sự quan tâm của người dân trong hoạt động bảo vệ rừng. Phương án chia sẻ lợi ích này cũng góp phần giúp tăng cường cơ chế phối hợp, tăng kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức, giám sát cho Ban quản lý các VQG, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư khu vực thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế cũng gặp một số hạn chế nhất định như việc chưa xác định được chính xác lượng tài nguyên có thể chia sẻ, việc tổ chức giám sát đạt hiệu quả chưa cao do thiếu nguồn lực nên chưa đạt được mục tiêu khai thác và phát triển rừng bền vững. Bên cạnh đó, phương án này chưa tạo được nguồn thu tài chính bền vững thông qua hoạt động đóng góp quỹ để duy trì hoạt động giám sát, kiểm tra và tuyên truyền phổ biến, giáo dục.
Tại Hội thảo, đa số đại biểu đều nhất trí cho rằng chia sẻ lợi ích từ rừng một cách hiệu quả và công bằng sẽ là động lực then chốt thúc đẩy sự tham gia của các bên trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng. Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách đặc thù lồng ghép việc xây dựng mô hình phát triển sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng đệm của các khu rừng đặc dụng với hoạt động chia sẻ lợi ích, khoán, bảo vệ rừng, cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng và đồng quản lý vẫn là vấn đề mang tính cấp thiết và cần được tiếp tục thí điểm mở rộng, hoàn thiện hơn.
Minh Trung – CTV
Có thể bạn quan tâm
Tin cũ hơn
- Ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
- Cải thiện đời sống nhân dân nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
- Tái cơ cấu lâm nghiệp đang đi đúng hướng
- Việt Nam sẵn sàng chung tay giảm phát thải khí nhà kính
- Bảo vệ rừng gắn với giảm nghèo đồng bào dân tộc thiểu số
- Chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES): Tiềm năng áp dụng đối với tôm sinh thái tại Cà Mau