Thứ sáu, 19/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC: Truyền thông về quyền sử dụng rừng và đất rừng

Thứ tư, 15/03/2023 | 08:40 GMT+7

DALN Ngày 10/3/2023, Ban quản lý dự án VFBC tỉnh Hòa Bình phối hợp với UBND huyện Mai Châu tiến hành sự kiện Truyền thông về quyền hưởng dụng rừng và đất rừng, bảo vệ và phòng chống cháy rừng tại bản Hịch 1, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình.

Đây là sáng kiến của Hợp phần 1 - Quản lý rừng bền vững của Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ. Mục tiêu của sáng kiến này nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng rừng và đất rừng, giúp họ hiểu rõ hơn quyền lợi và trách nhiệm của mình đối với các diện tích rừng được giao, từ đó nâng cao ý thức của bản thân và cộng đồng trong việc bảo vệ và phát triển rừng.

   

Tham gia buổi truyền thông có ông Vũ Văn Hưng – Phó trưởng ban, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, ông Trần Văn Cường – Phó Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, ông Phạm Văn Hòa – Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, Ban quản lý dự án VFBC trung ương, BQL dự án VFBC tỉnh Hòa Bình, các chuyên gia của đơn vị thực hiện dự án DAI. Buổi truyền thông đã thu hút sự tham gia của hơn 200 người dân địa phương. Ngoài việc được lắng nghe phổ biến kiến thức về quyền sử dụng rừng và đất rừng đến từ chuyên gia của Dự án, bà con tham gia sự kiện còn hưởng ứng vô cùng sôi nổi các trò chơi hỏi đáp về các nội dung liên quan đến quyền sử dụng rừng, đất rừng, bảo vệ rừng.

        

Cũng tại sự kiện, đại diện UBND các xã Mai Hịch, Xăm Khòe, Mai Hạ và Vại Mai huyện Mai Châu đã cùng ký vào bản quy chế phối hợp trong việc bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực giáp ranh dưới sự chứng kiến của các cấp chính quyền liên quan.



Tính đến ngày 31/12/2021, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng đang quản lý hơn 4 triệu ha rừng, trong đó cá nhân, hộ gia đình quản lý hơn 3,1 triệu hecta và cộng đồng quản lý gần 1 triệu ha rừng. Trong thời gian tới, Nhà nước có chủ trương tiếp tục giao đất, giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng từ hơn 3,3 triệu ha rừng do UBND xã tạm thời quản lý, một mặt nhằm tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho cộng đồng, mặt khác nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên rừng. Hiện trạng giao đất, giao rừng hiện không đồng nhất giữa các địa phương. Có nơi đất rừng và rừng được giao đồng thời, có nơi chỉ mới giao rừng, chưa giao đất, cũng có nơi đã giao đất nhưng chưa hoàn tất thủ tục giao rừng. Ngoài ra, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng còn nhận khoán bảo vệ rừng từ các chủ rừng như Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, công ty lâm nghiệp, UBND xã, v.v….. Với mỗi hình thức giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng, cộng đồng có những quyền, quyền lợi và nghĩa vụ khác nhau. Việc hiểu rõ các quyền và trách nhiệm này có ý nghĩa quan trọng trong việc cộng đồng được thụ hưởng đầy đủ các lợi ích hợp pháp từ rừng, đồng thời thực hiện tốt nghĩa vụ quản lý, bảo vệ và sử dụng một cách bền vững, có hiệu quả lâu dài.

Khác với đất đai (toàn bộ do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu), rừng có loại thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu và cũng có loại do cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng làm chủ sở hữu. Khi là chủ sở hữu, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng có quyền sử dụng rừng, tức là quyền “khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của chủ sở hữu”. Trong trường hợp rừng do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu thì người sử dụng rừng chỉ có quyền hưởng dụng, tức là quyền “khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của chủ thể khác (ở đây là toàn dân do Nhà nước đại diện) trong một thời hạn nhất định”.

Theo Luật Lâm nghiệp 2017, Nhà nước là đại diện chủ sở hữu đối với các loại rừng thuộc sở hữu toàn dân gồm rừng tự nhiên, rừng trồng do Nhà nước đầu tư toàn bộ, rừng trồng do Nhà nước thu hồi, được tặng, cho hoặc trường hợp chuyển quyền sở hữu rừng trồng khác theo quy định của pháp luật. Như thế, khi được giao các loại rừng này để quản lý, bảo vệ thì cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng chỉ có quyền hưởng dụng do không phải là chủ sở hữu của rừng được giao. Khi là chủ sở hữu của rừng sản xuất (là rừng trồng tự đầu tư,rừng trồng được nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng từ chủ rừng khác theo quy định của pháp luật), cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng có đầy dủ quyền sử dụng theo quy định của pháp luật. Đối với rừng nhận khoán bảo vệ, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng vừa không phải là chủ sở hữu, vừa không phải là người có quyền sử dụng mà chỉ có quyền được hưởng dụng một phần theo thỏa thuận trong hợp đồng giao khoán với chủ rừng.

Hợp phần Quản lý rừng bền vững (Dự án VFBC) hiện đang tích cực khuyến khích và hỗ trợ quá trình giao đất gắn liền với giao rừng để đảm bảo các quyền và quyền lợi hợp pháp của cộng đồng đối với đất rừng và diện tích rừng được giao. Ngoài ra, Dự án đang hỗ trợ việc điều chỉnh các chính sách trung ương, địa phương về quản lý rừng bền vững tại cộng đồng; hỗ trợ nhiều cộng đồng xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững để đảm bảo người dân, cộng đồng có thể được hưởng lợi từ rừng và bảo vệ rừng có hiệu quả để sử dụng lâu dài.

Nguồn thông tin tham khảo: Tổ chuyên gia DAI
Lê Thị Thủy

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn