Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp: Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021
DALN Ngày 16/1/2021, tại Hà Nội, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác Ban và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được của Ban trong năm 2020, đồng thời rút ra kinh nghiệm để triển khai kế hoạch năm 2021 góp phần thúc đẩy Ban nói riêng và ngành Lâm nghiệp nói chung tiếp tục phát triển bền vững, hiệu quả. Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Tham gia hội nghị có đại diện lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch, Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đại diện nhà tài trợ và tổ chức quốc tế (ADB, WB, JICA, KfW, WWF…) cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên chức người lao động của Ban.
Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT Hà Công Tuấn đến dự và chỉ đạo hội nghị
Vượt khó hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng
Trong năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, tình hình mưa lũ, thiên tai xảy ra bất thường, khiến việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án Lâm nghiệp trên phạm vi cả nước gặp rất nhiều khó khăn, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, sự hỗ trợ của các cơ quan thuộc Bộ, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp đã nỗ lực cơ bản hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch được Bộ giao năm 2020, trong đó, công tác kêu gọi thu hút, vận động nguồn hỗ trợ ODA và xây dựng dự án mới về lĩnh vực Lâm nghiệp đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy một số dự án bị chậm tiến độ giải ngân nhưng Ban đã vượt qua thách thức và tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và PTNT quản lý, thực hiện hiệu quả nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp trình bày báo cáo tại hội nghị
Một số kết quả nổi bật trong năm 2020, Ban đã tập trung chỉ đạo hoàn thành khối lượng công việc như hỗ trợ các địa phương trong cả nước trồng 394,31 ha rừng, triển khai tiến hành chăm sóc 3.682 ha rừng, tuần tra và quản lý bảo vệ 6.990 ha rừng; Khoanh nuôi tái sinh tái sinh rừng đạt 5.413 ha. Bên cạnh đó, các dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ban đã hỗ trợ ngành Lâm nghiệp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo nhằm xây dựng, đề xuất các chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng và chế biến lâm sản, đặc biệt là việc hỗ trợ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực thi Luật Lâm nghiệp; đề án thí điểm Giảm phát thải cho vùng Bắc trung bộ, ký kết Thỏa thuận chi trả giảm phát thải (ERPA); hướng dẫn giám sát đánh giá PFES trong chi trả dịch vụ môi trường rừng và chi trả dịch vụ môi trường rừng thông qua giao dịch điện tử (không dùng tiền mặt); cấp chứng chỉ rừng cho một số địa bàn thực hiện dự án.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19, nên hầu hết các dự án đang triển khai và các dự án xây dựng mới đều phải tạm dừng một thời gian dài giãn cách xã hội, ngoài ra, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động hiện trường, nên kế hoạch năm 2020 của một số dự án bị chậm tiến độ và không hoàn thành 100% so với kế hoạch được giao.
Phát huy thế mạnh đạt những thành tựu mới
Hiện nay, Lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực được Chính phủ, các tổ chức quốc tế quan tâm, ưu tiên, đặc biệt là phát triển lâm nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, điều này tạo ra điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nguồn vốn ODA cho các dự án trong lĩnh vực Lâm nghiệp đầu tư cho các tỉnh, khu vực nông thôn miền núi.
Ông Đỗ Quang Tùng - Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp phát biểu tại hội nghị
Phát huy những thuận lợi đó, với kinh nghiệm của mình, trong năm 2021, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp đề ra mục tiêu tiếp tục phấn đấu đẩy nhanh việc hoàn thành các thủ tục để đưa vào khởi công 5 dự án mới, đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng thêm 7 dự án trọng điểm đảm bảo tính bền vững cho các thành quả đã đạt được trong lĩnh vực lâm nghiệp, giúp bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại nhiều địa phương trong cả nước.
Các dự án được Ban xây dựng và thực hiện sẽ hướng vào công tác quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng, dịch vụ môi trường rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Góp phần xây dựng ngành Lâm nghiệp thực sự trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật đặc thù.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp trong năm 2020 cơ bản vượt qua những khó khăn thách thức đạt được những kết quả đáng khích lệ. Về hướng đi trong thời gian tới của Ban trong bối cảnh nguồn vốn viện trợ không hoàn lại ngày càng thu hẹp dần chuyển sang vốn vay, Thứ trưởng yêu cầu Ban cần xác định rõ mục tiêu để quản lý hiệu quả các dự án sử dụng nguồn vốn ODA hiện có, làm sao để các mô hình dự án phải là những mô hình mẫu mực trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Bên cạnh đó, bước sang năm 2021, bắt đầu chu kỳ 5 năm 2021 - 2025, Ban cần xây dựng chiến lược tiếp tục đẩy mạnh việc đàm phán thu hút các nguồn đầu tư bám sát mục tiêu của ngành Lâm nghiệp, ưu tiên của từng nhà tài trợ; đồng thời lên kế hoạch cụ thể đẩy nhanh việc triển khai các dự án mới, đối với các dự án kết thúc cần phải quyết toán đúng thời gian, thành quả dự án cần được chuyển giao theo đúng quy định của nhà nước.
Sơn Lâm
Có thể bạn quan tâm
Tin cũ hơn
- Hội nghị Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang lần thứ 9 Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững
- Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp – 25 năm phát triển: Dấu ấn từ Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD)
- Dự án KfW6 - Hội nghị giao ban lần thứ 12
- Báo cáo thẩm định Dự án Phát triển ngành Lâm nghiệp - WB3
- Dự án WB3 - Hội nghị “Sơ kết 9 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 3 tháng cuối năm 2011
- Dự án FLITCH - Tổ chức Hội thảo “Thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2011”