Thứ năm, 18/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Tái cơ cấu Lâm nghiệp để tạo ra giá trị cao cho người trồng rừng

Thứ năm, 19/12/2013 | 00:00 GMT+7

DALN Lâm nghiệp là lĩnh vực đầu tiên và duy nhất trong ngành Nông nghiệp hoàn thiện Đề án tái cơ cấu đến thời điểm này. Theo đó, Lâm nghiệp đang được kỳ vọng sẽ phát triển theo hướng bền vững và đem lại giá trị vật chất cho người trồng và bảo vệ rừng.   

Lâm nghiệp là lĩnh vực đầu tiên và duy nhất trong ngành Nông nghiệp hoàn thiện Đề án tái cơ cấu đến thời điểm này. Theo đó, Lâm nghiệp đang được kỳ vọng sẽ phát triển theo hướng bền vững và đem lại giá trị vật chất cho người trồng và bảo vệ rừng.
 
Tái cơ cấu lâm nghiệp phải đem lại giá trị vật chất cho người trồng và bảo vệ rừng.
 
Trong 10 năm qua, Lâm nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp ngày càng nhiều vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Độ che phủ của rừng năm 1998 từ 32% đã lên đến 39,5% vào năm 2010 và năm 2012 là 40,7%. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Lâm nghiệp đã bộc lộ nhiều hạn chế như tăng trưởng chậm, kém bền vững, hiệu quả và năng lực cạnh tranh yếu, diện tích rừng tăng nhưng năng suất lại thấp, thu nhập của người dân tham gia nghề rừng cũng vì thế chưa giúp dân sống được bằng nghề, nảy sinh nhiều tiêu cực… Chính vì vậy, Tổng cục Lâm nghiệp đã xây dựng và đang tiến hành triển khai đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp để tháo gỡ những hạn chế trên. 
 
Loại rừng nào cũng mang lại giá trị kinh tế
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, hướng tái cơ cấu của lĩnh vực lâm nghiệp là thay vì chạy theo diện tích, độ che phủ thì sẽ tính toán để độ che phủ ấy tỷ lệ thuận với lượng tiền người dân trồng và bảo vệ rừng được hưởng.
 
Còn ông Nguyễn Bá Ngãi, Tổng Cục phó Tổng cục Lâm nghiệp thì cho biết: Diện tích đất lâm nghiệp đến năm 2020 khoảng 16,2-15,6 triệu ha. Mũi nhọn để đem lại lợi ích kinh tế là rừng sản xuất sẽ được tập trung phát triển và nâng cao chất lượng thông qua nuôi dưỡng làm giàu rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt. Cùng với đó ngành Lâm nghiệp sẽ đưa giống mới vào sản xuất, phát triển trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao sản lượng gỗ thương phẩm, phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ.
 
Đặc biệt, nếu như trước khi có Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, trong 3 loại rừng (phòng hộ, đặc dụng, sản xuất) chỉ có rừng sản xuất mới có mục đích đem lại hiệu quả kinh tế. Khi thực hiện tái cơ cấu thì cả ba loại rừng trên sẽ đem lại giá trị vật chất cho người trồng và bảo vệ rừng.
 
Trong đó, hình thức gia tăng kinh tế từ độ che phủ của rừng hiệu quả nhất đang được kỳ vọng hiện nay là chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đây là công cụ kinh tế yêu cầu những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. 
 
Nguyên tắc cơ bản của Dịch vụ môi trường rừng là các tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ những dịch vụ môi trường phải chi trả cho những người sử dụng tài nguyên để cung cấp dịch vụ đó. Trên thực tế, đến tháng 9/2013 tổng nguồn thu từ dịch vụ này ở Việt Nam đã đạt khoảng 2.300 tỷ đồng, nguồn lực này sẽ góp phần lớn để tái tạo và phát triển rừng.
 
Nhà nước quản lý không quá 50% tổng diện tích rừng
 
Ông Nguyễn Bá Ngãi cho biết thêm, sắp tới lĩnh vực Lâm nghiệp sẽ có sự điều chỉnh cơ cấu các loại hình tổ chức quản lý rừng theo hướng các tổ chức của Nhà nước trực tiếp quản lý không quá 50% tổng diện tích rừng. 50% còn lại sẽ do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước quản lý trực tiếp.
 
Bên cạnh đó, hạt nhân quản lý rừng là các công ty lâm nghiệp cũng sẽ chuyển đổi trên cơ sở cơ cấu lại rừng, các tổ chức quản lý rừng theo các hình thức: Cổ phần hóa Nhà nước giữ cổ phần chi phối; chuyển  sang ban quản lý rừng; giải thể hoặc chuyển đổi hình thức khác…
 
Trên cơ sở của sự chuyển đổi hình thức quản lý như trên, tỷ trọng đầu tư của Nhà nước vào lâm nghiệp cũng sẽ giảm dần. Đầu tư phát triển cho lâm nghiệp sẽ được huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách. Cùng với thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng như đã nói ở trên, ngành cũng sẽ tranh thủ tiềm năng từ các nguồn hỗ trợ tài chính khác.
 
Ông Ngãi giải thích: “Sẽ phân định rõ các nguồn lực và đầu tư theo hướng vốn ngoài ngân sách Nhà nước tập trung cho đầu tư phát triển rừng sản xuất, lâm sản ngoài gỗ, chế biến và tiêu thụ lâm sản, khai thác nguồn lợi, dịch vụ từ rừng”.
 
Vốn ngoài ngân sách cũng sẽ được dùng để xúc tiến thương mại và phát triển thị trường, đầu tư vào một số lĩnh vực trước đây chỉ dùng vốn ngân sách như phát triến giống cây, đào tạo nghề lâm nghiệp, cung cấp các dịch vụ khuyến lâm…
 
Đề án đã hoàn thành nhưng để thực thi được chiến lược cho ngành Lâm nghiệp thì còn nhiều vấn đề phải hoàn thiện. Điển hình như việc quy hoạch rừng gắn với quy hoạch sử dụng đất. Việc gắn kết 2 quy hoạch theo 2 luật khác nhau sẽ là khó khăn không nhỏ cho ngành Lâm nghiệp. Tương tự như vậy là sự quy hoạch gắn kết giữa quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu gắn với quy hoạch chế biến gỗ…
 
Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhìn nhận: “Việt Nam đã được coi là công xưởng gỗ của thế giới. Chúng ta cần công nghệ chế biến để đem lại giá trị cao hơn. Nhưng trước hết ta phải xác định được trồng những cây gì là đặc biệt của Việt Nam. Muốn làm được điều đó, mỗi địa phương phải tìm ra thế mạnh của mình và tập trung vào cây trồng thế mạnh”.
 
Đạt được kỳ vọng của đề án tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, thì chắc chắn một lần nữa chúng ta sẽ có cơ sở để tự hào rằng “rừng vàng, biển bạc” là đây.
CTV Mai Dung- Sưu tầm

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn