Thứ bảy, 20/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Tọa đàm xây dựng một số dự án mới sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản cho ngành Lâm nghiệp tại Việt Nam

Thứ tư, 16/04/2014 | 00:00 GMT+7

DALN Sáng ngày 15/4, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp đã có buổi tọa đàm với đoàn chuyên gia tư vấn JICA do ông Egashira Eiji – Cố vấn Xây dựng chương trình dự án JICA dẫn đầu nhằm thảo luận các vấn đề về hợp tác sử dụng nguồn vốn đầu tư ODA của Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho các dự án thuộc quản lý của Ban.   

Đồng thời cho ý kiến xây dựng một số dự án mới trong lĩnh vực Lâm nghiệp thời gian sắp tới được thực hiện bằng nguồn vốn ODA này. Ông Phan Thanh Ngọ – Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp chủ trì buổi tọa đàm.
 
Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp Phan Thanh Ngọ
đánh giá cao vai trò của buổi tọa đàm giữa Ban và đoàn chuyên gia JICA
 
Tại buổi tọa đàm, hai bên khẳng định vai trò quan trọng của nguồn vốn viện trợ ODA mà Chính phủ Nhật Bản đã ưu ái dành cho Việt Nam trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Cụ thể, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp đang trực tiếp quản lý nhiều dự án do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ theo nguồn vốn vay và viện trợ không hoàn lại như: Dự án trồng rừng trên đất cát ven biển Nam Trung bộ – giai đoạn II (PACSA2) với số tiền đầu tư 526 triệu Yên, thời gian thực hiện từ năm 2009 đến năm 2014; Dự án Chương trình bảo tồn rừng (FPP)  với kinh phí thực hiện 458,9 triệu Yên (tương đương 123,2 tỷ đồng) thực hiện từ năm 2012 đến 2014; Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ" – JICA2 được thực hiện trên 11 tỉnh miền trung Việt Nam (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận) với số vốn đầu tư lên tới hơn 123 triệu USD bắt đầu thực hiện từ năm 2012 kéo dài đến năm 2021; Dự án Trồng rừng bảo vệ môi trường do Trung tâm Hợp tác và Xúc tiến Lâm nghiệp Nhật Bản (JIPRO) tài trợ thực hiện ở các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế tiến hành từ năm 2006 đến 2017.
 
Tiếp đó, hai bên đã tiến hành trao đổi một số dự án được Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp xây dựng và đề xuất với nguồn vốn ODA hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản trong lĩnh vực Lâm nghiệp: Dự án Phục hồi và quản lý rừng bền vững rừng phòng hộ các tỉnh Tây Bắc Việt Nam (được thực hiện tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu), Dự án Trồng rừng trên đất cát ven biển các tỉnh miền trung Việt Nam được thực hiện tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế), Dự án Thí điểm chuyển đổi mục đích kinh doanh rừng gỗ nhỏ thành gỗ lớn tại các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Giang và Hòa Bình.
 
Những dự án này được xây dựng dựa trên những thành quả của các dự án ODA đã được thực hiện trước đó tại các địa phương. Các tỉnh được đầu tư là những tỉnh nằm trong ưu tiên chiến lược phát triển rừng phòng hộ của Chính phủ, có nguy cơ cao về thiên tai, sa mạc hóa, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới đời sống của người dân, các mục tiêu được đưa vào dự án đề xuất là những lĩnh vực phía Nhật Bản có kinh nghiệm thực hiện. Khi những dự án này được thực hiện sẽ mang lại hiệu quả về môi trường và an sinh xã hội rất lớn góp phần phát triển sinh kế nâng cao đời sống của người dân nhiều địa phương.
 
Ông Egashira Eiji – Cố vấn Xây dựng chương trình dự án JICA
truyền đạt một số kinh nghiệm trong quá trình xây dựng dự án mới
 
Trên cơ sở phân tích hiện trạng môi trường và kinh nghiệm thực hiện dự án tại các địa phương được đầu tư, các chuyên gia đồng tình cao với quan điểm để giải quyết được các vấn đề môi trường cho các địa phương, các dự án Lâm nghiệp được Ban đề xuất trong thời gian tới cần cụ thể hóa hơn nữa hướng giải quyết từng vấn đề nan giải ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Đồng thời đảm bảo thực hiện theo nguyện vọng của người dân trồng rừng để họ có thể sống được bằng nghề rừng.
 
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến nghị, các dự án mới cần phải có sự tác động tổng hợp. Ngoài trồng rừng các dự án còn giải quyết được các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng địa phương. Bên cạnh đó, cần phối hợp nhiều nguồn vốn của các tổ chức khác nhau cũng như các dự án đang thực hiện tại các địa phương được đầu tư.
 
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp Phan Thanh Ngọ đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia JICA. Phó trưởng ban nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam quyết tâm thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp trong thời gian tới, cùng với việc giải quyết các vấn đề môi trường cần rất nhiều nguồn đầu tư với quy mô lớn thì sự hỗ trợ của JICA thông qua các nguồn vốn ODA có vai trò quan trọng, tạo ra được bước chuyển biến trong việc cải thiện môi trường và đời sống của người dân nhiều địa phương của Việt Nam. Phó trưởng ban hi vọng trong thời gian tới, sự hợp tác giữa hai bên sẽ chặt chẽ hơn, các chuyên gia sẽ là cầu nối trong việc giúp Việt Nam tiếp cận với nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản đặc biệt trong lĩnh vực Lâm nghiệp theo văn bản ghi nhớ giữa Chính phủ hai nước.
Thu Trang – CTV

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn