Thứ tư, 24/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao năng lực cho các hộ trồng rừng quy mô nhỏ để thực hiện Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam”

Thứ ba, 11/09/2018 | 00:00 GMT+7

DALN Ngày 10/9/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) đã tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Nâng cao năng lực cho các hộ trồng rừng quy mô nhỏ để thực hiện Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam (VNTLAS)”.   

 

Tham dự hội thảo có đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, đại diện nhà tài trợ và các chủ rừng của 3 tỉnh nơi triển khai dự án (Phú Thọ, Quảng Ninh, Quảng Trị).

 

Ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch VIFORA phát biểu khai mạc hội thảo

 

Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) là hiệp định thương mại có tính chất ràng buộc về mặt pháp lý nhằm mục tiêu cải thiện quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp từ Việt Nam sang EU. Theo VPA, Việt Nam sẽ xây dựng hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ (VNTLAS) để xác minh gỗ xuất khẩu là gỗ hợp pháp, và EU chỉ chấp nhận gỗ hợp pháp được cấp phép FLEGT nhập khẩu vào EU khi VPA được ký kết và hệ thống cấp phép đi vào vận hành.

 

Việc cấp phép thực hiện Kế hoạch hành động “Tăng cường thực thi luật Lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ” (FLEGT) dự kiến sẽ được thực hiện vào năm 2020. Tuy nhiên, các nghiên cứu khảo sát tại nhiều vùng khác nhau của Việt Nam được thực hiện bởi nhiều mạng lưới và tổ chức xã hội dân sự liên quan đến FLEGT và các sáng kiến EU - FLEGT tài trợ đã chỉ ra rằng các hộ trồng rừng quy mô nhỏ, các chủ rừng là hộ gia đình và cộng đồng đang quản lý 30% diện tích rừng Việt Nam và trên 46% diện tích rừng trồng của cả nước hầu hết chưa có hiểu biết về lĩnh vực này. Điều này đặt ra vấn đề lớn về tuân thủ luật pháp khi Việt Nam bắt buộc phải thực hiện VNTLAS theo VPA - FLEGT đã ký gần đây. Không có hiểu biết phù hợp về VNTLAS, đồng nghĩa với việc các bên liên quan, đặc biệt là các hộ trồng rừng quy mô nhỏ ở Việt Nam khó mà tuân thủ đầy đủ được các yêu cầu của VNTLAS. Bên cạnh đó, vì chưa có những hiểu biết đầy đủ về các quy phạm pháp luật hiện hành về gỗ hợp pháp nên các chi hội cơ sở và các tổ chức đối tác tại cơ sở chưa thể tiến hành hoạt động truyền thông cũng như hướng dẫn cho các hội viên Hội Chủ rừng hoặc hội viên các tổ chức đối tác cơ sở trong việc tuân thủ các quy pháp luật hiện hành về gỗ hợp pháp và VNTLAS.

 

Nhằm giải quyết được vấn đề trên, Chương trình FAO - EU FLEGT thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) và Hội Chủ rừng Việt Nam (VIFORA) đã ký thỏa thuận thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực cho các hộ trồng rừng quy mô nhỏ để thực hiện Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam”. Dự án được thực hiện trong vòng 01 năm (2018 - 2019) tại địa bàn của 06 chi hội chủ rừng cơ sở ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Phú Thọ, Quảng Trị với khoảng 274 hộ trồng rừng quy mô nhỏ.

 

Với mục tiêu nâng cao năng lực cho các hộ trồng rừng quy mô nhỏ để tuân thủ VNTLAS, dự án sẽ phát triển những tài liệu nâng cao năng lực cụ thể và thực hiện nâng cao năng lực cho một nhóm các tiểu giáo viên, những người sau đó sẽ tiến hành đào tạo cho những bên liên quan khác trong cộng đồng. Để thực hiện mục tiêu đó, dự án sẽ tiến hành các hoạt động: Đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực và nhu cầu cung cấp thông tin truyền thông; lựa chọn và thực hiện chương trình đào tạo tiểu giáo viên; phát triển chương trình, tài liệu đào tạo nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức, cung cấp thông tin truyền thông cho các nhóm hộ trồng rừng quy mô nhỏ và kết nối họ với các bên liên quan.

 

Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo

 

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp khẳng định, trong thời gian tới, các hộ trồng rừng muốn tham gia vào chuỗi cung ứng gỗ xuất khẩu thì phải đảm bảo tuân thủ VNTLAS, sau khi thực hiện việc tài liệu hóa và đào tạo nâng cao năng lực cho các đối tượng mục tiêu trong phạm vi vùng dự án, VIFORA cần tiếp tục phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp và các bên liên quan tiến hành thể chế hóa các các tài liệu hướng dẫn thực hiện VNTLAS để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

 

Theo ông Hứa Đức Nhị - Chủ tịch VIFORA, dự án có nhiều thuận lợi khi thực hiện tại các địa phương đã áp dụng cấp chứng chỉ rừng và quản lý rừng bền vững. Dự án thực hiện thành công sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc góp phần cung cấp cho người dân trồng rừng những kiến thức cơ bản nhất về VNTLAS và liên kết các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ người dân tuân thủ đúng các điều kiện đảm bảo gỗ hợp pháp khi tham gia các chuỗi cung ứng, nâng cao giá trị sản phẩm từ gỗ, cải thiện thu nhập.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Sơn Lâm

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn