Vượt khó khăn để phủ xanh đất ngập mặn
Thứ ba, 26/09/2023 | 11:08 GMT+7
DALN Được thiết kế trong 6 năm nhưng với nhiều lý do, dự án trồng rừng ngập mặn tại 8 địa phương chỉ còn 2 năm thực hiện nên phải có sự nỗ lực rất lớn.
Ông Phạm Hồng Vích, Phó Trưởng ban CPO Lâm nghiệp, Giám đốc Dự án FMCR (bìa phải)
đang kiểm tra tiến độ trồng rừng ngập mặn tại Quảng Ninh. Ảnh: Bảo Thắng.
Ba năm qua, gần 1.000ha rừng ngập mặn được trồng ở Quảng Ninh trong khuôn khổ 'Dự án Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển' - FMCR.
Đây là một phần của dự án FMCR được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2018, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, triển khai tại 8 tỉnh, thành phố ven biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu của dự án là khôi phục, phát triển và quản lý bền vững rừng ven biển của các địa phương. Qua đó, góp phần tái cấu trúc ngành làm nghiệp và tăng cường khả năng chống chịu, tăng tuổi thọ và giảm chi phí xây dựng, duy tu, bảo dưỡng để biến và các công trình cơ sở hạ tầng vùng ven biển khác. Ngoài ra, phát triển sinh kế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng ven biển thông qua hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng.
Theo ông Phạm Hồng Vích, Phó trưởng ban CPO Lâm nghiệp, Giám đốc Dự án FMCR, thiết kế ban đầu của dự án là triển khai trong 6 năm, từ 2017 - 2023, tuy nhiên, đến 2019 dự án mới được bố trí vốn, sau đó là dịch Covid-19 bùng phát khiến công tác trồng rừng không thể triển khai.
"Dự án FMCR được triển khai theo phương pháp đưa cộng đồng địa phương tham gia vào quá trình trồng mới, chăm sóc và bảo vệ cây cho các vùng nước ngập mặn. Do đó, khi dịch Covid-19 xảy ra, chúng tôi không thể tập hợp bà con để tập huấn, chuyển giao kiến thức", ông Phạm Hồng Vích lý giải thêm.
Diện tích rừng ngập mặn được trồng tại khu vực thành phố Móng Cái, Quảng Ninh. Ảnh: Tùng Đinh.
Như vậy, tính đến thời điểm chính thức triển khai được vào cuối năm 2021, FMCR đã bị chậm đến gần 4 năm so với thiết kế, thậm chí nếu tính cả thời điểm khảo sát lập dự án vào năm 2016 thì thời gian bị chậm lên tới 5 năm.
"Do không được gia hạn cho dự án bù vào phần thời gian không thể triển khai vì các nguyên nhân khách quan nói trên nên chúng tôi đã nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hết mức có thể để đạt được kết quả tốt nhất khi FMCR kết thúc khoản vay vào ngày 31/12/2023", ông Vích chia sẻ thêm.
Theo tính toán của ban quản lý dự án, từ nay đến cuối năm 2023, tổng khối lượng giải ngân và thực hiện của FMCR có thể đạt trên 50% thiết kế ban đầu, tương đương với thời gian thực hiện xấp xỉ 1/3 thiết kế.
Ông Phạm Hồng Vích cho rằng, để có được kết quả đó, phải ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của ban quản lý dự án các cấp, từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là đóng góp của chính quyền, bà con nhân dân nơi triển khai dự án.
Ngoài khó khăn trực tiếp do không triển khai được đúng tiến độ, dịch Covid-19 còn gây ra ảnh hưởng gián tiếp khi các diện tích đã được bố trí cho dự án bị các địa phương sử dụng các nguồn vốn khác để triển khai trồng rừng. "Điều này khiến một phần quỹ đất của dự án bị suy giảm", Giám đốc Dự án FMCR cho biết thêm.
Chưa kể, để phát triển kinh tế xã hội, nhiều địa phương đã chuyển đổi mục đích một số phần diện tích đất của dự án nhằm đáp ứng mục tiêu này. Hơn nữa, do triển khai chậm gần 4 năm nên dự án chỉ có thể triển khai trồng rừng trên các khu vực lập địa dễ, những nơi cần sử dụng đến các biện pháp thi công công trình buộc phải cắt bỏ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng dự án FMCR vẫn đang được đẩy nhanh tiến độ
trước khi kết thúc vào cuối năm 2023. Ảnh: Tùng Đinh.
Những bài học kinh nghiệm
Theo ông Phạm Hồng Vích, thông qua dự án FMCR này, bài học đầu tiên cần được rút ra đó là cần thúc đẩy tiến độ trong quá trình phê duyệt và bố trí vốn cho các dự án: "Tránh việc phải chờ đợi, như dự án này chúng tôi cần đến 2 năm để được bố trí vốn".
Bài học tiếp theo đó là vấn đề liên quan đến quy hoạch của các địa phương, cần tránh sự chồng chéo. Ví dụ như đối với dự án FMCR, phần đất quy hoạch của dự án ở nhiều địa phương bị chồng lấn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội.
Để tránh xảy ra tình trạng này, các cấp chính quyền địa phương cần xây dựng được một quy hoạch ổn định, lâu dài để việc triển khai các dự án mới được thuận lợi hơn.
Bài học thứ ba mà ông Vích đưa ra đó là cần ghi nhận và nhân rộng mô hình đưa cộng đồng địa phương vào quá trình triển khai, thực hiện dự án. Khi thực hiện theo phương án này, không chỉ nâng cao được đời sống, cải thiện sinh kế cho bà con mà còn giảm sự phụ thuộc vào rừng và giúp bà con bảo vệ rừng một cách bền vững.
Đặc biệt, khi gắn được quyền lợi của cộng đồng với dự án thì người dân sẽ tham gia trực tiếp, có những đóng góp thiết thực, giám sát chặt chẽ. Thông qua đó sẽ bảo vệ được tốt những thành quả của dự án.
|
BBT (theo báo Nongnghiep.vn)
Có thể bạn quan tâm
Tin cũ hơn
- Đa lợi ích từ dự án trồng rừng ngập mặn ven biển Quảng Ninh
- Người dân hưởng lợi từ dự án trồng rừng FMCR
- Các chuyên gia hiến kế giải pháp cải thiện quản lý hổ nuôi nhốt tại Việt Nam
- Sinh thái và sinh kế dưới tán rừng ngập mặn
- Dự án SNRM2 hỗ trợ sản xuất phân bón hữu cơ từ bã quế sau chiết xuất tinh dầu cho người dân huyện Bảo Yên,tỉnh Lào Cai
- Dự án SNRM2 tập huấn vận hành Hệ thống theo dõi diễn biến tài nguyên rừng (FRMS 4.0) cho lực lượng kiểm lâm tỉnh Sơn La và tỉnh Hòa Bình