Thứ sáu, 19/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Ngành lâm nghiệp và mục tiêu bền vững môi trường

Thứ tư, 30/10/2013 | 00:00 GMT+7

DALN Duy trì và gia tăng độ che phủ của rừng được xác định là một hướng đi nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong chiến lược quốc gia. Từ năm 1995, độ che phủ rừng của Việt Nam đã có xu hướng phục hồi sau hàng thập kỷ suy giảm do chiến tranh và khai thác lâm sản phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.   

Duy trì và gia tăng độ che phủ của rừng được xác định là một hướng đi nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong chiến lược quốc gia. Từ năm 1995, độ che phủ rừng của Việt Nam đã có xu hướng phục hồi sau hàng thập kỷ suy giảm do chiến tranh và khai thác lâm sản phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thông thường thì độ che phủ rừng cao hơn đồng nghĩa với môi trường tự nhiên tốt hơn. Tuy nhiên không phải dễ dàng để trả lời câu hỏi rừng và ngành lâm nghiệp đã thực sự đóng góp như thế nào cho bền vững môi trường. Bởi lẽ, bền vững và phát triển bền vững tự thân nó đã khó có thể đo đếm, đánh giá một cách chuẩn xác.
 
Bền vững môi trường trong ngành lâm nghiệp
 
Quản lý rừng bền vững (SFM) được xác định là nền tảng cho sự phát triển của ngành lâm nghiệp Việt Nam. SFM được nhìn nhận là đã áp dụng được khái niệm bền vững, bao hàm các mục tiêu xã hội, kinh tế và môi trường vào sự phát triển của ngành lâm nghiệp. Trong đó, khía cạnh môi trường được xem là mấu chốt để xác định tính bền vững trong khung hành động của SFM.
 
Trong việc triển khai Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2020 (VFDS), Dự án Hệ thống thông tin giám sát ngành lâm nghiệp (FOMIS) đã đề ra một bộ chỉ tiêu quản lý bao gồm cả SFM nhằm đánh giá sự tiến bộ của các mục tiêu môi trường. Các chỉ tiêu này bao gồm: (i) Số lượng các loài động vật và thực vật rừng có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng và ở mức độ nguy cấp; (ii) Diện tích rừng phân theo đai cao và độ dốc; (iii) Độ tán che và số lượng tầng tán của rừng phòng hộ và (iv) Diện tích đất lâm nghiệp có nguy cơ bị sa mạc hóa.
 
Ngoài ra còn có một bộ chỉ tiêu quản lý rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và các dịch vụ môi trường, bao gồm: (i) Diện tích rừng phòng hộ, (ii) Diện tích rừng đặc dụng, (iii) Diện tích rừng được khoán bảo vệ, (iv) Số kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã, (v) Diện tích rừng bị thiệt hại, (vi) Số vụ vi phạm Luật phát triển và bảo vệ rừng, (vii) Số thôn bản có quy ước bảo vệ rừng và (viii) Tổng giá trị của các dịch vụ môi trường của rừng.
 
Báo cáo tiến độ triển khai VFDS sau bốn năm thực hiện (2006-2010) ghi nhận đóng góp từ sự gia tăng độ che phủ rừng đối với các mục tiêu bảo vệ môi trường, đồng thời cũng thừa nhận ngành lâm nghiệp vẫn chưa mang lại nhiều tác động tích cực cho môi trường. Bên cạnh đó, rừng tự nhiên vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức do các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu hiện tại vẫn chưa được thực hiện tốt.
 
Dù độ che phủ rừng tiếp tục tăng trong các năm tới thì thách thức đối với sự bền vững môi trường vẫn còn tồn tại khi xu hướng tàn phá rừng nguyên sinh có độ đa dạng sinh học cao và chuyển đổi rừng tự nhiên cho các mục đích kinh tế vẫn chưa dừng lại. Các nhân tố bên ngoài khác như sự phát triển của ngành nông nghiệp theo hướng thị trường và mật độ dân số cao ở khu vực miền núi cũng có thể đe dọa sự bền vững của ngành lâm nghiệp.
 
Tuy nhiên, việc xác định mức độ bền vững về môi trường trong ngành lâm nghiệp được thừa nhận là khó khăn vì nhiều lý do. Thứ nhất là có nhiều cách hiểu khác nhau từ khía cạnh khoa học, tùy theo góc độ nhìn nhận của sinh thái học, môi trường hay theo quan điểm sinh thái-chính trị đang thịnh hành. Thứ hai, trong khi các giải pháp kỹ thuật hiện thời có thể cung cấp các công cụ hữu hiệu để phân tích các khía cạnh khác nhau của rừng và môi trường, chất lượng dữ liệu và các con số thống kê vẫn còn là một dấu hỏi. Ví dụ, hiện đang có nhiều bình luận khác nhau về dữ liệu thống kê độ che phủ rừng của Việt Nam.
 
Đo lường bền vững môi trường trong ngành lâm nghiệp
Cho đến nay đã có khá nhiều bộ chỉ số đánh giá tính bền vững trong lâm nghiệp được xây dựng bởi nhiều cá nhân và tổ chức khác nhau. Nghiên cứu gần đây của Grainger tóm lược 9 bộ chỉ số và chỉ tiêu đang được sử dụng ở khoảng 150 quốc gia kể từ năm 1990. Trong đó, có hơn 60 quốc gia sử dụng nhiều hơn một bộ chỉ số. Tác giả kết luận rằng các bộ chỉ số và chỉ tiêu này không thực sự hữu ích để mô tả mức độ bền vững của công tác quản lý rừng. Chỉ có 29% các chỉ số thuộc 5 bộ chỉ số, chỉ tiêu có thể áp dụng được trong thực tế.
 
W. Maes và đồng nghiệp lại đưa ra một cách tiếp cận thú vị khác bằng cách xây dựng khung đánh giá lượng hóa các khía cạnh môi trường trong quản lý rừng bền vững. Thông qua một quá trình kiểm định, các tác giả thiết kế lại bộ khung chỉ số mới có thể đánh giá tốt hơn mức độ ảnh hưởng của quản lý rừng lên tổ thành, cấu trúc và chức năng của rừng. Quá trình kiểm định này bao gồm nhiều bước như tham vấn hội đồng chuyên gia, kiểm định trên hiện trường ở các ô tiêu chuẩn, tính toán chi phí. Qua đó, số lượng các chỉ tiêu được giảm lược nhưng vẫn đảm bảo không mất mát những thông tin quan trọng. Mặc dù nghiên cứu này thực hiện tại các khu vực rừng ở Flanders (Bỉ), các tác giả cho rằng cách tiếp cận này có thể áp dụng để đánh giá khía cạnh môi trường trong quản lý rừng ở các nơi khác, miễn rằng các mục tiêu của địa bàn đó và các giá trị chỉ tiêu kém nhất được tính đến một cách đầy đủ.
 
Các ví dụ nêu trên minh họa một phần cho bức tranh về việc xây dựng và cải tiến các hệ thống chỉ số giám sát tính bền vững môi trường trong lâm nghiệp.
 
Cải thiện các chỉ tiêu bền vững môi trường
 
Trong số 7 chỉ số chính, bộ chỉ số phát triển bền vững về môi trường Việt Nam đã đưa vào hai chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến lĩnh vực lâm nghiệp, bao gồm tỷ lệ che phủ rừng và tỷ lệ đất được bảo vệ, duy trì đa dạng sinh học.
 
Mặc dù VFDS ghi nhận bảo vệ môi trường và cung cấp các dịch vụ môi trường là các mục tiêu quan trọng ngành lâm nghiệp hướng đến, bộ chỉ tiêu giám sát và đánh giá hiện tại dường như chưa thực sự có trọng tâm vào các khía cạnh bền vững môi trường.
 
Một trong những nguyên nhân chính là do các chỉ tiêu bền vững môi trường hiện được sắp xếp rải rác ở các nhóm khác nhau trong khung giám sát.
 
Thiết nghĩ, một khi đã ghi nhận tầm quan trọng của khía cạnh môi trường trong phát triển lâm nghiệp bền vững ở Việt Nam, cần có tập trung đầu tư nhiều hơn cho cả việc thực hiện giải pháp và các hoạt động giám sát theo định hướng này. Nếu bền vững được xem là mục đích cốt lõi của VFDS, ngành lâm nghiệp cần xem xét lại các bộ chỉ tiêu hiện tại để có thể có được bức tranh đầy đủ hơn.
 
Tiến độ thực hiện chiến lược của ngành lâm nghiệp có thể được giám sát, đánh giá qua ba lăng kính chính: xã hội – kinh tế – môi trường, theo quan điểm chung về phát triển bền vững. Khung giám sát hiện tại có thể còn tồn tại nhiều điểm chồng chéo nếu chúng ta nhìn nhận ở khía cạnh bền vững môi trường. Các mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, dịch vụ môi trường có thể được hoàn thiện thêm và gộp chung trong một nhóm.
 
Các khía cạnh mới liên quan đến ngành lâm nghiệp như biến đổi khí hậu và tác động của nó, REDD, PES và các sáng kiến về biến đổi khí hậu trong lâm nghiệp cũng cần được tính đến trong khung giám sát. Những nhân tố mới này vừa có thể đóng góp, vừa có thể có tác động đến mục tiêu bền vững môi trường.
 
Mặt khác, các hoạt động lâm nghiệp cũng có thể gây ra các tác động tiêu cực lên đa dạng sinh học và môi trường. Các tác động này có thể bao gồm mất mát đa dạng sinh học, săn bắt động vật hoang dã, định cư bất hợp pháp, hoạt động sinh kế của người dân sống quanh rừng và biến đổi khí hậu(4). Các tác động này cũng cần được giám sát và đánh giá một cách đầy đủ chứ không chỉ tập trung vào các khía cạnh tích cực của ngành lâm nghiệp.
 
Và nếu VFDS thực sự có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo mục tiêu bền vững môi trường, bộ chỉ số bền vững môi trường Việt Nam hiện tại cũng cần được mở rộng để bao hàm những đóng góp cụ thể từ ngành lâm nghiệp đối với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.
 
(Nguồn: Thiên nhiên.net)
Mai Dung – CTV
 

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn