Tham vấn ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP
DALN Ngày 03/6, tại Mộc Châu, Sơn La, Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Hội thảo do ông Trần Quang Bảo, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì.
Tham dự hội thảo có hơn 60 đại diện đến từ các đơn vị trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp, Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định, Hội chủ rừng Việt Nam, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp và các đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, Ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ, công ty nông lâm nghiệp của 11 tỉnh phía Bắc.
Nghị định số 156/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 đã tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển lâm nghiệp, đóng góp tích cực vào việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu; góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân vùng trung du và miền núi. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm thực hiện, một số quy định tại Nghị định đã bộc lộ những bất cập, hạn chế; bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống pháp luật chung đã có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, như: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 138) quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng là một trong 4 loại hình của hệ sinh thái tự nhiên được chi trả dịch vụ theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Việt Nam tham gia ký Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong đó Việt Nam có thể trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải cho các quốc gia khác nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về dịch vụ này...
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156/2018/NĐ-CP là cần thiết, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại trong lĩnh vực lâm nghiệp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý triển khai đối với loại dịch vụ môi trường rừng mới.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, đóng góp của đại biểu về dự thảo lần 1 theo các chủ đề, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tổng hợp, tiếp thu, giải trình nếu cần thiết, hoàn thiện dự thảo và tiếp tục xin ý kiến các bên liên quan trong thời gian tới.
Lê Thị Thủy - CTV
Có thể bạn quan tâm
Tin cũ hơn
- Vườn quốc gia Cát Tiên bảo tồn đa dạng sinh học, hướng đến phát triển bền vững
- Phát triển du lịch sinh thái trong rừng đặc dụng, phòng hộ
- Hội thảo "Định hướng phát triển Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo Lâm nghiệp giai đoạn 2022-2030"
- Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu
- Giải ngân vốn ODA trong nông nghiệp gặp nhiều khó khăn
- Bài học kinh nghiệm từ Dự án REDD+ Plan Vivo xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum: lồng ghép trong việc thực thi REDD+ tại Việt Nam