Thứ hai, 09/09/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Bài học kinh nghiệm từ Dự án REDD+ Plan Vivo xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum: lồng ghép trong việc thực thi REDD+ tại Việt Nam

Thứ năm, 13/05/2021 | 16:49 GMT+7

DALN Dự án thí điểm REDD+ xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum nhằm mục đích giảm mất rừng và suy thoái rừng ở các khu rừng cộng đồng trong phạm vi ranh giới truyền thống của ba cộng đồng dân tộc M’nâm. Dự án được thiết kế thực hiện bắt đầu từ năm 2018, sau một loạt các hoạt động khởi động như tham vấn cộng đồng, khảo sát/ước tính carbon, chuẩn bị tài liệu thiết kế dự án…

Các dự án giảm phát thải do mất rừng và suy thoái rừng REDD+ cấp địa phương thường được thiết kế như là những hoạt động thí điểm nhằm cung cấp thông tin cho các sáng kiến nâng cấp trong tương lai. Do đó bài học kinh nghiệm từ những dự án này có thể là những gợi mở có ý nghĩa cho việc nhân rộng mô hình (cùng cấp nhưng khác vị trí địa lý) hay việc thực thi, lồng ghép REDD+ cấp cao hơn (cấp tỉnh, cấp quốc gia, vùng hay quốc tế).

Dự án thí điểm REDD+ xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum nhằm mục đích giảm mất rừng và suy thoái rừng ở các khu rừng cộng đồng trong phạm vi ranh giới truyền thống của ba cộng đồng dân tộc M’nâm. Dự án được thiết kế thực hiện bắt đầu từ năm 2018, sau một loạt các hoạt động khởi động như tham vấn cộng đồng, khảo sát/ước tính carbon, chuẩn bị tài liệu thiết kế dự án…

Vùng dự án là các khu rừng cộng đồng có tổng diện tích 1.238ha và khoảng 100 ha đất trống/đất nông nghiệp ở 3 thôn Dak Lom, Dak Lieu, và Vi Chring, xã Hiếu, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum. Các tổ chức tham gia dự án bao gồm: Ban quản lý rừng cộng đồng: có chức năng tổ chức quản lý RCĐ theo quy định về mặt pháp lý nhằm đến các mục tiêu của dự án Plan Vivo; Tổ chức Bảo tồn Động thực vật hoang dã Quốc tế (FFI): có vai trò điều phối và thúc đẩy dự án, thay mặt cho cộng đồng thực hiện bán tín chỉ carbon Plan Vivo; Cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương: có vai trò hỗ trợ thực hiện dự án theo đúng quy định của Nhà nước.


Cộng đồng thôn Dak Lieu xã Hiếu, huyện Kon Plong (ảnh Tiến Dũng)

Đối tượng hưởng lợi mục tiêu của dự án là 150 hộ gia đình các đồng bào dân tộc M’nâm với tổng dân số là 553 người, sinh sống tại 3 thôn Dak Lom, Dak Lieu, và Vi Chring. Nguồn thu nhập chính của các hộ gia đình tại các thôn chủ yếu đến từ canh tác lúa nước và các nguồn phụ thu khác từ chăn nuôi, trồng mì, chi trả dịch vụ môi trường rừng, hoạt động bảo vệ rừng. Tuy nhiên, các nguồn thu kể trên không giúp cộng đồng dân tộc thiểu số tại các thôn trên thoát nghèo. Như vậy, dự án thí điểm REDD+ xã Hiếu với mục đích giảm mất rừng và suy thoái rừng đồng thời trồng rừng với những cây có giá trị được kỳ vọng sẽ góp phần cải thiện thu nhập và sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư nơi đây.


Đường vào Thôn Dak Lom xã Hiếu, huyện Kon Plong (ảnh Tiến Dũng)

Dự án thí điểm sẽ được thực hiện thông qua chuỗi các hoạt động bao gồm: giao đất giao rừng cho 3 cộng đồng, cải thiện quản lý và quy hoạch sử dụng đất, tăng cường hiệu lực pháp luật và quản trị rừng, và thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững, một phần thông qua trồng các loài cây đa mục đích.

Tăng cường hiệu lực pháp luật và quản trị rừng Cộng đồng dân cư các thôn sẽ bầu ra Ban quản lý Rừng cộng đồng nhằm bảo vệ quản lý rừng. 11 tổ tuần tra rừng được thành lập với sự tham gia của tất cả thành viên cộng đồng ở vùng dự án nhằm bảo vệ rừng. Mỗi tổ gồm 11-15 hộ gia đình hoặc là có quan hệ gia đình, hàng xóm hay canh tác trên cùng một khu vực gần rừng cộng đồng. Như vậy, với việc thành lập BQLRCĐ và các tổ tuần tra rừng sẽ giúp tăng cường quản trị rừng.


Tuần tra bảo vệ rừng của Tổ bảo vệ rừng thôn (ảnh Tiến Dũng)

Theo Tiến sỹ Dương Thị Bích Ngọc - Trường Đại học Lâm nghiệp. Các lợi ích dự án, mục đích của dự án là giảm mất rừng và suy thoái rừng đồng thời góp phần cải thiện sinh kế người dân. Do vậy, các lợi ích dự án được xác định bao gồm: lợi ích Carbon, lợi ích sinh kế, lợi ích hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Lợi ích Carbon: Các lợi ích carbon có được là nhờ vào các hoạt động can thiệp tránh mất rừng theo kịch bản dự án. Theo đó, nguồn thu Carbon hàng năm được xác định như sau:

  

Năm dự án

Emissions (tCO2e)

Lượng phát thải giảm (tCO2e)

Lượng phát thải giảm – Rò rỉ (tCO2e)

Kịch bản tham chiếu

Kịch bản dự án

Rò rỉ

30 năm

101.028,45

26.904,09

10.102,85

64.021,52

51.217,22

Trung bình

3.367,62

896,80

336,76

2.134,05

1.707,24

Lợi ích Carbon (11$/ tCO2e): 1.707,24*11*=$18.779,64



Lợi ích sinh kế: Thông qua dự án, người dân có cơ hội gia tăng thu nhập từ bán Carbon, từ hoạt động sinh kế khác, vay vốn từ Qũy tiết kiệm thôn (được trích ra từ nguồn thu Carbon). Trên cơ sở đó, sinh kế của cộng đồng được cải thiện.

Lợi ích sinh thái và đa dạng sinh học: Với việc tăng cường hoạt động quản lý và bảo vệ rừng, dự án sẽ bảo đảm duy trì độ che phủ rừng, bảo vệ Chà vá chân xám và các loài khác có mặt trong vùng dự án. Với việc duy trì độ che phủ rừng tốt sẽ giúp ổn định chất lượng đất, tránh sạt lở, cung cấp nguồn nước sạch và điều hòa tiểu khí hậu trong vùng dự án.


TS. Dương Thị Bích Ngọc - Trường Đại học Lâm nghiệp (ảnh Sơn Lâm)

Dự án thí điểm REDD+ xã Hiếu nhằm mục đích giảm mất rừng và suy thoái rừng đồng thời cải thiện sinh kế cộng đồng người dân (sống phụ thuộc vào rừng) đã được triển khai từ tháng 1/2019 và đến nay đã thực hiện được một số hoạt động cơ bản như: giao đất giao rừng cho cộng đồng qua đó hạn chế nạn chặt phá rừng làm nương rẫy, tăng cường quản lý bảo vệ rừng tốt hơn thông qua các tổ tuần tra rừng và ban QLRCĐ, cải thiện sinh kế bằng việc tạo ra các nguồn thu lớn hơn từ trồng các cây có giá trị thương mại hơn. Thị trường Carbon tự nguyện, trong đó, bên mua chứng chỉ Carbon là Plan Vivo, đã vận hành tại vùng dự án.
Bối cảnh trên thế giới cho thấy: Theo Donna Lee, Pablo Llopis et al. (2018) và Angelsen, Streck et al. (2008), việc lồng ghép REDD+ tức là việc làm thế nào để các hành động giảm phát thải ở quy mô nhỏ hơn, cụ thể trong báo cáo này là cấp độ dự án riêng lẻ (ví dụ như thí điểm REDD+ tại xã Hiếu) có thể được tích hợp tốt nhất ở mức thực hiện tài phán cao hơn như cấp quốc gia, cấp tỉnh. Việc tích hợp này sẽ đem lại một số lợi ích như: Cung cấp các lợi ích như các dự án quy mô địa phương có thể kích thích khối đầu tư tư nhân, cung cấp năng lực hoạt động tại chỗ thường thiếu ở cấp quốc gia (đặc biệt khi trong nước đã có thị trường mua bán các bon). Nếu các hoạt động của dự án đó phù hợp thì có thể trở thành nhân tố quan trọng trong chương trình tài phán, và trực tiếp tiếp cận nguồn tài nguyên thị trường các bon tự nguyện (ví dụ dự án thí điểm REDD+ với tín chỉ các bon và tổ chức Plan vivo như trong tài liệu này); Tạo ra một cách để các chính phủ thực hiện chính sách giảm phát thải, đặc biệt là ở các nước nơi mà việc giảm thiểu dự kiến sẽ xảy ra ở khối tư nhân hay đất do cộng động tự chủ canh tác. Ví dụ chính phủ có thể ban hành một chính sách cung cấp các động cơ khuyên khích chủ sở hữu đất hoặc người quản lý hoạt động ở quy mô nhỏ hơn so với kế hoạch quốc gia hoặc địa phương; Giảm chi phí cho các hành động giảm phát thải: như giao dịch trong nước về giảm đơn vị phát thải (ERs); giao dịch quốc tế (giữa các quốc gia); giảm chi phí MRV; Cải thiện hệ thống MRV quốc gia: các dự án nhỏ lẻ có thể cung cấp các dữ liệu bổ xung cho các dự án REDD+ cấp cao hơn. Đặc biệt các dự án nếu thiết kế phù hợp với chương trình quốc gia có nhiều khả năng tích hợp cao.


Rừng cộng đồng thôn Vi Chring, xã Hiếu, huyện Kon Plong (ảnh Tiến Dũng)

Trong đó tại Việt Nam: Quyết định 419/QĐ-TTg (2017) về chương trình quốc gia REDD+ và quản lý bền vững tài nguyên rừng đã đề cập rất rõ đến vấn đề lồng ghép, cụ thể như là: Nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao về REDD+ và quản lý rừng bền vững, lồng ghép REDD+ vào chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững cho giai đoạn 2020-2030; Hàng năm, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan tổng hợp, rà soát nhu cầu kinh phí và danh mục các dự án về REDD+ để lồng ghép với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu và các chương trình, dự án liên quan; Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và năng lực, vận động đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia các hoạt động REDD+; lồng ghép việc thực hiện Chương trình REDD+ với các chương trình, dự án liên quan trong phạm vi quản lý nhà nước được giao; Lồng ghép với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và các chương trình, dự án liên quan trên địa bàn để đạt được các mục tiêu của Chương trình REDD+.

Thực tế cho thấy Việt Nam đã thực hiện việc lồng ghép này khá phổ biến trong tiến trình xây dựng hành lang pháp lý, chúng ta thường thực hiện dưới dạng nghiên cứu thí điểm và từ đó rút ra bài học cho việc hình thành hệ thống chính sách sau này. Các bài học kinh nghiệm từ các dự án thí điểm REDD+ tại Điện Biên do Jica phối hợp với tổng cục lâm nghiệp và tỉnh Điện Biên năm 2011; dự án tại xã Hiếu như giới thiệu ở trên; dự án REDD+ tại vườn quốc gia Cát Tiên do SNV tài trợ đầu năm 2010. Đây được coi là một thuận lợi cho việc lồng ghép dự án vào REDD+ cấp cao hơn (quốc gia) vì lịch sự hình thành hành lang pháp lý REDD+ quốc gia đã ít nhiều phản ánh bài học từ các dự án REDD+ đơn lẻ. REDD+ được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau như cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp địa phương hay các dự án đơn lẻ. Mặc dù việc lồng ghép (nesting) đem lại rất nhiều lợi ích như việc tính toán tổng quát con số giảm phát thải, nhưng cho đến nay cũng chưa có nhiều kinh nghiệm quốc tế trong việc nồng ghép này do mức độ phức tạp về mặt kỹ thuật, đường cơ sở và vấn đề hưởng lợi hai lần. Đặc biệt việc lồng ghép quy mô dự án riêng lẻ lên cấp cao hơn gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt trong tính toán khí nhà kính.


Những "cánh cửa rừng” tại xã Hiếu được cộng đồng “đóng” lại
sau khi rừng được giao cho cộng đồng quản lý và bảo vệ. (ảnh Tiến Dũng)

Thị trường các bon quốc tế: Thoả thuận Paris và cụ thể là điều 6 đã cho phép các quốc gia được sử dụng cơ chế thương mại quốc tế để giao dịch hạn mức phát thải cho việc thực hiện mục tiêu cam kết tự nguyện quốc gia (NDC). Đầu tiên phải kể đến cơ chế theo nghị định thư Kyoto, theo đó các quốc gia ký cam kết phải cắt giảm CO2 và các khí nhà kính khác, hoặc thay thế bằng biện pháp mua bán phát thải. Các quốc gia được chia làm hai nhóm là phát triển, là nhóm sẽ phải tuân thủ cam kết cắt giảm khí nhà kính; và nhóm là các nước đang phát triển sẽ không chịu ràng buộc các nguyên tắc ứng xử như nước phát triển nhưng vẫn có thể tham gia vào cơ chế phát triển sạch. Các nước phát triển được tiếp cận linh hoạt trong việc cắt giảm khí nhà kính thông qua việc mua lượng khí thải giảm được từ các quốc gia khác, như cách cung cấp tài chính, chương trình hỗ trợ cho các nước đang phát triển. Trong giai đoạn 2008-2012 nhóm các nước phát triển đã cắt giảm lượng khí thải thấp hơn 5% lượng khí vào năm 1999 (UNFCC).


Các giai đoạn áp dụng của CORSIA của ICAO
                                                                                                         (Nguồn: ICAO)

Thị trường các bon nội địa: Thị trường các bon nội địa đã và đang được thành lập mạnh mẽ ở nhiều quốc gia và mang tính đa dạng cao. Tại Việt Nam đến nay đang trong giai đoạn xây dựng hành lang pháp lý cho thị trường này, Năm 2012, Việt Nam trở thành thành viên của Chương trình sẵn sàng tham gia thị trường carbon quốc tế. Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam (VNPMR)” được triển khai trong giai đoạn 2015 -2020 nhằm tăng cường năng lực xây dựng các công cụ thị trường, tạo điều kiện cho việc hình thành thị trường carbon ở Việt Nam. Dự án đã đề xuất chính sách, công cụ quản lý nhà nước về thị trường các-bon bao gồm cơ chế tạo tín chỉ, hệ thống giao dịch phát thải (ETS), phí/thuế các-bon và cơ chế chứng chỉ xanh. Dự án VNPMR đã cơ bản hoàn thành các nghiên cứu thí điểm cho ngành sản xuất thép và quản lý chất thải rắn. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để Việt Nam tiến tới hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước cũng như tham gia thị trường carbon thế giới. Lộ trình được đề xuất như sau:

Thị trường các bon phạm vi quốc tế hay nội địa đều có thể tồn tại theo tính chất bắt buộc hoặc tự nguyện hoặc cả hai song hành.

Thị trường các bon bắt buộc: Thị trường này là mang tính chất bắt buộc nghĩa là các bên theo hành lang pháp lý buộc phải tham gia mà không có sự lựa chọn nào khác trong việc giảm thải các bon và được coi là thị trường các bon sớm nhất thế giới trong việc bao trùm toàn bộ các ngành kinh tế. Tính đến năm 2018, các ngành bắt buộc phải báo các mức phát thải và tham gia cơ chế thương mại này gồm ngành lâm nghiệp, ngành năng lượng (điện, nhiệt), giao thông, công nghiệp, tổng hợp khí nhà kính và chất thải. 51% tổng lượng khí thải tại đất nước này đã trong thị trường các bon bắt buộc, trong đó phần lớn khí thải từ nhiên liệu hoá thạch, quy trình sản xuất công nghiệp và chất thải. Quy trình hoạt động của hệ thống bắt buộc này là với mỗi đơn vị phát thải các ngành kinh tế có thể nhận được miễn phí, hoặc mua từ bên khác không dùng hết, hoặc mua thông qua đấu giá, hoặc có được từ việc giảm phát thải (ví dụ tích luỹ các bon từ rừng, thay đổi công nghệ thân thiện hơn với môi trường), hoặc mua từ nguồn bù đắp bên ngoài (trong nước hoặc quốc tế) (Đặc biệt từ năm 2018, phát thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp được nhà nước cấp miễn phí và bù đắp bởi ngành lâm nghiệp hay các hoạt động công nghiệp giảm phát thải khác chỉ áp dụng cho thị trường nội địa. Hay nói cách khác đảm bảo dòng tiền trong thương mại các ngành kinh tế này chỉ trong nội địa quốc gia (Catherine Leining and Suzi Kerr 2018).

Thị trường các bon tự nguyện: Theo báo cáo của Stephen Donofrio, Patrick Maguire et al. (2020), lịch sử giao dịch thị trường tự nguyện lượng các bon tính đến 2019 là 1.300 MtCO2e tương đương với giá trị 5,5 tỉ đô. Trong đó các loại dự án liên quan đến lâm nghiệp và sử dụng đất chiếm tỷ lệ cao nhất năm 2019, trong đó các dự án REDD+ với các hoạt động phổ biến liên quan đến quản lý rừng ở các nước phát triển chiếm ưu thế và phổ biến nhất, và giá cho mỗi đơn vị các bon trong loại dự án này cũng cao nhất.

Thực tế cho thấy thị trường các bon tự nguyện phát triển sôi động hơn thị trường bắt buộc rất nhiều, ví dụ năm 2008 thị trường các bon bắt buộc giao dịch là 119 tỉ đô, trong khi thị trường tự nguyện gấp gần 6 lần với 704 tỉ đô (Hamilton K, Sjardin M et al. 2009). Thị trường các bon tự nguyện đã và vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng trong thị trường các bon toàn cầu, đặc biệt là nhận thức về hậu quả biến đổi khí hậu ngày càng tăng, xu hướng nền kinh tế xanh ngày càng được quan tâm.

Khi tham gia vào thị trường các bon thì một trong những vấn đề quan trọng nhất là đáp ứng tiêu chuẩn để có thể bán được các bon. Hiện nay có một số tiêu chuẩn phổ biến (hay còn gọi là bên thứ ba trong giao dịch các bon) được áp dụng tuỳ vào bối cảnh của mỗi dự án mà họ áp dụng các tiêu chuẩn được yêu cầu khác nhau.

Một số tiêu chuẩn các bon trên thế giới

Tên tiêu chuẩn

Nội dung chính

Kế hoạch Vivo

(Plan Vivo)

Tập trung vào các dự án lâm nghiệp, nông nghiệp và sử dụng đất khác với trọng tâm là thúc đẩy sinh kế nông thôn và các dịch vụ hệ sinh thái. Các dự án của Plan Vivo hợp tác chặt chẽ với các hộ gia đình và cộng đồng nhỏ ở nông thôn và tiêu chuẩn nhấn mạnh thiết kế có sự tham gia, liên tục tham vấn các bên liên quan, sử dụng các loài bản địa và tăng cường đa dạng sinh học trong nhiều hình thức chi trả cho các chương trình dịch vụ hệ sinh thái - bao gồm hấp thụ carbon và giảm phát thải.

Tiêu chuẩn các bon tự nguyên

(Verified Carbon Standard – VCS)

 

Chương trình bù đắp carbon chính thức do Verra phi lợi nhuận phát triển và điều hành. Nó chỉ tập trung vào các thuộc tính giảm thiểu KNK và không yêu cầu các dự án phải có thêm các lợi ích về môi trường hoặc xã hội. VCS được hỗ trợ rộng rãi bởi ngành bù đắp carbon (nhà phát triển dự án, người mua bù đắp lớn, người thẩm định và tư vấn dự án) và hoạt động tích cực trên toàn cầu.

Tiêu chuẩn Vàng

(Gold Standard - GS)

Tiêu chuẩn Vàng (GS) là một chương trình bù đắp carbon tự nguyện tập trung vào việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) và đảm bảo rằng dự án đó mang lại lợi ích cho các cộng đồng lân cận của họ. GS có thể được áp dụng cho các dự án bù đắp tự nguyện và các dự án Cơ chế Phát triển Sạch (CDM). Tập trung vào các dự án bù đắp mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường lâu dài.




Các chuyên gia của KfW cùng cán bộ BQL các Dự án Lâm nghiệp
đi kiểm tra công tác giao rừng cho cộng đồng (dự án KfW10)
tại thôn Vi Chring, xã Hiếu, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum (ảnh Tiến Dũng)

Bài học cho các dự án REDD+ phạm vi nhỏ trong việc tiếp cận thị trường các bon quốc tế và nội địa:

Đáp ứng tiêu chuẩn các bon phổ biến nhất được các bên mua công nhận: Để tham gia thị trường quốc tế, giữa bên mua và bán thường nhờ một bên thứ ba đánh giá và cấp tín chỉ, do đó các dự án nên chọn các tiêu chuẩn các bon của bên thứ ba được các tổ chức mua tín chỉ các bon công nhận rộng rãi nhất. Ví dụ, theo đánh giá 20 chương trình đền bù các bon của Ecosystem Marketplace (2018) có 6 chương trình được đánh giá tốt nhất, trong đó có 3 chương trình là Native Energy, 3Degrees và myclimate có phạm vi chi trả cho các dự án, hoạt động liên quan đến REDD+. Với hai chương trình đầu thì sáu tiêu chuẩn các bon đều được công nhận bao gồm Gold Standard; Verified Carbon Standard; Climate Action Reserve; American Carbon Registry; Plan Vivo; The Climate, Community & Biodiversity Alliance; chương trình cuối myclimate thì chỉ công nhận ba tiêu chuẩn là Gold Standard; Plan Vivo; CDM. Như vậy, với các dự án REDD+ riêng lẻ cần ưu tiên lựa chọn các tiêu chuẩn các bon phổ biến này để tuân theo, để đảm bảo hàng hoá sản xuất ra (tín chỉ các bon) đáp ứng tiêu chí của nhiều bên mua nhất có thể. Như trường hợp của xã Hiếu là theo tiêu chuẩn Plan Vivo, một tiêu chuẩn các bon được công nhận bởi nhiều bên mua.

Thị trường các bon nội địa nên tiệm cận các tiêu chuẩn các bon được công nhận phổ biến trên thế giới: Tuy các bên mua khác nhau có các tiêu chuẩn khác nhau, nhưng thực tế cho thấy vẫn có những tiêu chuẩn các bon phổ biến và được nhiều bên mua tin tưởng. Việt Nam đang xây dựng thị trường các bon với lộ trình đã được đề xuất cụ thể, sẽ là khôn ngoan nếu chúng ta tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, hay nói cách khác tín chỉ các bon bán được trong nước thì cũng có thể bán được ra thị trường quốc tế. Điều này cũng giúp giảm chi phí cho khâu trung gian. Muốn vậy thì tiêu chuẩn các bon xây dựng trong nước cần đáp ứng (tiệm cận hay tương đương) tiêu chuẩn các bon thế giới, để quá trình giao dịch hay thương thảo mua bán được thuận lợi nhất.

Đối với thị trường nội địa: trong khi chờ đợi thị trường bắt buộc đi vào thực thi; thì thị trường các bon tự nguyên nên được khuyến khích mạnh mẽ ngay từ bây giờ. Nhà nước có thể thông qua các hình thức khuyến khích như khẳng định và ghi nhận nỗ lực giảm phát thải thông qua mua tín chỉ các bon như là một tiêu chí quan trọng trong xây dựng hình ảnh của các công ty hướng tới tiêu chí xanh, thân thiện với môi trường.

Đối với các dự án REDD+ nên có cách tiếp cận sớm các đối tác tiềm năng như các công ty đang muốn nỗ lực xây dựng hình ảnh thân thiện với môi trường và mua lại tín chỉ các bon là một lựa chọn của họ trong nỗ lực đó.

Đối với thị trường quốc tế: Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ các giấy tờ khi cần thiết của bên thứ ba, tạo điều kiện tối đa cho việc giao dịch được thuận lợi. Thực tế cho thấy cộng đồng khó mà trực tiếp tiếp cận được thị trường các bon mà thường có các tổ chức NGO hỗ trợ tiến trình này, do đó nhà nước cũng có thể đóng vai trò cầu nối, tạo điều kiện tối đa cho các tổ chức NGO trong việc giúp đỡ cộng đồng có tiềm năng thực thi các dự án REDD+ riêng lẻ.


Ông Đỗ Quang Tùng - Q.Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (ảnh Tiến Dũng)


Theo ông Đỗ Quang Tùng - Q.Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp tại “Hội thảo giới thiệu tiến trình triển khai thí điểm Carbon rừng (REDD+) và hệ thống giám sát tích hợp trong khuôn khổ Dự án KfW10”, tuy chỉ là mô hình nhỏ với việc thí điểm ban đầu, nhưng những kết quả đạt được của dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm cung cấp các dữ liệu bổ sung, là tiền đề cho việc nâng cấp, thúc đẩy mở rộng mô hình ở cấp tỉnh và Quốc gia trong tương lai. Bên cạnh đó, những bài học kinh nghiệm từ dự án sẽ góp phần cung cấp thông tin giúp Chính phủ, các Cơ quan Quản lý xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp về chi trả dịch vụ môi trường rừng để đạt được các mục tiêu của Chương trình REDD+ tại Việt Nam. Những kết quả này đảm bảo tính bền vững của dự án.


Dự án “Bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng thuộc các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai (KfW10)” được Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) tài trợ với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại là 08 triệu Euro, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến hết tháng 6 năm 2021. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Cơ quan chủ quản. Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp và Sở NN&PTNT 03 tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai là Chủ dự án. Dự án KfW10 được triển khai với mục tiêu góp phần vào việc duy trì tính toàn vẹn của hệ sinh thái rừng và tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng tự nhiên ở các vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đồng thời nâng cao tiêu chuẩn sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương. Dự án đã thành lập và giao rừng cho 72 Ban quản lý rừng cộng đồng thôn với tổng diện tích rừng tự nhiên sản xuất là trên 23.000ha để cộng đồng quản lý và bảo vệ.



Nguyễn Tiến Dũng
(tư liệu tham khảo báo cáo của T.S Dương Thị Bích Ngọc - Trường ĐHLN
tại "Hội thảo giới thiệu thí điểm carbon rừng (REDD+) và hệ thống
giám sát tích hợp trong khuôn khổ dự án KfW10)"

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn