Thứ bảy, 20/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học chiếm chưa tới 1% tổng chi ngân sách Nhà nước

Thứ hai, 20/03/2023 | 09:57 GMT+7

DALN Ngày 18/3, tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) tổ chức Hội nghị cấp cao về Định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn tại Việt Nam.


Chủ trì Hội nghị có Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, bà MS.Kirsten Shuijt - Giám đốc Tổ chức Quốc tế
về Bảo tồn Thiên nhiên toàn cầu, đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF).
Ảnh: Trần Trung.

Các báo cáo khoa học cho thấy Việt Nam đang có khoảng 700 loài động thực vật hiện đang bị đe dọa cấp quốc gia, trong đó có 300 loài bị đe dọa trên toàn cầu. Các nguyên nhân chính dẫn tới suy giảm đa dạng sinh học bao gồm: việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước thiếu hợp lý; khai thác, tiêu thụ quá mức đa dạng sinh học; số vụ vi phạm về buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn còn cao... Điều này làm giảm khả năng phục hồi của các hệ sinh thái tự nhiên và các hệ sinh thái rừng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh sự đa dạng sinh học và các hệ sinh thái rừng đang phải đối mặt với sức ép rất lớn từ khoảng hơn 25 triệu người đang sinh sống gần các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Khoảng 20% sinh kế của họ phụ thuộc vào rừng và các lâm sản ngoài gỗ.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Chính phủ Việt Nam xác định ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là đối với hệ sinh thái rừng tự nhiên, kiên quyết không đánh đổi môi trường với bất kỳ giá nào nhằm giữ bằng được các hệ sinh thái rừng hiện có, nâng cao khả năng phục hồi rừng tự nhiên, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, công tác quản lý hệ thống rừng đặc dụng đang đứng trước yêu cầu về thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các Ban quản lý rừng là đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực tế, hiện nay ngân sách dành cho bảo tồn đa dạng sinh học chỉ chiếm chưa tới 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Các đơn vị quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn cũng nhận được khoản chi trả dịch vụ môi trường rừng khá khiêm tốn từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển Rừng cấp quốc gia và cấp tỉnh, khoảng 300.000 – 500.000 đồng/ha/năm.


Cúc Phương - Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam.
Nguồn: Fanpage Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Đại diện WWF cũng cho rằng để đảo chiều đi xuống của đường mất đa dạng sinh học, giải quyết hiện tượng “rừng rỗng”, đảm bảo sinh cảnh tốt cho các loài động vật hoang dã cũng như đạt được chỉ tiêu toàn cầu 30% diện tích hành tinh được bảo vệ, Việt Nam rất cần có thêm nguồn lực tài chính ổn định và bền vững để nâng cao hiệu quả quản lý của các khu bảo tồn, các hành lang kết nối các khu bảo tồn cũng như áp dụng các biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác.

Ngoài việc đưa ra các giải pháp, Việt Nam cũng cần xây dựng khung pháp lý và chính sách để tạo điều kiện xây dựng và thực hiện hiệu quả các giải pháp tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn dài hạn.

Theo báo cáo Đánh giá Nhu cầu Tài chính (BIOFIN) của các khu bảo tồn tại Việt Nam do UNDP thực hiện năm 2019, ước tính, để thực hiện tốt chức năng bảo vệ đa dạng sinh học, các khu bảo tồn của Việt Nam đang thiếu hụt ngân sách khoảng 5,7 tỷ đô la Mỹ trong giai đoạn 2018 - 2030. Nếu diện tích các khu bảo tồn được mở rộng thêm 697.000ha, số ngân sách thiếu hụt là 7,2 tỷ đô la Mỹ cho giai đoạn trên.

Hiện WWF tại Việt Nam cũng đang xây dựng các sáng kiến và hỗ trợ các khu bảo tồn tại Trung Trường Sơn tìm kiếm các cơ hội tài chính, từ đó có thể nhân rộng sang các vùng cảnh quan khác tại Việt Nam. Có rất nhiều giải pháp tài chính đã được thảo luận như tăng cường nguồn thu cho các khu bảo tồn từ du lịch sinh thái, phát triển mối quan hệ hợp tác với lĩnh vực công tư, kêu gọi các nguồn đầu tư nước ngoài; tránh phát sinh chi phí thêm cho bảo tồn như không để các loài ngoại lai xâm lấn; đặc biệt là sử dụng nguồn lực tài chính hiệu quả hơn. Tuy nhiên các giải pháp này cũng gặp rất nhiều rào cản và thách thức.

Điển hình, hầu như khu bảo tồn nào cũng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, nhưng các cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng. Nhiều khu bảo tồn chưa đủ năng lực để thực hiện các hoạt động du lịch bền vững; rất ít công ty du lịch hiện nay hiểu và áp dụng đúng và đầy đủ các tiêu chuẩn về bảo tồn đa dạng sinh học trong các dịch vụ của mình. Ý thức khách du lịch cũng là một vấn đề cần được cải thiện. Do đó việc áp dụng mô hình này cần thời gian để nghiên cứu và áp dụng trước khi có thể nhân rộng.


Du khách tìm hiểu về các loài thực vật tại Vườn Quốc gia Cúc Phương.
Nguồn: Fanpage Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc xung quanh các vấn đề làm thế nào để thu hút các nguồn lực tài chính xã hội hóa trong và ngoài nước đầu tư phát triển bền vững rừng đặc dụng; Những cơ chế chính sách cần chỉnh sửa bổ sung để huy động nguồn lực đầu tư cải thiện sinh kế của người dân sống gần rừng, nâng cao đời sống của cán bộ làm nghề rừng; Cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng, người dân sống gần rừng.

Bên cạnh đó, chia sẻ các sáng kiến, kinh nghiệm huy động tài chính quốc tế, xã hội hóa cho công tác bảo tồn cũng như các mô hình quản lý các Vườn Quốc gia, khu bảo tồn; Đề xuất các ý tưởng phát triển các nguồn thu dịch vụ, phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng…

Trong khuôn khổ sự kiện, WWF - Việt Nam và Bộ NN&PTNT đã cùng nhau ký kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2026, tầm nhìn 2042 nằm thực hiện Biên bản ghi nhớ về Phát triển Nông nghiệp và Hợp tác Một Sức khỏe về phòng chống bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người đã ký tháng 2/2022. Bản Kế hoạch tập trung vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách và thể chế; xây dựng năng lực; chia sẻ thông tin và trao đổi chuyên gia; thử nghiệm các mô hình tiên tiến; hợp tác và hỗ trợ các hoạt động kỹ thuật chuyên ngành.

Lê Hồng Thái

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn