Thứ hai, 09/09/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC: Giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý thực bì sau khai thác rừng trồng

Thứ sáu, 21/04/2023 | 14:19 GMT+7

DALN Nhân kỷ niệm Ngày Trái Đất (22/4), sáng ngày 21/4, Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng” với sự tham gia của hơn 80 đại biểu là các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các chủ rừng quy mô nhỏ.



Sau khai thác rừng trồng, các sản phẩm chính của rừng trồng được lấy đi, tất cả vật liệu hữu cơ còn lại trên rừng (hay còn gọi là thực bì) bao gồm: cành, nhánh, ngọn, vỏ và lá cây (chiếm từ 27 - 32% sinh khối của cây); cây bụi, thảm tươi, dây leo dưới tán rừng; vật rơi rụng là cành, nhánh chưa phân hủy hết. Xử lý thực bì được hiểu là hoạt động phát quang, thu dọn các loại cỏ, cây, dây leo, chặt gọn cành không cần thiết ở trên rừng với nhiều hình thức khác nhau.

Nhiều chủ rừng vẫn sử dụng biện pháp đốt vật liệu hữu cơ sau khai thác (VLHCSKT) (hay còn gọi là đốt thực bì) trước khi trồng rừng, mặc dù họ biết rằng việc đốt này có thể là nguyên nhân gây cháy rừng, phá vỡ cấu trúc đất, ảnh hưởng hệ sinh thái động, thực vật trong đất, tác động tới quá trình sinh trưởng của cây trồng, gây khói bụi và phát thải khí cacbonic (CO2) ra môi trường. Các chủ rừng này cho rằng đây là cách làm ít tốn công lao động, chi phí thấp và có thể hạn chế sâu bệnh cho rừng keo.

Tuy nhiên, vẫn có một số chủ rừng chọn cách không đốt VLHCSKT để chuẩn bị hiện trường trồng rừng và cho rằng việc xử lý thực bì không đốt có nhiều lợi ích cả về kinh tế, môi trường, xã hội và đặc biệt là điều kiện ưu tiên khi tham gia và duy trì chứng chỉ rừng với mục tiêu xuất khẩu gỗ.

Theo Tiến sỹ Hoàng Thị Nguyên Hải - Công ty Biomass Fuel Việt Nam: “Năm 2023, các doanh nghiệp đặc biệt tại Nhật Bản kiểm soát gắt gao các tiêu chuẩn về chất lượng và bền vững cho sản phẩm viên nén gỗ nhập khẩu. Quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su...nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này”. Nếu những người trồng rừng muốn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Mỹ và EU thì cần thay đổi cách thức quản lý VLHCSKT theo hướng thân thiện với môi trường.

Đốt thực bì sau khai thác, chuẩn bị đất cho vụ trồng mới là hình thức canh tác được áp dụng từ nhiều đời nay trên các nương rẫy sản xuất nông nghiệp và sau này là tại các khu vực trồng rừng sản xuất. Tuy nhiên, hình thức này không chỉ là nguyên nhân gây cháy rừng, ảnh hưởng tới tài nguyên đất, nước, không khí, hệ vi sinh vật, mà còn góp phần làm gia tăng lượng khí thải nhà kính phát thải ra môi trường.


Diện tích rừng của người dân ở Gio Linh - Quảng Trị. Ảnh: TTXVN

Tiến sỹ Đỗ Đăng Tèo - Phó Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững cho hay: “Quản lý VLHCSKT bằng biện pháp không đốt đã được các nước trên thế giới như Úc, Braxin, Indonesia, Malaysia nghiên cứu, triển khai từ lâu và trở thành điều kiện bắt buộc trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Năm 1995, Chính phủ Indonesia đã ban hành chính sách về “không đốt thực bì sau khai thác rừng trồng”.

Theo các nghiên cứu trong nước và quốc tế, tại 1ha keo 6 năm tuổi sau khai thác, tổng lượng VLHC khô còn lại là 32,4tấn/ha, tương đương 55,8 tấn CO2/ha. Điều này có nghĩa là, nếu quản lý VLHC bằng hình thức đốt thì sẽ phát thải khoảng 55,8 tấn CO2/ha. So sánh giữa để lại VLHCSKT với đốt hoặc lấy đi các VLHCSKT tại Indonesia làm tăng năng suất gỗ của rừng keo tai tượng lên 15%. Ngoài ra, đốt VLHCSKT tác động tới quá trình phân cành, tạo tán của một số loài keo do các điều kiện môi trường như đất, nước, nhiệt độ, lượng mưa thay đổi.

Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định 1870/KH-UBND Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã đặt mục tiêu xác định các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Đến năm 2021, tỉnh Quảng Trị có 119.374ha rừng trồng và nếu các chủ rừng của tỉnh áp dụng biện pháp không đốt VLHCSKT thì sẽ giảm đáng kể lượng CO2 phát thải vào khí quyển.

Ông Nguyễn Văn Lục - Chi hội trưởng Chi hội Chứng chỉ rừng (CCR) Hợp tác xã Thủy Đông chia sẻ: “Năm 2014, khi bắt đầu tham gia chứng chỉ rừng FSC, một số hội viên trong Chi hội đã áp dụng biện pháp không đốt VLHCSKT trước mùa trồng rừng. Chi phí cho trồng rừng tại hai diện tích đốt và không đốt VLHCSKT là tương đương nhau nhưng đến kỳ khai thác thì năng suất tại khu vực không đốt VLHCSKT cao hơn tầm 20 - 30 tấn gỗ. Hiện gần 50% số diện tích rừng keo của Hợp tác xã thuộc Chi hội CCR cũng đang áp dụng không đốt VLHCSKT để tham gia CCR. Cách làm này sẽ đáp ứng được tiêu chí không tác động đến môi trường đất, nước, không khí khi các chuyên gia FSC đi đánh giá”.

Hàng năm trong vùng Dự án VFBC trồng lại 110.000ha rừng keo, nếu đốt VLHC sau khai thác thì lượng CO2 phát thải ra môi trường từ khoảng 5,5 triệu - 7.8 tấn CO2/năm, chiếm gần 1,2% lượng khí CO2 phát thải trong năm 2020 của Việt Nam.

Theo Tiến sỹ Vũ Văn Hưng - Phó Trưởng ban Ban quản lý các dự án lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, Giám đốc Ban quản lý Dự án VFBC Trung ương: “Quản lý VLHCSKT rừng trồng bằng biện pháp không đốt là thực hành quản lý rừng sản xuất thân thiện với môi trường, phù hợp xu hướng phát triển của thế giới, đáp ứng mục tiêu phát triển rừng bền vững, góp phần nâng cao giá trị rừng trồng, ổn định cuộc sống của người trồng rừng quy mô nhỏ và đóng góp vào lộ trình giảm phát thải khí nhà kính của Chính phủ Việt Nam”.


Ông Vũ Văn Hưng - Phó Trưởng ban Ban quản lý các dự án lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT, Giám đốc Ban quản lý Dự án VFBC Trung ương phát biểu tại sự kiện.

Cũng tại hội thảo, Ban Quản lý dự án VFBC tỉnh Quảng Trị đã khởi động sáng kiến về Chứng chỉ rừng và quản lý vật liệu hữu cơ sau khai thác rừng trồng thông qua thí điểm mô hình không đốt thực bì do Hội Chứng chỉ rừng tỉnh Quảng Trị triển khai tại Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong và các huyện tiềm năng khác.


Năm 1970, Liên hiệp quốc đã chọn ngày 22/4 là Ngày Trái Đất nhằm nâng cao ý thức và hành động của con người trong việc tôn vinh, giữ gìn và bảo vệ giá trị môi trường tự nhiên trên hành tinh, giảm phát thải khí nhà kính, giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu tới Trái Đất. Chủ đề Ngày Trái Đất năm 2023 là “Đầu tư cho Trái Đất, bảo vệ cho tương lai”. Đầu tư kỹ thuật lâm sinh tiên tiến, khoa học công nghệ, bổ sung các nguồn lực để quản lý rừng sản xuất hiệu quả hơn là một trong những giải pháp để bảo vệ tương lai cho Trái Đất”.

Một số hình ảnh tại hội thảo








Theo Nông thôn Việt
Lê Thị Thủy   

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn