Thứ sáu, 19/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Quản lý rừng bền vững và chuỗi giá trị lâm sản

Thứ năm, 08/12/2022 | 17:30 GMT+7

DALN Ngày 8/12/2022, Ban Quản lý Dự án VFBC trung ương phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn Quản lý rừng bền vững và Chuỗi giá trị lâm sản.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ Tổng cục Lâm nghiệp, Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Trung tâm Bảo tồn và Phát triển, Trường Đại học Mỏ địa chất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Quảng Nam, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, cùng các nhà khoa học và giảng viên và sinh viên đến từ Trường Đại học Lâm nghiệp.

Biến đổi khí hậu là vấn đề thách thức nghiêm trọng của toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia đang phát triển chiu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại COP2, tiếp theo đó là COP26 và gần đây tại COP27, trong khuôn khổ “Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC)”, Chính phủ Việt Nam cam kết giảm lượng khí thải xuống thấp hơn 25% so với dự báo kinh doanh thường lệ (business-as-usual projection) vào năm 2030 với sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế, tức là phải giảm khoảng 197,9 MtCO2e vào năm 2030. Cũng tại COP26, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.


Toàn cảnh diễn đàn Quản lý rừng bền vững và chuỗi giá trị lâm sản

Phát triển kinh tế của Việt Nam đi kèm với sự gia tăng lượng khí thải CO2 với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 7,92% (World Data Atlas, 2019), tức là từ 13,5 triệu tấn vào năm 1970 lên đến 305,2 triệu tấn vào năm 2019 và còn tiếp tục tăng.

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS-TS. Phùng Văn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam nhấn mạnh “Diễn đàn là cơ hội để các bên đối thoại trao đổi, chia sẻ và đúc kết các bài học kinh nghiệm bổ ích trong việc nâng cao giá trị chuỗi cung ứng gỗ và lâm sản hợp pháp ở Việt Nam thông qua các đối tác thương mại, tăng cường quản lý, chia sẻ thông tin nhằm đạt những mục tiêu chung”.


PGS-TS. Phùng Văn Khoa – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp phát biểu khai mạc diễn đàn

Mặc dù hiện trạng rừng Việt Nam có cải thiện ở mức độ nhất định trong 30 năm qua, độ che phủ rừng đạt khoảng 42% vào năm 2022 (Nguồn:tongcuclamnghiep.gov.vn), trong đó có hơn 4 triệu ha trồng lấy gỗ, chất lượng rừng tự nhiên lại có xu hướng giảm. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần có một chiến lược hiệu quả để ngăn chặn nạn phá rừng và suy thoái rừng, đồng thời thúc đẩy các giải pháp quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam.


TS. Đỗ Đăng Tèo – Phó Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững
trình bày quản lý rừng bền vững và chuỗi giá trị keo

Việc đề ra và triển khai các chủ trương, chính sách, chương trình quản lý rừng bền vững là hết sức cần thiết và cấp bách. Diễn đàn quản lý rừng bền rững và chuỗi giá trị lâm sản do BQL Dự án VFBC trung ương và Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức nhằm mục tiêu thúc đẩy quản lý rừng bền vững để đạt được hiệu quả tốt hơn về quản lý rừng và đặc biệt là rừng trồng sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Hợp phần Quản lý rừng bền vững của Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Tại Hội nghị này, ông Abraham Guillen, Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững cũng chia sẻ quản lý rừng đã thay đổi đáng kể và chuyển trọng tâm từ quản lý gỗ sang quản lý hệ sinh thái. Điều này đòi hỏi các chuyên gia lâm nghiệp phải mở rộng phạm vi chuyên môn sang các lĩnh vực đa ngành để có thể đáp ứng được các yêu cầu về mặt xã hội, kinh tế và môi trường theo các nguyên tắc phát triển bền vững, đồng thời giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu và áp lực tăng trưởng dân số lên đến 10 tỷ người.


Ông Abraham Guillen – Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững phát biểu tại Diễn đàn

Diễn đàn được lắng nghe các bài trình bày về Đào tạo và nghiên cứu Quản lý rừng bền vững tại Việt Nam; Giới thiệu một số giống cây mọc nhanh mới phục vụ trồng rừng kinh tế; Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về chuỗi hành trình gỗ và sản phẩm từ gỗ; Hoạt động xây dựng chuỗi liên kết gỗ của Hợp phần QLRBV; Xây dựng chuỗi sản xuất và chế biến gỗ rừng trồng bền vững; Lợi ích, thách thức và bài học với hộ gia đình tham gia rừng gỗ lớn có chứng chỉ; Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý rừng có chứng chỉ theo nhóm.

Diễn đàn cũng đưa ra những ý tưởng, đề xuất, giải pháp hữu ích nhằm nâng cao công tác quản lý rừng và chuỗi giá trị lâm sản không chỉ trong 07 tỉnh dự án mà còn nhân rộng cho cả Việt Nam trong ngắn và dài hạn. Diễn đàn cũng đánh giá cao sáng kiến của Hợp phần Quản lý rừng bền vững đưa ra sáng kiến trong vấn đề tiếp cận xanh để từ đó tạo điều kiện thúc đẩy hỗ trợ các bên liên quan, đặc biệt là sự tham gia của các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính và quản lý rừng bền vững cũng như nâng cao giá trị chuỗi cung ứng lâm sản Việt Nam.

Một số hình ảnh khác của Diễn đàn







Nguyễn Thanh Điền & Lê Thị Thủy

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn