Thứ ba, 16/07/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC trung ương tổ chức lớp tập huấn phát thải khí nhà kính và thị trường giao dịch các-bon nội địa (ETS)

Thứ năm, 15/12/2022 | 10:10 GMT+7

DALN Từ ngày 12-13/12/2022, tại TP. Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc, Dự án VFBC tổ chức lớp tập huấn về phát thải khí nhà kính và thị trường giao dịch các-bon nội địa (ETS). Đây là một trong những lớp tập huấn đầu tiên của được tổ chức ở Việt Nam về chủ đề thị trường giao dịch các bon nội địa thông qua phần mềm mô phỏng sàn giao dịch các bon (CarbonSim), do giảng viên quốc tế đến từ Hoa Kỳ trực tiếp giảng dạy. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hợp phần Quản lý rừng bền vững của Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) ở Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và BQL các dự án Lâm nghiệp là chủ dự án.

Khóa tập huấn có sự tham gia của hơn 130 học viên đến từ Tổng cục Lâm nghiệp, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Ban quản lý dự án VFBC Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm, các Công ty phát thải lớn từ các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Quảng Ninh và Nghệ An và các chuyên gia về chính sách Lâm nghiệp.


Toàn thể học viên tham gia lớp tập huấn

Việt Nam đang tiên phong và nỗ lực thực hiện các cam kết “xanh” và được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại. Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (gọi tắt là COP 26), Việt Nam đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và 02 cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp đó là: cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.

Gần đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Nghị định này có quy định trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước. Cụ thể, việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon, thị trường các-bon trong nước theo quy định, trong đó các công ty phát thải khí nhà kính vượt ngưỡng sẽ có giải pháp để giảm khí nhà kính. Các biên pháp thúc đẩy hoạt động giảm khí nhà kính bao gồm xây dựng và triển khai cơ chế, phương thức hợp tác; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và khuyến khích các hoạt động về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Các công ty này cũng là nhóm mục tiêu phải tham gia dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon từ rừng (CPFES) theo Luật Lâm nghiệp 2017 và chính sách kinh doanh các-bon trong nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế CPFES do Bộ Nông nghiệp & PTNT xây dựng. Do đó, việc Hợp phần Quản lý rừng bền vững tổ chức lớp tập huấn này giúp các các đơn vị, đối tác liên quan hiểu rõ hoạt động kinh doanh carbon trong nước và quá trình phát triển Dịch vụ chi trả các-bon từ rừng là rất cần thiết và phù hợp trong giai đoạn hiện nay.



Ông Abraham Guillen – Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững phát biểu tại lớp tập huấn
 
Tại lớp tập huấn này, ông Abraham Guillen, Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững thay mặt BQL Dự án VFBC trung ương đánh giá cao sự nỗ lực và tham gia hết sức nhiệt tình, và có trách nhiệm của các đơn vị. Ông đánh giá đây là một chủ đề mới, đòi hỏi đại biểu cần nhiều thời gian nghiên cứu và tìm hiểu. Với sự hỗ trợ từ USAID, Hợp phần Quản lý rừng bền vững đã mời được chuyên gia quốc tế hàng đầu về lĩnh vực thị trường giao dịch các-bon đến từ Hoa Kỳ, ông Joshua Margolis và TS. Nguyễn Hoàng Nam, chuyên gia về thị trường các-bon nội địa tham gia giảng dạy.

Ông Joshua Margolis- Giảng viên quốc tế về thị trường giao dịch các bon
đang hướng dẫn cho học viên sử dụng sàn giao dịch các bon nội địa mô phỏng

Các nội dung đào tạo tập trung chia sẻ những kiến thức cơ bản về cách thức vận hành, giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ các-bon trên sàn giao dịch của thị trường các-bon nội địa theo quy định tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/01/2022 về Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, thực hành giao dịch hạn ngạch phát thải và tín chỉ bù trừ trên sàn giao dịch mô phỏng.

Đại diện của tỉnh Lào Cai trong lớp tập huấn, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lào Cai khẳng định việc Dự án VFBC triển khai lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý nhà nước, các chủ rừng, các doanh nghiệp phát thải khí nhà kính về thị trường các-bon, cách giao dịch các-bon trên thị trường rất phù hợp trong bối cảnh Chính phủ hiện đang có những chỉ đạo quyết liệt về giảm phát thải khí nhà kính, tiến tới đưa đường phát thải về bằng không. Ông Vĩnh cũng cho biết thêm “Tham gia vào khóa tập huấn, chúng ta mới giật mình thấy rằng thị trường các-bon quốc tế đã rất sôi động, tuy nhiên Việt Nam bây giờ mới bắt đầu quá trình hình thành và chuẩn bị nên những cuộc tập huấn như này rất cần thiết vì đã cung cấp những kiến thức cơ bản về thị trường các-bon, hạn ngạch, tín chỉ các-bon, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc giảm phát thải trong giai đoạn hiện nay cho các bên liên quan. Thành phần tham gia khóa tập huấn của Lào Cai gồm 10 doanh nghiệp (DN) phát thải lớn nhất, 10 chủ rừng lớn nhất cùng với đại diện cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành là Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm - đây sẽ là đội ngũ cán bộ nòng cốt tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng Đề án giảm phát thải các-bon tỉnh Lào Cai trong giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến 2030. Trong đề án này, tỉnh Lào Cai đặt trọng tâm là thị trường các-bon nội địa, tức là trước mắt cân bằng nội địa. Hiện nay trên tỉnh Lào Cai có 10 DN phát thải lớn, trên 600.000 tấn/năm và sẽ còn tiếp tục tăng vì thế chúng tôi rất quan tâm đến khả năng phát triển thị trường các-bon.”


Ông Nguyễn Quang Vĩnh – PGĐ Sở NN và PTNT tỉnh Lào Cai

Ông Bùi Khang Ninh, Phụ trách Quan hệ chính phủ của Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương – chủ sở hữu là liên doanh của AES Corporation (Mỹ), Posco Energy (Hàn Quốc) and China Investment Corporation (Trung Quốc), Quảng Ninh là một trong những thành viên tham gia khóa học, cho biết “Khóa tập huấn rất bổ ích với nhiều thông tin mới đối với DN, là cơ hội để DN học hỏi, nắm được các thông tin về mặt chính sách cũng như thông tin liên quan đến thị trường giao dịch các-bon. Chúng ta đều hiểu rằng, việc yêu cầu hạn ngạch phát thải để chính phủ có thể đạt được mục tiêu về giảm phát thải sẽ ảnh hưởng đến vấn đề tài chính của doanh nghiệp. Chính phủ đã có Nghị định 06, tuy nhiên chúng tôi rất cần có thêm hướng dẫn chi tiết hơn nữa để doanh nghiệp hiểu rõ hơn. Doanh nghiệp sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu của pháp luật với mong muốn việc vận hành thị trường các-bon phải đảm bảo sự minh bạch và công bằng. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm các khóa học tương tự và chuyên sâu hơn nữa để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về thị trường các-bon, giúp các doanh nghiệp như chúng tôi đảm bảo tuân thủ tốt trong tương lai”.


Ông Bùi Khang Ninh, Phụ trách Quan hệ chính phủ
của Công ty TNHH Điện lực AES Mông Dương, Quảng Ninh

Lớp tập huấn thứ hai với chủ đề tương tự sẽ được tổ chức từ ngày 15-16/12/2022 tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các chủ rừng là tổ chức, các Công ty phát thải lớn, doanh nghiệp của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị và Quảng Nam.


Ông Phạm Hồng Lượng – Chánh văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp
– Bộ NN và PTNT đóng góp ý kiến cho lớp tập huấn

Trong giai đoạn tiếp theo, Hợp phần Quản lý rừng bền vững sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và PTNT hoàn thiện và trình Chính phủ bản sửa đổi Nghị định 156, hỗ trợ xây dựng các thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, chuyển nhượng và giao dịch các-bon, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn các-bon nội địa, hệ thống MRV, hệ thống đăng ký kết quả giảm phát thải của ngành lâm nghiệp, xây dựng mạng lưới cộng đồng thực hiện về cơ chế giao dịch chuyển nhượng giao dịch các-bon với các thành viên gồm các công ty phát thải, các tổ chức phi chính phủ, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, các chủ rừng tại 7 tỉnh thuộc dự án. Mạng lưới này sẽ định kỳ họp hàng quý để chia sẻ nhu cầu và giải pháp thực hiện giao dịch các-bon rừng nhằm hướng đến mục tiêu góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng hấp thụ các bon từ rừng tại Việt Nam thông qua các nỗ lực giảm mất rừng và suy thoái rừng tự nhiên, quản lý hiệu quả hơn rừng sản xuất.

Một số hình ảnh khác của khóa đào tạo







Nguyễn Thanh Điền & Lê Thị Thủy

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn