Thứ sáu, 29/03/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Hội nghị giao ban ba Ban CPO Bộ NN&PTNT: Đảm bảo công tác xây dựng và chuẩn bị dự án mới

Thứ năm, 08/11/2018 | 00:00 GMT+7

DALN Sáng ngày 07/11/2018, tại Hà Nội, ba Ban CPO: Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy lợi và Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (QGNS&VSMTNT) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị giao ban năm 2018.   

 

Chủ đề của hội nghị lần này nhằm đánh giá công tác xây dựng và chuẩn bị dự án mới, đề ra định hướng thu hút vốn, xây dựng chương trình, dự án trong thời gian tới. Trưởng Ban CPO Nông nghiệp Lê Văn Hiến, Trưởng Ban CPO Lâm nghiệp Vũ Xuân Thôn, Trưởng Ban CPO Thủy lợi Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc Trung tâm QGNS&VSMTNT Lương Văn Anh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các Vụ Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ NN&PTNT và các phòng nghiệp vụ của các đơn vị.

 

Trưởng Ban CPO Nông nghiệp Lê Văn Hiến khai mạc hội nghị

 

Trưởng Ban CPO Thủy lợi Nguyễn Hồng Phương phát biểu tại hội nghị

 

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Ban CPO Nông nghiệp cho biết, Việt Nam đã "tốt nghiệp" ODA nguồn vốn vay ưu đãi. Vốn vay ODA bắt đầu bộc lộ một số hạn chế như lãi suất tăng dần, các khoản vay đi kèm theo nhiều điều kiện như công nghệ, máy móc, nhà thầu... Các nguồn vốn có lãi suất cao hơn như vốn IBRD đối ứng WB, vốn ORC đối với ADB. Thêm vào đó, thiếu vốn đối ứng là một trong những vướng mắc nổi cộm giai đoạn hiện nay đối với việc triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA, thiếu vốn đối ứng làm ách tắc quá trình triển khai dự án. Do vậy, công tác đề xuất dự án được phê duyệt phụ thuộc nhiều vào khả năng cân đối vốn ODA, vốn vay ưu đãi, vốn đối ứng của các địa phương. Bên cạnh đó, một số dự án đã được ký Hiệp định vay nhưng không thể triển khai do không bố trí kế hoạch vốn trung hạn.

 

 

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Trưởng ban Ban CPO Nông nghiệp trình bày những khó khăn, vướng mắc

trong quá trình xây dựng dự án mới

 

Ông Phạm Hồng Vích - Phó trưởng Ban CPO Lâm nghiệp phát biểu tham luận tại hội nghị

 

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Danh Đàn - Phó trưởng phòng Quản lý tư vấn và Xây dựng dự án Ban CPO Lâm nghiệp, việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đang gặp rất nhiều khó khăn thách thức, các nhà tài trợ đưa ra nhiều điều kiện ràng buộc hơn và lãi suất các khoản vay đã dần tiếp cận với lãi suất thương mại, ngoài ra từ khi Luật Đầu tư công bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2015; Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/7/2018 và Nghị định 97/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định về cho vay lại vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ, việc quản lý nguồn vốn ODA ngày càng chặt chẽ hơn, các địa phương phải vay lại các khoản vay ODA để thực hiện dự án thành phần tại tỉnh cũng làm ảnh hưởng nhiều đến công tác đề xuất xây dựng dự án mới.

 

Theo ông Lê Văn Hiến - Trưởng Ban CPO Nông nghiệp, ba Ban CPO và Trung tâm QGNS&VSMTNT đều là những đơn vị có kinh nghiệm và đang quản lý nhiều dự án quan trọng trong lĩnh vực Nông nghiệp góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo sinh kế cho người dân nhiều địa phương, đặc biệt là vùng khó khăn, đồng bào dân tộc. Trong bối cảnh Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới, việc các đơn vị chú trọng đến công tác xây dựng Chương trình, dự án tiếp nối sẽ đảm bảo tính bền vững và phát huy những thành quả đã đạt được trước đó.

 

Đại diện Ban CPO Thủy lợi phát biểu tham luận

 

Đại diện Trung tâm QGNS&VSMTNT đề xuất một số giải pháp giải quyết những khó khăn trong xây dựng dự án mới

 

Tại hội nghị các đại biểu đã thảo luận và đề xuất một số những định hướng trong công tác xây dựng Chương trình, dự án mới trong giai đoạn tới cụ thể như: Việc xây dựng các nội dung dự án triển khai tại các địa phương cần gắn liền với việc điều phối chung của Bộ NN&PTNT để đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Trong giai đoạn tới, các dự án có mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, kích thích hoạt động xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường cần phải được ưu tiên đề xuất.

 

Các đơn vị cần chú ý đến bộ tiêu chí cơ bản lựa chọn (khả năng bố trí vốn đối ứng, các lợi thế về tự nhiên, áp dụng tiến bộ kỹ thuật...) để bảo đảm tính minh bạch và lựa chọn được các tỉnh phù hợp để triển khai dự án, không chú trọng vào số lượng địa phương tham gia. Đồng thời cần đa dạng hóa các nguồn vốn khác nhau như nguồn vốn trong nước và của các tổ chức NGO..., bên cạnh đó, phối hợp với nhà tài trợ tìm kiếm các khoản viện trợ không hoàn lại để chi trả hoạt động của Ban quản lý dự án trung ương.

 

Trong quá trình xây dựng, chuẩn bị dự án cần tính đến yếu tố trượt giá, dự phòng rủi ro bất khả kháng để giai đoạn thực hiện có đủ vốn để triển khai, tránh tối đa việc phải điều chỉnh, bổ sung vốn ODA cũng như vốn đối ứng cho toàn bộ dự án. Việc điều chỉnh Văn kiện dự án/ Quyết định đầu tư nếu có cần chuẩn bị đẩy đủ hồ sơ, tài liệu, nhận được sự đồng thuận của UBND các tỉnh vùng dự án cũng như nhà tài trợ mới đảm bảo được tiến độ thực hiện dự án.

 

Ba Ban CPO và Trung tâm QGNS&VSMTNT thống nhất chủ động đề xuất với Bộ NN&PTNT xây dựng cơ chế sử dụng vốn vay kém ưu đãi (IBRD và OCR) cho các lĩnh vực các đơn vị quản lý. Đồng thời các đơn vị nhất trí sẽ tăng cường hỗ trợ trao đổi lẫn nhau nhiều hơn nữa công tác xây dựng và chuẩn bị dự án mới trong thời gian tới.

 

Thu Trang - CTV

 


 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn