Thứ tư, 24/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dự Lễ khởi động Dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng sông Hồng

Thứ tư, 18/05/2022 | 11:08 GMT+7

DALN Ngày 13/5/2022, tại Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Lễ khởi động Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng Sông Hồng” do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (gọi tắt là Dự án KFS), dự án nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Tham dự có ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Lãnh đạo UBND, đại diện các Sở, ngành và cộng đồng dân cư vùng dự án của 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Định, đại diện các Bộ, ngành Trung ương, nhà tài trợ và các cơ quan có liên quan.



Thứ trưởng Lê Quốc Doanh phát biểu tại buổi Lễ

 
Phát biểu tại Lễ Khởi động, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết: Để ứng phó với thực trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang diễn ra ngày càng gay gắt, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1662/QĐ-TTg ngày 04/10/2021 phê duyệt Đề án "Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030" với mục tiêu quản lý bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới. Tại Đại hội Lâm nghiệp lần thứ 15 tại Hàn Quốc, các bên tham gia cũng xác định việc khôi phục rừng ngập mặn và hệ sinh thái ven biển là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là yếu tố quan trọng để bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính góp phần phát triển kinh tế xã hội, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Dự án KFS được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 501/QĐ-TTg ngày 16/4/2021 và Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1226/QĐ-BNN ngày 05/4/2022. Dự án sẽ được thực hiện tại VQG Xuân Thủy, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình trong thời gian 4 năm. Mục tiêu của Dự án là nhằm phục hồi 330 ha rừng ngập mặn tại các khu vực này, đồng thời hỗ trợ triển khai một số hoạt động phát triển sinh kế cho cộng đồng; tăng cường năng lực cho các cơ quan chức năng để nâng cao hiệu quả quản lý rừng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định: “Đây là một trong những Dự án lớn trong lĩnh vực Lâm nghiệp được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ, việc thực hiện thành công Dự án sẽ góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành, của địa phương do Chính phủ giao trong kế hoạch 05 năm về phát triển kinh tế xã hội quốc gia, đặc biệt là nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam đối với nỗ lực chung của toàn cầu”.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh bày tỏ tin tưởng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các bên liên quan, sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Nam Định và Ninh Bình, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, các chuyên gia Hàn Quốc, dự án sẽ được thực hiện đúng tiến độ các hạng mục với chất lượng cao nhất, góp phần thực hiện thành công Đề án "Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030".


Ông Lee Jeong Ho - Cố vấn trưởng Dự án KFS phát biểu tại Lễ khởi động

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Lee Jeong Ho cho biết, đây là dự án đầu tiên do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thực hiện thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc (KFS) theo chương trình hợp tác lâm nghiệp giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Trong thời gian tới, để dự án được thực hiện thành công, một số các hoạt động cụ thể cần được triển khai sớm bao gồm: Thứ nhất, dự án sẽ xây dựng một vườn ươm cây rừng ngập mặn tại Ninh Bình nuôi dưỡng những cây con khỏe mạnh, tiến hành các cuộc thử nghiệm và giới thiệu một hệ thống vườn ươm mới với hy vọng sẽ giúp cho việc sản xuất cây giống tốt cho tương lai; thứ hai, dự án sẽ thực hiện ngay việc trồng mới và trồng bổ sung/ phục hồi rừng ngập mặn tại hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình, hỗ trợ xây dựng chương trình quản lý bền vững cho hai địa phương; thứ ba, dự án sẽ tích cực hỗ trợ việc nuôi trồng thủy sản để hỗ trợ phục hồi rừng ngập mặn; thứ tư, chúng tôi sẽ xuất khẩu mật ong rừng ngập mặn sang Hàn Quốc để cải thiện sinh kế của cư dân địa phương và nỗ lực bảo vệ các hệ sinh thái ven biển. Ông Lee Jeong Ho tin tưởng dự án rừng ngập mặn này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong tương lai và mong muốn Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tốt đặc biệt là trong lĩnh vực Lâm nghiệp.


“Dự án có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Nam Định”
- Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định phát biểu

Ông Trần Anh Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, Nam Định có khoảng 22.800 ha đất bãi bồi và đất mặt nước cùng hơn 3.000 ha diện tích rừng bao gồm diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Diện tích rừng tuy không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong bảo vệ đê biển phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh. Ông Trần Anh Dũng đánh giá cao sự cần thiết của Dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng Đồng bằng Sông Hồng” đối với tỉnh Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần nâng cao chất lượng rừng, ổn định cuộc sống người dân vùng ven biển hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình.


“Sở NN&PTNT, UBND tỉnh Ninh Bình sẽ tạo điều kiện tốt nhất để dự án hoạt động thuận lợi”
- Ông Đinh Văn Khiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết

Ông Đinh Văn Khiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhất trí với những ý nghĩa to lớn Dự án KFS mang lại khi được triển khai đối với hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình, việc thực hiện dự án phù hợp với mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế vùng ven biển của các tỉnh tham gia, đồng thời khẳng định Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình cam kết cùng các đơn vị liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; thường xuyên theo dõi, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc, phát sinh trong quá trình triển khai dự án; tuyên truyền các hộ dân tích cực tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng qua đó nâng cao hiệu quả kinh tế từ rừng.


Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp (QLDALN) sẽ phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý dự án KFS
hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình, quyết tâm thực hiện thành công dự án”
- Ông Đỗ Quang Tùng - Trưởng ban Ban QLDALN khẳng định



Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cùng đại diện UBND hai tỉnh Nam Định, Ninh Bình,
đại diện Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp và nhà tài trợ ấn nút khởi động dự án


Dự án KFS được thực hiện trong 4 năm (2021 - 2024) với tổng số vốn thực hiện gần 4,4 triệu USD tại Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định. Dự án có mục tiêu tổng quát nhằm phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn tại vùng đồng bằng sông Hồng, các mục tiêu cụ thể bao gồm: Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn tại vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển sinh kế cho người dân địa phương thông qua phục hồi rừng ngập mặn và bảo vệ sinh thái biển; xây dựng năng lực phục hồi rừng và sản xuất cây giống; thực hiện nghiên cứu chung về quản lý bền vững rừng ngập mặn.

Để thực hiện mục tiêu trên, Dự án tập trung vào trồng và phục hồi 330 ha rừng ngập mặn, hỗ trợ phát triển sinh kế gắn với quản lý bền vững rừng ngập mặn; Hỗ trợ xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; tăng cường năng lực và trang thiết bị phục vụ bảo vệ rừng ngập mặn.

Đối tượng hưởng lợi trực tiếp từ dự án là người dân và cộng đồng dân cư thuộc 05 xã vùng đệm của VQG Xuân Thủy, Nam Định và 04 xã thuộc huyện Kim Sơn, Ninh Bình, ngoài ra còn có các cán bộ quản lý VQG Xuân Thủy, cán bộ huyện Kim Sơn, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn, Ninh Bình, Sở NN&PTNT hai tỉnh và cán bộ có liên quan của Bộ NN&PTNT trong việc tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Việt Nam và Hàn Quốc.


Các đại biểu tham quan hiện trường hoạt động của dự án

Sơn Lâm

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn