Thứ sáu, 26/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

USAID Learns - Chia sẻ các giải pháp giảm nhẹ Biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long - ĐBSCL

Thứ tư, 01/03/2023 | 09:34 GMT+7

DALN Ngày 23/02/2023, tại Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, nhóm chuyên gia trong nước và quốc tế từ Dự án USAID Learns đã chia sẻ kết quả nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL trong khuôn khổ chuẩn bị Dự án Thích ứng với Biến đổi khí hậu USAID đã cam kết tài trợ cho Việt Nam từ tháng 6/2022.

Đại diện Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp có: Ông Vũ Văn Hưng – Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp kiêm Giám đốc dự án Quản lý bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), ông Nguyễn Danh Đàn - Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật, ông Trần Công Hùng - Phó trưởng phòng Quản lý tư vấn và xây dựng chương trình dự án, ông Lee Jeong-Ho - Cố vấn trưởng dự án KFS và các cán bộ thuộc Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp.

Chuyên gia USAID Learns có bà Phạm Tuyết Mai - Giám đốc nghiên cứu của USAID Learns, ông Sean Mulkerne - Chuyên gia cao cấp về quản trị và thể chế, ông Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, cùng các cán bộ của USAID Learns. Tham gia buổi hội thảo còn có sự góp mặt của ông Trần Chính Khuông - Chuyên gia cao cấp về Biến đổi khí hậu và ông Phạm Việt Anh - Chuyên gia thiết kế dự án phát triển của USAID

Hình ảnh buổi họp tại phòng họp của Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp

Chuyên gia USAID Learns đã chia sẻ kết quả khảo sát nghiên cứu các nội dung: (i) Đánh giá các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long; (ii) Thể chế và giới trong phòng chống và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu cho khu vực ĐBSCL. Hai bên đã thảo luận và cho ý kiến để chuyên gia hoàn thiện thêm báo cáo nghiên cứu làm cơ sở xây dựng dự án Nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ĐBSCL.

Theo ông Mai Văn Trịnh, kết quả nghiên cứu của nhóm cho thấy: nông dân cùng cán bộ địa phương vùng ĐBSCL đã nhận thức rõ các dấu hiệu của biến đổi khí hậu, những tác động tiêu cực đối với sản xuất nông nghiệp và nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đề xuất các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; các phương án giảm nhẹ tiềm năng cao; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật hoàn chỉnh về xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật tưới tiêu để có các phương án giảm nhẹ.


Ông Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp chia sẻ

Đối với chăn nuôi có 03 biện pháp giảm phát thải: Cải thiện khẩu phần ăn gia súc, kỹ thuật vỗ béo tăng năng suất thịt và giảm nhẹ phát thải khí mêtan, quản lý phân gia súc như ủ phân, xây dựng hầm bioga cung cấp năng lượng tái tạo.

Đối với carbon xanh có 04 giải pháp giảm phát thải: tăng hấp thụ carbon; tăng diện tích rừng tràm và cỏ biển; phục hồi rừng ngập mặn tăng hấp thụ carbon. Đây cũng là nơi bảo vệ đê, bảo vệ người dân vùng ven biển rất tốt.

Tiếp tục chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây rau quả. Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp & PTNT, phấn đấu đến năm 2030 chuyển đổi 770 nghìn ha. Cải thiện cơ sở hạ tầng để thực hiện các phương án giảm nhẹ, cải tiến công nghệ sau thu hoạch. Tập trung vào việc bảo tồn và nâng cao chất lượng rừng ngập mặn. Thúc đẩy công nghệ tiên tiến để sản xuất nông nghiệp bền vững đặc biệt là trồng trọt. Đối với người nông dân hiện nay hiệu quả kinh tế đang rất thấp, nếu tăng hiệu quả kinh tế lên nữa thông qua công nghệ sản xuất tiên tiến sẽ khuyến khích người nông dân đầu tư nhiều hơn. Nâng cao nhận thức về phát thải khí nhà kính xây dựng các biện pháp chặt chẽ giữa người sản xuất và chính quyền địa phương. Cần phát triển cơ sở dữ liệu và tăng cường giám sát rừng ngập mặn bao gồm giám sát carbon, sinh khối, lập bản đồ khu vực phù hợp để bảo tồn và phục hồi rừng ngập mặn.

Và theo ông Sean Mulkerne – Chuyên gia cao cấp về quản trị và thể chế chia sẻ: Vai trò tham gia của phụ nữ rất ý nghĩa cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL nhưng vai trò của họ ko được đánh giá ở mức cao và phù hợp. Trong khi đó họ có rất nhiều trách nhiệm, họ vừa phải chăm lo cho gia đình vừa phải kiếm thêm thu nhập làm cho gánh nặng tăng lên gấp đôi. Do đó mặc dù họ đã đóng góp nhưng ít có cơ hội tạo ra tác động lớn. Ngoài ra vai trò của phụ nữ tiếp cận được với công nghệ cao thì vốn dĩ đây là trọng tâm của các chương trình tới đây. Hiện nay việc tiếp cận công nghệ còn rất nhiều hạn chế do tác động từ nhận thức, phụ nữ chưa được nhanh nhạy nên đây là rào cản đối với phụ nữ trong cải thiện sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình triển khai, nghiên cứu và trao đổi, USAID Learns không phát hiện ra một rào cản cụ thể nhất định nào đối với việc người phụ nữ tham gia vào hoạt động sản xuất hay chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên cũng chưa xác định được đã có những chính sách nào cụ thể nào để khuyến khích người phụ nữ tham gia nhiều hơn hay chưa, và về lâu về dài không tạo điều kiện thuận lợi cho người phụ nữ tham gia và có đóng góp nhiều hơn để cải thiện tình trạng.


Ông Sean Mulkerne – Chuyên gia cao cấp về quản trị và thể chế chia sẻ

Đối với những vấn đề người trẻ tuổi tại vùng ĐBSCL đang phải đối mặt có xu hướng di cư. Người trẻ di cư ra khỏi vùng ĐBSCL bởi với họ tham gia và sản xuất nông nghiệp không phải là cơ hội phát triển tốt, không hấp dẫn đối với họ và họ di cư gần đến TPHCM hơn, những địa bàn sản xuất công nghiệp để tìm kiếm cơ hội tốt hơn cho bản thân họ. Các bên chia sẻ họ có quan ngại rất lớn rằng trong tương lai khu vực ĐBSCL thiếu nguồn nhân lực do tình trạng di cư của người trẻ.

Phản ứng của cộng đồng địa phương đối với tình trạng này: Địa phương đã có những biện pháp thụ động và chủ động để ứng phó với tình hình. Có một số biện pháp thụ động để thích ứng với tình hình, thực tế những biện pháp này sẽ làm cho tình trạng xấu đi hơn nữa hoặc gây ra tác động đến cộng đồng xung quanh. Ví dụ: gia tăng khai thác nước ngầm để chống chọi với tình trạng xâm nhập mặn; lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu để tăng năng suất cây trồng trong ngắn hạn; xây dựng nhiều kè đập hơn nữa…đây là những biện pháp mang tính cá nhân của người dân địa phương và thiếu đi mức độ quản lý vĩ mô để có thể tạo ra biện pháp hợp lý.

Bên cạnh đó cũng có nhiều biện pháp thích ứng mang tính chủ động hơn, những biện pháp này sẽ khó hơn cho các cá nhân để thực hiện nhưng với sự hỗ trợ của chính quyền hay hỗ trợ ở cấp độ quản lý vĩ mô thì đây là hướng đi tốt trong tương lai. Ví dụ: tăng mô hình canh tác lúa tôm xuất khẩu hay giám sát chặt chẽ hơn điều kiện thời tiết, khí hậu để cung cấp số liệu cho cộng đồng địa phương, hỗ trợ từ cấp quản lý trong việc hoạch định mùa vụ và các phương pháp thâm canh để giải quyết tình hình.

Về chương trình thích ứng khí hậu và đồng quản lý, đó là mô hình về đồng quản lý bờ sông bờ kè tránh tình trạng sạt lở tại Cần Thơ. Qua trao đổi với các bên tại địa phương, họ cũng chia sẻ những khó khăn của địa phương họ là tình trạng chồng chéo về quản lý giữa các sở ban ngành ở cấp tỉnh; không có quy chuẩn xây dựng như nào cho rõ để các bên tham gia thầu biết để họ thực hiện; không có giải pháp xử lý thuận tự nhiên. Nên việc sử dụng ngân sách nhà nước để giải quyết tình trạng gặp nhiều thách thức, nhà thầu không biết làm như nào để bỏ thầu cho chính xác. Nhấn mạnh về tổng quan đó là vai trò của 04 bên tham gia vào mô hình này là chính quyền địa phương, các nhà khoa học, các cộng đồng địa phương, các nhà tài trợ và các tổ chức phi chính phủ. Họ đã cùng tham gia vào đây và mỗi bên đóng vai trò nhất định để làm thế nào xây dựng được một mô hình đồng quản lý và xác định được phương án, giải pháp thuận tự nhiên cho cộng đồng địa phương. Chắc chắn quá trình có sự tham gia của nhiều bên sẽ gặp nhiều khó khăn vì mỗi bên sẽ có những quan điểm khác nhau. Tuy nhiên qua quá trình lâu dài các bên cùng thảo luận để làm rõ vai trò, trách nhiệm và tìm ra tiếng nói chung thì các bên tham gia trong mô hình này đã tìm được giải pháp và thực hiện nó một cách hiệu quả.

Bài học rút ra từ mô hình đồng quản lý: (1) Mô hình này cho thấy có sự quan tâm và sự sẵn sàng của cộng đồng địa phương cũng như chính quyền địa phương tham gia vào đồng quản lý và giải quyết vấn đề về hạ tầng; (2) Phải có chiến lược truyền thông hướng đến sự huy động các bên liên quan chủ chốt rất quan trọng đặc biệt là cộng đồng địa phương và chính quyền địa phương; (3) Rà soát kế hoạch tổng thể về quy hoạch ở đô thị và nông thôn sẽ giúp giải pháp thuận với tình hình địa phương và môi trường tự nhiên hơn.

04 khuyến nghị trọng tâm: (1) Giúp cải thiện thể chế và cơ chế phối hợp ở cấp trung ương với cấp địa phương; (2) Tăng cường năng lực thích ứng tại địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long để phát triển chuỗi giá trị carbon thấp và có giá trị sản xuất cao. Giúp cho người dân địa phương, cộng đồng địa phương chuyển từ các biện pháp thích ứng mang tính chất bị động sang chủ động, như vậy họ hiểu vấn đề và về dài hạn họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc sử dụng nguồn lực của mình thay vì chỉ có những giải pháp mang tính ngắn hạn thì về sau chính bản thân họ hoặc những cộng đồng xung quanh phải chịu chính tác động của giải pháp mang tính ngắn hạn đó; (3) Tăng cường việc triển khai áp dụng các giải pháp đồng quản lý có tính chất thuận tự nhiên theo tình hình tại địa phương, đặc biệt về quản lý rừng ngập mặn bền vững hay quản lý tình trạng sạt lở đất để bảo tồn đa dạng sinh học; (4) USAID phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT có thể cùng tìm ra cơ hội, làm thế nào để tăng cường sự tham gia của phụ nữ các cộng đồng người dân tộc thiểu số hay các nhóm thiểu số vào trong giải pháp này, hành động này thông qua các hình thức như tập huấn, phát triển sinh kế, nâng cao vai trò lãnh đạo của họ vào trong các mô hình đồng quản lý, thông qua sáng kiến, ý tưởng về chính sách để cho sự tham gia của họ được ý nghĩa và hiệu quả hơn. Ông Sean Mulkerne nhấn mạnh rằng nên gặp họ ở chính địa bàn, môi trường mà họ cảm thấy thoải mái như trong chính nhà họ, cộng đồng họ như vậy họ sẽ cởi mở chia sẻ và họ thấy được tính lợi ích thiết thực của hỗ trợ hơn.

Ban quản lý dự án Lâm nghiệp ông Vũ Văn Hưng – Phó trưởng ban đánh giá cao kết quả nghiên cứu và cảm ơn bài chia sẻ của USAID Learns. Theo đó, xu hướng trong thời gian tới các nhà tài trợ sẽ xây dựng các dự án tổng hợp, rừng, nông nghiệp sẽ gắn kết các hoạt động hỗ trợ để đảm bảo phát huy tác dụng của các chương trình dự án. USAID đã có cách tiếp cận rất mới, ngoài việc quản lý rừng, cần hỗ trợ các địa phương các giải pháp để giảm phát thải carbon, phát thải metan trong nông nghiệp. Ngoài ra, các bài trình bày còn đưa ra mô hình về đồng quản lý các hệ sinh thái, nguồn nước, công trình hạ tầng…trong bối cảnh hiện nay để thực hiện được công việc cần vai trò của nhiều bên, sự vào cuộc của hệ thống chính trị của cấp trung ương đến địa phương và sự tham gia của cộng đồng địa phương.


Ông Vũ Văn Hưng - Phó trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp phát biểu

Thay mặt cho Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, ông Vũ Văn Hưng cảm ơn nhóm chuyên gia đã chia sẻ kết quả nghiên cứu của USAID Learns và đánh giá cao kết quả nghiên cứu này. Đây cũng là cơ sở khoa học để Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp xây dựng các dự án tiếp theo trong thời gian tới đảm bảo đúng theo định hướng, chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hy vọng trong thời gian tới phía Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp và USAID Learns tiếp tục có những hợp tác chặt chẽ để thực hiện những hoạt động về giảm nhẹ biến đổi khí hậu và các lĩnh vực liên quan.

Mai Dung

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn