Thứ sáu, 29/03/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC: Triển khai áp dụng và nâng cao năng lực cho các Khu bảo tồn về sử dụng phần mềm Wildlife Insights trong quản lý dữ liệu điều tra Đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh.

Thứ sáu, 17/02/2023 | 09:37 GMT+7

DALN Từ 08 đến ngày 09 tháng 02 năm 2023, tại Ninh Bình, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án VFBC) đã tổ chức khóa tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng Kiểm lâm và cán bộ của Vườn quốc gia Cúc Phương, tỉnh Ninh Bình về sử dụng phần mềm Wildlife Insights trong quản lý dữ liệu điều tra Đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh.

Các khu rừng ở Việt Nam có mức độ đa dạng sinh học cao, nhưng áp lực của hoạt động con người đã khiến các quần thể động vật hoang dã suy giảm trên diện rộng, một số loài hiện đang tiến tới nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án VFBC) đã và đang triển khai các hoạt động tại 21 Khu bảo tồn thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng và Vườn quốc gia Cát Tiên, Cúc Phương nhằm thúc đẩy các kế hoạch bảo tồn hài hòa giữa các cộng đồng địa phương, tăng cường quản lý rừng đặc dụng và phòng hộ, tăng cường chức năng của hệ thống thực thi pháp luật đối với tội phạm về rừng và động vật hoang dã và giảm nhu cầu địa phương đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã.

Một trong những hoạt động chính của Dự án là tiến hành các điều tra Đa dạng sinh học chuyên sâu tại các khu vực trọng điểm nhằm đánh giá sự thay đổi của các quần thể động vật hoang dã theo thời gian và giúp hiểu được tác động của Dự án đối với các loài mục tiêu. Để làm được điều này, Dự án sẽ thiết lập hệ thống điều tra Đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh tại 21 khu rừng phòng hộ và đặc dụng trọng điểm. Dữ liệu bẫy ảnh sẽ được sử dụng để đánh giá sự hiện diện của các loài mục tiêu tại các khu vực này và do đó liên kết trực tiếp với chỉ số (ID) “Sự hiện diện của các loài chim và thú chỉ thị được lựa chọn tại các Khu bảo tồn” trong Kế hoạch giám sát hoạt động. Bẫy ảnh là một phương pháp khảo sát không xâm lấn cho phép thu thập nhanh một lượng lớn dữ liệu về động vật hoang dã ở các vùng sâu vùng xa mà không tốn nhiều công sức. Sau khi thiết lập bẫy ảnh, chúng sẽ hoạt động mà không cần nhà nghiên cứu có mặt. Phương pháp này đã trở nên phổ biến trong việc giám sát các loài động vật hoang dã sống trên mặt đất và rất thích hợp để phát hiện các loài khó bắt gặp, bí ẩn hoặc quý hiếm. Để giám sát đa dạng sinh học, dự án cần một thiết kế khảo sát vừa khả thi vừa có thể lặp lại và không nhằm vào bất kỳ loài cụ thể nào, nhưng tối đa hóa cơ hội chụp được những bức ảnh đại diện về cộng đồng loài.




Lắp đặt bẫy ảnh tại Quảng Trị (Ảnh: Dự án VFBC)

Bẫy ảnh đặc biệt thích hợp để cung cấp một cái nhìn cân bằng về quần thể động vật có vú, vì bẫy ảnh chụp ảnh tất cả các loài động vật lớn hơn 500 gram di chuyển trước cảm biến của bẫy ảnh. Do đó, một bẫy ảnh tiêu chuẩn được thiết lập không chỉ có thể cung cấp thông tin về sự phân bố của một số đơn vị phân loại nhất định mà còn có thể cung cấp thông tin về các quần thể động vật hoang dã, chẳng hạn như sự phong phú của loài. Các cuộc điều tra lặp lại sẽ cho phép các nhà khoa học bảo tồn đánh giá xu hướng biến động theo thời gian và do đó cung cấp một chỉ số quan trọng cho các can thiệp bảo tồn và các quyết định quản lý. Cho tới nay, tại Viêt Nam việc áp dụng điều tra đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh mới chỉ triển khai thí điểm mang tính chất thử nghiệm để theo dõi, giám sát một loài cụ thể hoặc thực hiện theo mục tiêu của các Dự án hỗ trợ kỹ thuật bằng nguồn vốn ODA.

Đối với Dự án VFBC, hiện đã triển khai lắp đặt được 772 điểm với tổng số bẫy ảnh lắp đặt là 1.544 máy bằng phương pháp hệ thống mạng lưới với khoảng cách là 2,5kmx2,5km. Kết thúc quá trình điều tra thực địa bằng bẫy ảnh sẽ tạo ra một lượng lớn dữ liệu bằng hình ảnh thu được từ các điểm đặt bẫy ảnh, điều cần thiết là phải có một quy trình hợp lý để quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu thu được từ hiện trường.


Lưới hệ thống (2,5 km x 2,5 km) của các trạm bẫy ảnh




Hình ảnh một số loài thú được bẫy ảnh ghi lại tại VQG Vũ Quang.
Thời gian chụp được hiện thị ngay trên ảnh (Nguồn: VQG Vũ Quang)

Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học - Dự án VFBC sẽ sử dụng nền tảng Wildlife Insights để quản lý dữ liệu bẫy ảnh. Wildlife Insights là phần mềm sử dụng miễn phí, cho phép các bên liên quan thu thập và lưu trữ tất cả dữ liệu bẫy ảnh tại một đầu mối. Hơn nữa, Wildlife Insights sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo riêng biệt có thể giúp xác định loài và hình ảnh trống, do đó tiết kiệm thời gian khi định danh hình ảnh. Mục đích của quy trình thao tác chuẩn (SOP) này là phác thảo rõ ràng các bước cần thiết để thiết lập tài khoản Wildlife Insights và quản lý dữ liệu bẫy ảnh được tạo ra trong Dự án. Nội dung của khóa tập huấn được đánh giá cao, giúp cải thiện năng lực quản lý các thông tin bảo tồn của các vườn quốc gia và khu bảo tồn trong vùng dự án.

Trong thời gian tới, Dự án sẽ tiếp tục triển khai áp dụng và nâng cao năng lực cho các Khu bảo tồn còn lại trên địa bàn Dự án về sử dụng phần mềm Wildlife Insights trong quản lý dữ liệu điều tra Đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh.

Một số hình ảnh ghi nhận từ khóa tập huấn:

  

  

Nguyễn Đình Duy

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn