Thứ sáu, 19/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Đối thoại bàn tròn về hợp tác phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ sáu, 17/04/2015 | 00:00 GMT+7

DALN Ngày 09/4, tại TP. Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đại sứ quán CHLB Đức, Đại sứ quán Australia tổ chức đối thoại bàn tròn về hợp tác phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham gia đối thoại còn có đại diện các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Viện Khoa học Thủy lợi Việt nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế CHLB Đức (GIZ). Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, bà Annette Frick, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán CHLB Đức, bà Wendy Conway-Lamb, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia đồng chủ trì cuộc đối thoại.   

 

Toàn cảnh buổi đối thoại

 

Mục đích chính của cuộc đối thoại lần này giúp các bên cùng nhau chia sẻ thông tin, quan điểm, kinh nghiệm và kết quả dự kiến trong thúc đẩy triển khai hợp tác vùng ĐBSCL một cách hiệu quả, cũng như các cam kết của các tổ chức Quốc tế trong việc đóng góp giải quyết các thách thức cho vùng ĐBSCL liên quan các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu dưới phương thức tiếp cận liên vùng, địa phương.

 

Sự kiện đối thoại bàn tròn lần này là tiếp nối cho những kết quả của Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long năm 2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm cụ thể hóa sáng kiến phối hợp liên tỉnh vùng ĐBSCL tập trung vào cơ chế phối hợp, tìm ra cơ quan điều phối ở cấp cao và sự tham gia chặt chẽ của các tỉnh trong các hoạt động đầu tư.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Văn Thắng, ĐBSCL đang chịu áp lực rất lớn của biến đổi khí hậu, điều này rất bất lợi cho môi trường tự nhiên và sản xuất của người dân. Chính vì vậy, Chính phủ luôn tăng cường hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL. Những thách thức ở ĐBSCL không thể giải quyết được bởi từng tỉnh đơn lẻ vì vậy cần có sự phối hợp để có hướng tiếp cận thống nhất.

 

Ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xã hội thuộc Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, các hiện tượng tiêu cực của biến đổi khí hậu đang xảy ra ngày càng thường xuyên và diễn biến phức tạp hơn ảnh hưởng lớn đến sản xuất khai thác thủy hải sản, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp của người dân đe dọa tương lai của vùng ĐBSCL.

 

Để giải quyết được các vấn đề bất cập đó, theo các đại biểu tham gia, ngoài cải thiện năng lực thế chế và bổ sung nguồn lực tài chính, sự hợp tác tốt hơn sẽ là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội, ứng phó có hiệu quả các tác động của biến đổi khí hậu và sự thay đổi của môi trường. Cách tiếp cận phù hợp nhất đối với các thách thức ở ĐBSCL là một chiến lược tổng hợp có xem xét đến sự phối hợp liên tỉnh, liên ngành, các đối tác phát triển cũng như các bên liên quan với nhau ngày càng tốt hơn. Điều này sẽ giúp cụ thể hóa được sáng kiến cơ chế phối hợp liên vùng đang được xây dựng cho vùng ĐBSCL nhằm huy động nguồn lực tối đa của các tỉnh giải quyết các vấn đề nổi cộm hiện nay về phát triển kinh tế và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc đưa được cơ chế này vào hoạt động đồng nghĩa với việc đưa tất cả các tỉnh ĐBSCL cùng nhau vào cuộc giải quyết các vấn đề chung mang lại lợi ích cho toàn vùng.

 

Cũng trong buổi đối thoại, các đại biểu thống nhất cần tổ chức định kỳ các cuộc đối thoại bàn tròn, diễn đàn với sự tham gia của nhiều thành phần tham gia và thành phần tham gia sẽ là đầu mối chính cho các hoạt động phối hợp; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu chung để phối hợp và chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức các vấn đề có liên quan tới việc hợp tác toàn vùng thông qua các phương pháp truyền thông; Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đóng vai trò định hướng, chỉ đạo thực hiện việc rà soát các nội dung có liên quan tới việc phối hợp phát triển vùng ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững gắn với biến đổi khí hậu.

 

Hiện nay, nhiều nhà tài trợ, đối tác phát triển trong và ngoài nước cùng các cơ quan Chính phủ Việt Nam đã tăng cường các nỗ lực của mình tại ĐBSCL. Vì vậy, việc xây dựng một mô hình hoạch định kế hoạch và thực hiện các biện pháp nhằm đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở phối hợp chặt chẽ các đối tác liên quan tiếp tục được đặt ra như một vấn đề thiết yếu. Cơ chế này là những giải pháp đồng bộ với sự tham gia tích cực của các bên liên quan bao gồm các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu và người dân bằng sự trao đổi và chia sẻ thông tin, sự cam kết và chương trình hành động của các bên liên quan cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Minh Trung - CTV

 

 

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn