Thứ bảy, 20/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Tìm giải pháp kiểm soát sạt lở vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 09/06/2015 | 00:00 GMT+7

DALN Trong hai ngày 6 - 7/6, tại tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức GIZ (Tổ chức Hợp tác kỹ thuật CHLB Đức) và Cục Phòng chống thiên tai tổ chức hội thảo “Kiểm soát sạt lở Đồng bằng sông Cửu Long - thách thức và giải pháp”. Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, ông Nguyễn Quốc Việt-Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng nhiều lãnh đạo UBND các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các Bộ, ngành Trung ương có liên quan và đại diện của nhiều nhà tài trợ Quốc tế (ADF, JICA, WINROCK).   

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Hoàng Nam)

 

Những thách thức đến từ sạt lở bờ biển

Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố chiếm 12% diện tích tự nhiên của cả nước với 17 triệu dân sinh sống là khu vực canh tác nông nghiệp quan trọng có ý nghĩa đặc biệt trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước. Với hệ thống sông, kênh dày đặc và trên 700 km bờ biển, cùng điều kiện về khí hậu, địa hình, thủy hải văn và nhất là tác động của biến đổi khí hậu trong thời gian qua đã làm cho tình hình sạt lở diễn ra hết sức phức tạp có nguy cơ gia tăng cả về phạm vi và quy mô ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định dân sinh, các công trình đê điều, phòng chống thiên tai và cơ sở hạ tầng trong khu vực.

 

Ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, tình trạng sạt lở đang diễn biến với xu thế gia tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, riêng khu vực ĐBSCL những năm gần đây, mỗi năm sạt lở đã làm biến mất đến 500 ha đất của toàn vùng với tốc độ sạt lở dọc theo bờ biển lên đến 30 - 50 mét/năm.

 

Sạt lở bờ sông Tiền và sông Hậu xảy ra nghiêm trọng vào đầu và cuối mùa lũ tại các khu vực điểm nóng như: Thị trấn Tân Châu (An Giang); Thị xã Sa Đéc, Thị trấn Hồng Ngự; xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Đồng Tháp); Thành phố Vĩnh Long (Vĩnh Long); khu vực Châu Đốc, Thành phố Long Xuyên (Long An) với quy mô sạt lở từ vài trăm mét đến vài kilomet. Thậm chí, quá trình sạt lở còn diễn ra trong cả mùa kiệt, và không chỉ xảy ra trên các sông chính mà ngay cả các kênh rạch lớn như kênh Xáng Xà No (Cần Thơ, Hậu Giang); kênh Vĩnh Tế (An Giang)…

 

Tình trạng sạt lở bờ biển cũng diễn ra phức tạp, theo số liệu mới nhất được tổng hợp từ các địa phương thuộc ĐBSCL của Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) khu vực này có 20 điểm sạt lở bờ biển với tổng chiều dài lên đến 200 km, chiếm khoảng một phần tư tổng chiều dài bờ biển của vùng, trong đó, đặc biệt một số địa phương có tốc độ xói lở mạnh thuộc dải ven biển Đông như Tân Hiệp (Gò Công Đông, Tiền Giang); Hiệp Thạnh, Đông Hải (Duyên Hải, Trà Vinh) (50m/năm); Gành Hào (Bạc Liêu) (100m/năm).

 

Theo ông Tăng Quốc Chính, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai thuộc Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở nghiêm trọng trên là do địa chất khu vực ĐBSCL được cấu tạo từ các dạng trầm tích phù sa rất dễ bị xói lở dưới tác động của dòng chảy và sóng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng không nhỏ góp phần làm tăng nguy cơ sạt lở các bờ sông, bờ biển. Ông Chính cũng nhấn mạnh đến các nguyên nhân do tác động của con người như chặt phá rừng, khai thác tài nguyên, xây dựng các hồ, đập thủy điện vùng đầu nguồn, khai thác cát, sỏi lòng sông và phát triển các hoạt động dân sinh vùng ven sông, ven biển không theo quy hoạch…

 

Cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng trên, các đại biểu đề nghị các cơ quan có liên quan cần nhanh chóng có những hành động cụ thể, đồng bộ để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng sạt lở xảy ra cho khu vực ĐBSCL. Trước mắt, các tỉnh khu vực này cần tiếp tục thực hiện các giải pháp xây đê chắn sóng, kè hộ bờ, gây bồi bằng các công trình đê mềm, rào chắn chữ T, công trình bán kiên cố sử dụng các loại vật liệu tại chỗ thân thiện với môi trường. Đối với các khu vực không thể gây bồi, trồng rừng được thay thế bằng các giải pháp công trình cứng khác như kè bê tông phá sóng, kè mỏ hàn, kè bảo vệ sát bờ…

 

Về giải pháp lâu dài, hội thảo xác định, bảo vệ, ổn định bờ biển là vấn đề cốt lõi trong quy hoạch hệ thống đê biển, trong đó củng cố và phát triển dải rừng ngập mặn chắn sóng được xem là yếu tố quan trọng có vai trò quyết định. Các tỉnh phải coi phát triển rừng ngập mặn là giải pháp ưu tiên, sử dụng rừng ngập mặn để bảo vệ bờ biển, bảo tồn sinh thái và môi trường. Ngoài ra, để khắc phục và phòng chống tình trạng xói lở tại ĐBSCL hiện nay, các tỉnh, thành ĐBSCL cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các quy định về thể chế, chính sách phòng chống xói lở; giải pháp phòng chống hiệu quả và bền vững nhưng tiết kiệm kinh phí cho ngân sách Nhà nước.

 

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, bờ biển khu vực ĐBSCL với diễn biến xói bồi phức tạp và chịu ảnh hưởng của nhiều tác động tự nhiên khác nhau, đòi hỏi mỗi tỉnh phải nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp bảo vệ bờ biển phù hợp. Việc phòng chống xói lở phải được nhìn nhận trên phương diện vùng và thực hiện tổng hợp các giải pháp, trong đó có chú trọng đến đảm bảo sinh kế cho người dân.

Minh Trung - CTV

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn