Thứ ba, 16/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Đồng bằng sông Cửu Long đối diện nguy cơ sạt lở đầu mùa lũ

Thứ tư, 17/06/2015 | 00:00 GMT+7

DALN Với hệ thống sông, kênh rạch dày đặc và trên 700km bờ biển dưới tác động thủy triều và gió đặc biệt là tác động của biến đổi khí hậu, trong thời gian qua, tình hình sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra hết sức phức tạp đang trở thành mối nguy lớn nhất tới tính mạng và tài sản, ổn định sản xuất của người dân địa phương các tỉnh khu vực này.   

 

 

Một đoạn sạt lở nghiêm trọng tại khóm Bình Đức 3, phường Bình Đức (TP Long Xuyên - An Giang) Ảnh: Báo NLĐ

 

Thường trực nguy cơ sạt lở

ĐBSCL có hai sông chính là sông Tiền và sông Hậu, ngoài ra còn có các sông Vàm Cỏ, sông Sài Gòn,… và nhiều sông, kênh rạch nhỏ. Theo báo cáo của Cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), trong phạm vi cả nước hiện có trên 737 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 1.257 km thì chỉ riêng ĐBSCL đã có 265 điểm với chiều dài trên 450km. Do địa chất, địa hình bãi bờ bồi tích mềm yếu nên vào cao điểm mùa lũ, vùng này luôn trong tình trạng báo động đỏ về sạt lở.

 

Diễn biến sạt lở bờ sông, kênh, rạch ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là các kênh, rạch chảy qua các khu vực đông dân cư, có mật độ giao thông thủy lớn. Từ báo cáo về tình hình sạt lở của các tỉnh ĐBSCL, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam đã sơ bộ thống kê được 393 khu vực có phạm vi và tốc độ sạt lở nghiêm trọng trên các bờ sông, kênh, rạch chính chưa kể các điểm khác và kênh, rạch nội đồng. Hầu hết các kênh, rạch khu vực này đều bị sạt lở đã mở rộng ra gấp 2 - 3 lần chiều rộng thiết kế gây thiệt hại không nhỏ về đất đai, nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân, các công trình công cộng xây dựng hai bên bờ sông, kênh rạch.

 

Cục Phòng chống thiên tai cảnh báo, nhiều khu vực thuộc địa phận các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, An Giang và một phần tỉnh Kiên Giang tiếp tục đối diện thường xuyên với nguy cơ sạt lở do nước trên hệ thống các sông dâng cao trong mùa lũ với đỉnh lũ vào cuối tháng 9 đầu tháng 10. Đặc biệt sau nhiều tháng ngập sâu trong lũ tới 3 - 4 m, khi lũ xuống quy mô sạt lở có thể lớn hơn với chiều dài từ vài trăm mét đến vài kilomet.

 

Nhiều khó khăn trong phòng chống

Nhận thức được mối nguy hiểm trên, cùng với hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh ĐBSCL đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhiều hệ thống tuyến đê biển, đê cửa sông với quy mô khác nhau, bước đầu đảm bảo an toàn, ổn định sản xuất cho người dân.

 

Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, nên việc đầu tư của các tỉnh thiếu đồng bộ, những nơi đê đi qua vùng địa chất mềm yếu chưa được xử lý trước khi đắp, dẫn đến lún sụt, hạ thấp. Tuy nhiều vùng nằm trong diện báo động đỏ về sạt lở nhưng việc đầu tư tu sửa, bảo dưỡng cho toàn bộ các tuyến đê hoàn tất trước mùa lũ là điều không thể do các tỉnh luôn trong tình trạng thiếu vốn, việc đầu tư gia cố, bảo dưỡng chỉ được thực hiện trên các tuyến đê xung yếu. Vì vậy, nhiều địa phương lâm vào cảnh bảo vệ được chỗ này, sạt lở lại diễn ra những chỗ khác, việc phòng tránh chỉ như “chữa cháy”.

 

Trong hội thảo “Kiểm soát sạt lở vùng ĐBSCL - thực trạng và giải pháp” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức mới đây tại tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ ra một số khó khăn mà ĐBSCL phải đối mặt trong việc phòng chống sạt lở khi mùa lũ tới như: Công tác quản lý của các cấp, các ngành đối với các hoạt động khai thác cát sỏi lòng sông, chất chứa vật liệu ở bờ sông, hoạt động của các phương tiện thủy còn hạn chế; việc rà soát quy hoạch sắp xếp lại dân cư và quy hoạch phát triển kinh tế vùng ven sông còn chưa được thực hiện thường xuyên; chưa có chính sách hợp lý về tài chính để huy động các nguồn lực để quản lý và xử lý sạt lở bờ sông.

 

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang cho biết, với nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế, trong năm qua, tỉnh đã có nhiều dự án điều tra khảo sát điều kiện tự nhiên đánh giá các vấn đề liên quan đến sạt lở trên các tuyến sông, kênh chính để có thể cảnh báo nguy cơ sạt lở bờ sông, hướng dẫn các biện pháp phòng chống, khắc phục khẩn cấp khi có sự cố sạt lở. Nhưng do kinh phí eo hẹp vẫn chưa có khả năng chủ động trong việc kiểm soát, cảnh báo sạt lở và hỗ trợ tái định cư di dời người dân ở khu vực xung yếu đến nơi an toàn.

 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, Bộ NN&PTNT đang tiếp tục kêu gọi các nguồn tài chính từ cộng đồng quốc tế, Chính phủ và khu vực tư nhân giải quyết các vấn đề liên quan đến kiểm soát sạt lở bờ sông, bờ biển cho khu vực ĐBSCL. Hiện tại, để có thể đứng vững trước mùa lũ năm nay,  các tỉnh cần rà soát lại quy hoạch các tuyến đê sông, lựa chọn các biện pháp bảo vệ thích hợp, đặc biệt chú ý đến ứng dụng khoa học khoa học công nghệ, vật liệu mới tại chỗ để xử lý sạt lở bờ sông theo hướng thân thiện với môi trường, giảm giá thành đầu tư vào công trình. Đồng thời tăng cường tuyên truyền cộng đồng trong công tác phòng chống sạt lở ven bờ để người dân có ý thức bảo vệ khai thác hệ thống kênh, rạch một cách hợp lý giúp việc phòng, chống sạt lở mang lại hiệu quả cao nhất.

Minh Trung - CTV

 

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn