Thứ sáu, 26/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ tư, 27/05/2015 | 00:00 GMT+7

DALN Nhằm khẳng định tầm quan trọng về giá trị, vai trò của đa dạng sinh học (ÐDSH) và bảo tồn ÐDSH đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời kêu gọi cộng đồng cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn ÐDSH, Ngày quốc tế ÐDSH năm nay (22-5), được Liên Hợp Quốc lấy chủ đề "Ða dạng sinh học cho phát triển bền vững".   

 

 

Ðộng vật hoang dã (ÐVHD), là một phần quan trọng tạo nên sự ÐDSH và giữ vai trò quan trọng trong tự nhiên. Tuy nhiên, hiện nay ÐVHD đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa tuyệt chủng do nhiều nguyên nhân như tình trạng khai thác quá mức, suy giảm môi trường sống, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, sự xâm hại của loài ngoại lai, cháy rừng, nhất là tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép ÐVHD ngày một gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia có ÐDSH cao trên thế giới, với nhiều kiểu sinh thái tự nhiên và là nơi sinh sống của các loài ÐVHD nguy cấp, quý hiếm. Vì vậy, thời gian qua Chính phủ Việt Nam nhìn nhận tầm quan trọng của công tác bảo tồn ÐDSH và ÐVHD không chỉ trong lĩnh vực môi trường, mà trong cả lĩnh vực kinh tế, y tế và xã hội. Mặc dù, đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo vệ ÐVHD, nước ta vẫn đang phải đối diện với nạn khai thác và tiêu thụ ÐVHD bất hợp pháp và không bền vững. Ðiều này đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng và gây ra mối đe dọa lớn đối với ÐDSH của Việt Nam. Kết quả thống kê của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy: Từ năm 2010 đến năm 2014, lực lượng kiểm lâm trên cả nước phát hiện và xử lý vi phạm về quản lý ÐVHD là 3.823 vụ, tịch thu hơn 58 nghìn cá thể ÐVHD, trong đó có hơn ba nghìn cá thể thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Ðáng lo ngại, trong số hơn 48 nghìn loài động vật, thực vật ghi nhận của Việt Nam, có 882 loài (chiếm gần 2%) đang bị đe dọa ở nhiều cấp độ. Ðiển hình như, quần thể hổ tự nhiên của Việt Nam chỉ còn khoảng 30 cá thể và chưa đến 100 cá thể voi hoang dã, đang sinh sống trên lãnh thổ nước ta...

 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác, buôn bán, tiêu thụ ÐVHD ở nước ta ngày càng gia tăng thời gian qua, là do dân số tăng kéo theo áp lực khai thác, tiêu dùng ÐVHD làm thực phẩm và làm thuốc. Việt Nam được coi là điểm nóng về trung chuyển, buôn lậu ÐVHD qua biên giới. Việc xử lý vi phạm về buôn bán, tiêu thụ ÐVHD trái phép còn chưa nghiêm, chủ yếu vẫn là xử phạt hành chính, mức xử phạt còn nhẹ. Nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên ÐDSH của người dân chưa cao; công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức và pháp luật về bảo vệ ÐVHD chưa được quan tâm đúng mức...

 

Ðể từng bước giảm thiểu, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái phép ÐVHD ở Việt Nam, các chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng: Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp... cần tăng cường phối hợp để giải quyết hiệu quả và đồng bộ ba vấn đề chính của nạn buôn bán trái phép ÐVHD là săn bắn, buôn bán và giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và bảo vệ các loài ÐVHD, để từng bước xóa bỏ các lỗ hổng, sự chồng chéo và bất cập trong việc phân công trách nhiệm đối với các cơ quan chức năng trong lĩnh vực này. Tiến tới nghiêm cấm việc gây nuôi thương mại các loài ÐVHD nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thuộc Phụ lục I của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật nguy cấp (CITES). Có chính sách ưu đãi cho các chủ cơ sở bảo tồn ÐDSH, khi tham gia vào chương trình tái thả loài ÐVHD về với môi trường tự nhiên. Ðẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật về bảo vệ ÐVHD tới cộng đồng; đồng thời công khai, minh bạch thông tin về các vụ vi phạm và đối tượng vi phạm trong các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ÐVHD, trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân được biết... Ðây được coi là những hành động thiết thực trong việc thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam, đối với các Công ước quốc tế đã ký kết về bảo tồn ÐDSH như Công ước về ÐDSH; Công ước CITES... mà Việt Nam là một bên tham gia.

 

Nguồn: Báo Nhân Dân

Mai Dung - CTV

 

 

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn