Thứ bảy, 20/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Thanh Hóa triển khai kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh

Thứ ba, 23/08/2016 | 00:00 GMT+7

DALN Đầu tháng 8 vừa qua, tại TP. Thanh Hóa, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Lễ công bố Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Kế hoạch phát triển tre luồng và Kế hoạch hành động REDD+.   

 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp và khốc liệt, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống và môi trường sinh thái, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu cho các ngành nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ động và tích cực phối hợp với Dự án Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) xây dựng các Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển tre luồng và hành động REDD+. Các Kế hoạch này đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đầu tháng 8 vừa qua, tại TP. Thanh Hóa, UBND tỉnh đã tổ chức thành công Lễ công bố các kế hoạch này.

 

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa trao bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

cho các cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng các kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh

 

Theo đó, với quan điểm tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh sẽ giúp tỉnh Thanh Hóa thực hiện có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, trọng tâm là phát triển các ngành kinh tế xanh, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên hướng đến nền kinh tế Cacbon thấp, làm giàu vốn rừng tự nhiên, giảm phát thải và tăng cường khả năng hấp thụ khí nhà kính phù hợp với nguồn lực và tình hình thực tế của địa phương; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cảnh quan môi trường và chất lượng cuộc sống nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

 

Để thực hiện, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung vào các hoạt động chủ yếu đó là: Hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực; giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hình thành lối sống xanh, sản xuất sạch hơn bằng các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, thúc đẩy tiêu dùng bền vững; đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sử dụng tiết kiệm tài nguyên; giảm phát thải khí nhà kính thông qua trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng và phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

 

Hiện tỉnh Thanh Hóa có nguồn trữ lượng tre luồng lớn nhất cả nước với diện tích trồng lên đến hơn 152.000 ha. Tuy nhiên, ngành công nghiệp sản xuất chế biến tre luồng chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, đơn giản chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của tỉnh, bên cạnh đó chất lượng rừng tre luồng ngày càng xuống cấp khiến cho thu nhập của người dân trồng luồng hiện nay rất thấp.

 

Theo TS.Nguyễn Song Hoan - Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Phát triển tre luồng tỉnh Thanh Hóa, để nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, đưa tre luồng trở thành cây xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, cạnh tranh được với các sản phẩm của các nước trong khu vực thì việc xây dựng Kế hoạch chiến lược phát triển tre luồng Thanh Hóa là rất cần thiết.

 

Theo Kế hoạch được công bố, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển và quản lý bền vững rừng tre luồng, đẩy mạnh sản xuất chế biến công nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho ngành tre luồng và đời sống người dân vùng trồng tre luồng của tỉnh. Đạt mục tiêu đến năm 2020 đưa Thanh Hóa trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển tre luồng với diện tích gần 30.000 ha, sản lượng đạt 1 triệu tấn/ năm, tạo công ăn việc làm cho 4000 lao động trong lĩnh vực chế biến, 6000 lao động trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ và tăng gấp đôi thu nhập so với hiện nay.

 

Nhằm  tiếp cận nguồn tài chính từ Cacbon rừng, bổ sung vào ngân sách bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Thanh Hóa cùng với tỉnh thành khác trên toàn quốc đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh (PRAP). Việc xây dựng Kế hoạch PRAP của tỉnh Thanh Hóa là đầu vào cho Chương trình giảm phát thải tại vùng Bắc Trung bộ. Đây là một Chương trình do Ngân hàng Thế giới tài trợ để thí điểm chi trả dựa vào kết quả thực hiện các biện pháp giảm phát thải từ mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng Cacbon rừng, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng Cacbon rừng. Thông qua Kế hoạch PRAP, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, giảm 30% lượng phát thải khí nhà kính (tương đương giảm 2.000 ha rừng bị mất, 3.850 ha rừng bị suy thoái) và nâng cao trữ lượng Cacbon rừng hàng năm đạt 2.6 triệu tấn CO2.

 

Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, các Kế hoạch hành động được tỉnh xây dựng và phê duyệt nhằm mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng xanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Chính phủ. Việc công bố các Kế hoạch hành động này có ý nghĩa quan trọng nhằm thông báo rộng rãi cho các bên liên quan, đồng thời kêu gọi thu hút các nguồn đầu tư, tăng cường hợp tác quốc tế vào các dự án xanh để đưa các Kế hoạch này vào thực hiện trên thực tiễn.

 

Ông Craig Hart - Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam cho rằng, việc xây dựng và thực hiện thành công các kế hoạch này sẽ là nền tảng vững chắc cho Thanh Hóa đạt được các mục tiêu quan trọng: Phát triển kinh tế, giảm lượng khí thải carbon và bảo vệ môi trường. Biến đổi khí hậu là một trong những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam. USAID thông qua Dự án Rừng và Đồng bằng sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ cho tỉnh Thanh Hóa và liên kết với những đối tác khác giúp Thanh Hóa thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, phấn đấu đến năm 2030, Thanh Hóa sẽ là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước thực hiện thành công các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường trong khuôn khổ Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Thu Trang - CTV

 

 

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn