Thứ năm, 25/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC: Hội thảo kỹ thuật về quản lý hợp tác và tuần tra rừng dựa vào cộng đồng tại các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ

Thứ năm, 23/12/2021 | 16:02 GMT+7

DALN Ngày 22/12/2021, Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC)” (Dự án VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ phối hợp với WWF-Việt Nam tổ chức Hội thảo kỹ thuật “Quản lý rừng hợp tác và tuần tra rừng dựa vào cộng đồng” với sự tham gia của gần 200 đại biểu thông qua hình thức trực tuyến, kết nối với các điểm cầu ở các tỉnh tham gia dự án.

Các đại biểu tham dự hội thảo có đại diện của Ban quản lý dự án VFBC trung ương - Ban quản lý các dự án lâm nghiệp, Ban quản lý dự án VFBC tại các tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm và các Ban quản lý Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, Vườn quốc gia Cúc Phương và Cát Tiên.

Trong những năm qua, mô hình quản lý rừng hợp tác và tuần tra rừng cộng đồng đã được một số Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam áp dụng và đã phần nào chứng tỏ hiệu quả, đặc biệt trong việc huy động sự tham gia của cộng đồng vào việc bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ.

Năm 2021, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Dự án VFBC đã tiến hành một nghiên cứu, đánh giá sâu về cấu trúc, cách vận hành của các mô hình quản lý rừng hợp tác và tuần tra rừng dựa vào cộng đồng tại 5 vùng rừng đặc dụng không thuộc phạm vi triển khai Hợp phần, bao gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Vượn Cao Vít, Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên và Vườn Quốc Gia Pù Mát. Kết quả đánh giá cho thấy việc áp dụng các mô hình này có sự khác biệt phụ thuộc vào mục tiêu, bối cảnh, cơ chế vận hành, mức độ đồng thuận của chính quyền và cộng đồng địa phương tại mỗi khu vực. Tuy nhiên có một điểm chung đó là sự tham gia của cộng đồng trong việc tuần tra, bảo vệ rừng đóng vai trò hết sức quan trọng và thực sự đem lại hiệu quả.

Mục đích của Hội thảo này nhằm tổng kết những chia sẻ kết quả nghiên cứu và thảo luận để thống nhất cách hiểu chung về quản lý rừng hợp tác và tuần tra rừng cộng đồng. Tại hội thảo này, các đại biểu trình bày kết quả thảo luận của từng tỉnh và tiến hành thảo luận nhằm đưa ra tiến trình phù hợp để áp dụng những mô hình này tại địa phương.

Hầu hết các đại diện của các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn đều cho rằng việc áp dụng các mô hình quản lý và tuần tra rừng có sự tham gia của cộng đồng là khả thi, tuy nhiên vẫn còn có những khó khăn liên quan tới tài chính, khung pháp lý, cũng như các khó khăn nảy sinh do điều kiện thực tế.

Trong thời gian tiếp theo, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học – Dự án VFBC sẽ tiếp tục phối hợp với các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên trong vùng triển khai để hỗ trợ việc tổ chức và vận hành mô hình quản lý rừng hợp tác và tuần tra rừng cộng đồng một cách hiệu quả nhất. 

Một số hình ảnh tại Hội thảo:












Nguyễn Mai Hạnh-Lê Thị Thủy

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn