Thứ ba, 16/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC: Kết nối du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế

Thứ hai, 13/02/2023 | 08:59 GMT+7

DALN Ngày 10.2.2023, BQL dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án VFBC) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND huyện Nam Đông, Helvetas Việt Nam và Hội du lịch cộng đồng Việt Nam tổ chức Tọa đàm trao đổi chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng và kết nối du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chủ trì buổi tọa đàm là ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phạm Bá Hùng – Giám đốc trường Cao đẳng Du lịch Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Lê Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông và ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam.

Sự kiện thuộc nhóm hoạt động tăng nguồn thu, hướng tới tài chính bền vững và tạo cơ hội việc làm từ du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thân thiện với bảo tồn cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, nâng cao hiệu quả của công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn thực hiện Dự án VFBC do Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.

Tham gia buổi tọa đàm có đại diện từ Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế, Hội Lữ hành Thừa Thiên Huế, Hội Du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế, Trường Cao đẳng du lịch Huế, đại diện một số công ty du lịch trên địa bàn Thừa Thiên Huế, và cộng đồng người dân của Bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, làng du lịch cộng đồng xã A Roàng và làng du lịch cộng đồng Anôr, xã Hồng Kim của huyện A Lưới – là các cộng đồng đang được dự án VFBC hỗ trợ thực hiện mô hình.

Du lịch cộng đồng là một mô hình phát triển du lịch, trong đó cộng đồng dân cư là người cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch. Cộng đồng dân cư cũng chính là người có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch và họ được chia sẻ các nguồn lợi kinh tế do phát triển du lịch tạo ra. Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra thêm công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư bản địa, góp phần cho việc xóa đói giảm nghèo của địa phương.


Đại biểu của Tọa đàm tham gia trải nghiệm tại Bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Sơn

Thừa Thiên Huế hiện có nhiều điểm rất có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng do các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên nhiều mô hình du lịch cộng đồng chưa thể phát huy hết thế mạnh do cộng đồng thiếu kỹ năng du lịch, chưa có sự kết nối hiệu quả với các doanh nghiệp lữ hành cũng như tận dụng được các giá trị bản địa độc đáo của địa phương. Nhiều mô hình tự phát và không bền vững do cộng đồng chưa thực sự hiểu rõ bản chất của du lịch cộng đồng, chưa có sản phẩm cốt lõi để thu hút khách lâu dài và còn làm du lịch cộng đồng theo phong trào.


Du lịch cộng đồng bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông


Du khách yêu thích các sản phẩm thủ công truyền thống của người dân tộc thiểu số
(Du lịch cộng đồng bản Dỗi – Nam Sơn)


Ông Nguyễn Hữu Huy – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm,
Phó Giám đốc Dự án VFBC tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc Tọa đàm

Ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết trong thời gian qua, để thúc đẩy việc phát triển du lịch tại cộng đồng tại địa phương, hàng năm chính quyền tỉnh đã hợp tác với trường Cao đẳng du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức tập huấn kỹ năng cho cộng đồng địa phương làm du lịch cộng đồng, tổ chức các chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và cộng đồng thông qua hoạt động tham quan và khảo sát. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ truyền thông cho các cộng đồng thông qua hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều nguyên nhân, du lịch cộng đồng vẫn chưa thực sự hấp dẫn và đem lại nguồn lợi xứng đáng với tiềm năng. Do đó, tại tọa đàm này đề nghị các bên liên quan trao đổi các giải pháp để khắc phục tình trạng này, đưa du lịch cộng đồng của Thừa Thiên Huế phát triển bền vững, có bản sắc riêng. Ông cũng cho biết Thừa Thiên Huế ủng hộ quyết tâm của dự án VFBC trong việc hoàn thiện 3 mô hình du lịch cộng đồng:Bản Dỗi, huyện Nam Đông, A Roàng và Anôr, huyện A Lưới.


Chủ trì buổi tọa đàm là ông Nguyễn Văn Phúc – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế (thứ hai bên phải),
ông Phạm Bá Hùng – Giám đốc trường Cao đẳng Du lịch Thừa Thiên Huế (đầu tiên bên trái), Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Lê Thanh Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông (thứ hai bên trái) và ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (thứ nhất bên phải)


Trình bày trong Tọa đàm, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã chia sẻ những nguyên tắc và tiêu chuẩn về phát triển cộng đồng. Việc Bộ Khoa học và Công nghệ công bố Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng – Yêu cầu về chất lượng dịch vụ (TCVN 13259:2020) tại Quyết định 3941/QĐ-BKHCN ngày 31 tháng 12 năm 2020 là một cột mốc quan trọng trong việc thực hiện hoạt động du lịch cộng đồng ở Việt Nam, từ đó nâng cao và nhất quán yêu cầu chất lượng của hoạt động du lịch cộng đồng trên cả nước. Ngoài các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao kỹ năng cần thiết cho du lịch cộng đồng, Dự án VFBC đã và đang hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện quy chế hoạt động cho các hợp tác xã du lịch cộng đồng tại Bản Dỗi, A Roàng và Anôr.

Tại buổi Tọa đàm, hầu hết các đại biểu đều khẳng định tầm quan trọng của doanh nghiệp lữ hành trong việc kết nối sản phẩm du lịch của người dân địa phương với khách hàng. Đại điện các doanh nghiệp lữ hành cũng thể hiện mong muốn được mở rộng và kết nối các điểm du lịch tại Nam Đông nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung. Ngay tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã đưa ra rất nhiều ý kiến đóng góp hữu ích cho chính quyền cũng như các cộng đồng địa phương để tiếp cận gần hơn với nhu cầu của các nhóm khách hàng tiềm năng của du lịch cộng đồng. Một số công ty cũng thống nhất sẽ hỗ trợ quảng bá sản phẩm cho các cộng đồng nếu cộng đồng cải thiện dịch vụ, tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, có chính sách giá cả phù hợp cho đơn vị lữ hành, và đáp ứng được các nhu cầu cơ bản của khách hàng.


Ông Nguyễn Quang Hào – Chủ tịch Hiệp hội du lịch cộng đồng Thừa Thiên Huế (ảnh trái)
và ông Trần Thanh Tú – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội du lịch - Phó Chủ tịch Thường trực Hội lữ hành Thừa Thiên Huế phát biểu tại Tọa đàm (ảnh phải)


Ông Phạm Bá Hùng-Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế cho biết Hiệp hội sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng địa phương để tìm ra phương án tối ưu cho cả doanh nghiệp và người dân, mục tiêu là đảm bảo tính bền vững, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả, cần phải xác định rõ vai trò và sự phối hợp giữa các bên liên quan.


Đại diện một số doanh nghiệp đã có những đóng góp hữu ích cho Tọa đàm nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút khách lữ hành. Từ bên trái sang, ông Nguyễn Đình Thành –Công ty cổ phần du lịch Đại Bàng, bà Lê Thị Kim Hằng – Công ty Cổ phần đầu tư và dịch vụ YesHue Eco, bà Nguyễn Thị Thanh Hoa – Công ty TNHH TM & DV Tân Hồng

Về phía chính quyền địa phương, ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông ghi nhận sự tham dự của các bên cũng như sự hỗ trợ của dự án VFBC và tổ chức Helvetas. Chính quyền huyện đang có một số định hướng để thúc đẩy các giá trị văn hóa truyền thống của huyện như xây dựng Đề án bảo tồn văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Huyện cam kết sẽ hỗ trợ đầu tư các hạng mục phù hợp và có những điều chỉnh để nâng cao chất lượng phục vụ của Bản Dỗi. Vì thế huyện cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các bên liên quan và đề nghị dự án VFBC tiếp tục tư vấn cho huyện để phát triển mô hình tại Bản Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông.

Tham luận tại Tọa đàm, ông Hồ Văn Minh – Chủ tịch UBND xã Hồng Kim cho biết, sau khi thành lập hợp tác xã du lịch, hoạt động du lịch cộng đồng của làng DLCĐ Anôr được triển khai hiệu quả hơn giúp người dân địa phương giảm nghèo bền vững, thu nhập tăng 70%. Xã tiếp tục mong muốn nhận được hỗ trợ của dự án VFBC trong việc nâng cao kỹ năng truyền thông, quảng bá sản phẩm và hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp cũng như hoàn thiện quy chế tổ chức của hợp tác xã trong thời gian sắp tới.

Khi thực hiện hỗ trợ cộng đồng xây dựng mô hình du lich, Helvetas chú trọng các hoạt động kết nối cộng đồng với các hiệp hội, doanh nghiệp lữ hành, Sở du lịch & cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để đảm bảo du lịch cộng đồng phát triển đúng hướng và bền vững.

Liên quan đến tính bền vững của cộng đồng, bà Nguyễn Tú Anh, chánh văn phòng Helvetas nhấn mạnh “Mấu chốt vấn đề là chia sẻ lợi nhuận hợp lý giữa cộng đồng với nhau, giữa cộng đồng với doanh nghiệp dựa trên quy chế được các bên thống nhất & tôn trọng. Muốn đi xa phải đi cùng nhau”.

Ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế, Helvetas cũng đang thực hiện các hoạt động tương tự tại QB, QT, QB trong khuôn khổ dự án VFBC và các tỉnh khác trong khuôn khổ dự án du lịch của các nhà tài trợ khác.


Bà Nguyễn Tú Anh, chánh văn phòng Helvetas Việt Nam –
Đơn vị trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ du lịch cộng đồng – Dự án VFBC

Kết thúc buổi Tọa đàm, ông Phúc – Giám đốc Sở Du lịch một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, giá trị và tiềm năng của bản Dỗi cũng như các điểm du lịch cộng đồng khác của tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông Phúc yêu cầu các bên liên quan cần nâng cao và hoàn thiện chất lượng sản phẩm, nghiêm túc thực hiện bộ quy chế hướng dẫn thực hiện du lịch cộng đồng, xây dựng kết nối giữa các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh và sản phẩm OCOP, xây dựng kế hoạch phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho việc phát triển du lịch (bản Dỗi). Dự án VFBC cần duy trì việc giám sát thực hiện để đảm bảo các công việc được triển khai theo đúng kế hoạch.

Một số hình ảnh trải nghiệm của đại biểu tại điểm Du lịch cộng đồng Bản Dỗi







Nguồn: https://vietnamtourism.gov.vn/post/29392
Lê Thị Thủy-Cao Thị Khánh Chi 

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn