Thứ sáu, 19/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC tỉnh Quảng Trị triển khai kế hoạch năm 2023

Thứ tư, 04/01/2023 | 09:44 GMT+7

DALN Ngày 29/12, tại TP. Đông Hà, Ban quản lý Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án VFBC) tỉnh Quảng Trị tổ chức hội nghị đánh giá hoạt động năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.

Quang cảnh hội nghị - Ảnh: M.Đ

Nhằm góp phần giảm phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ các bon trong rừng tự nhiên và rừng trồng của Việt Nam; bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu rừng có giá trị cao về đa dạng sinh học của quốc gia, Dự án VFBC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ cho giai đoạn 2020 - 2025 được triển khai trên địa bàn 11 tỉnh và 3 vườn quốc gia. Quảng Trị là một trong những địa bàn quan trọng của dự án khi tham gia cả hai hợp phần với tổng đầu tư lên tới 2 triệu USD.

Dự án hỗ trợ kỹ thuật VFBC tỉnh Quảng Trị được triển khai từ cuối năm 2021, gồm 2 hợp phần quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Các hoạt động quản lý rừng bền vững tập trung vào cải thiện các mô hình quản lý rừng cộng đồng, phát triển chuỗi giá trị keo, dược liệu, cà phê và trẩu, nâng cao năng lực thực thi chính sách lâm nghiệp và hoàn thiện các chỉ số giám sát đánh giá chi trả dịch vụ môi trường rừng. Các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng cải thiện sinh kế, phát triển vùng nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ hiệu quả. Doanh nghiệp được tiếp cận các phương pháp và kỹ thuật sản xuất xanh, thân thiện với môi trường. Chính quyền kiểm soát hiệu quả hơn các nguy cơ gây mất rừng và suy thoái rừng.


Sử dụng bẫy ảnh phục vụ giám sát đa dạng sinh học - Ảnh: M.Đ

Trong bối cảnh ảnh hưởng phức tạp COVID-19 nhưng hoạt động của dự án trong năm 2022 đã ghi nhận những kết quả tích cực, góp phần vào kết quả các chỉ số đầu ra và mục tiêu của dự án. Tính đến 30/9/2022 (theo năm tài khóa của Hoa Kỳ), hợp phần Quản lý rừng bền vững hoàn thành đạt 70%; hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học đã hoàn thành 64% kế hoạch năm 2022.

Hội nghị có sự tham gia của nhiều đơn vị hưởng lợi của dự án như các hợp tác xã, BQL rừng phòng hộ, UBND các xã vùng dự án. Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Huệ - Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn đã gửi lời cảm ơn tới chính quyền và dự án với những hỗ trợ thiết thực dành cho các doanh nghiệp địa phương trong việc phát triển kinh doanh bền vững. Thời gian quan dự án đã tư vấn, tập huấn cho HTX về quản trị sản xuất, kỹ năng nghiệp vụ cho ban kiểm soát, hoạt động quản lý hợp tác xã. Ngoài ra, các chuyên gia của dự án còn tư vấn cho HTX về kết nối tiêu thụ sản phẩm, thiết kế sản phẩm đẹp mắt hơn đáp ứng các tiêu chí của thị trường nội địa và quốc tế. Dự án cũng hỗ trợ cho HTX tham gia hội chợ quốc tế ở Thành phố Hồ Chí Minh để HTX có thêm cơ hội hợp tác và chia sẻ các vấn đề thị trường. Ông Huệ cũng mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính quyền tỉnh cũng như dự án để mở rộng nguồn nguyên liệu và hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững cho HTX, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.


Ông Lê Huệ - Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn

Ông Hà Văn Bắc – Hạt trưởng Hạt kiểm lâm khu Bảo tồn Thiên nhiên Đăk rông cho biết sự hỗ trợ của dự án cho các chuỗi giá trị cây trẩu và dược liệu sẽ góp phần cải thiện sinh kế cho người dân ở khu vực vùng đệm. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học cho lực lượng kiểm lâm, công nhân viên của Khu bảo tồn, và cả người dân địa phương là đối tượng mục tiêu của dự án. Mặc dù là người dân tộc thiểu số, sau khi được tập huấn về thiết bị SMART trong tuần tra, họ áp dụng rất hiệu quả tại địa bàn. Dự án cũng đã cung cấp trang thiết bị tuần tra bảo vệ rừng như máy tính, điện thoại thông minh, lều, bạt và một số trang thiết bị cho các tổ bảo vệ rừng trong khu bảo tồn.


Ông Hà Văn Bắc - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm khu Bảo tồn Thiên nhiên Đakrong

Tham gia chỉ đạo Hội nghị, ông Vũ Văn Hưng – Phó trưởng ban BQL các dự án lâm nghiệp kiêm Giám đốc BQL dự án VFBC đánh giá cao sự nỗ lực của BQL dự án VFBC tỉnh Quảng Trị, hai đơn vị thực hiện DAI và WWF để đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận tại tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, ông đề nghị trong thời gian tới, hai đơn vị thực hiện DAI và WWF cần tăng cường công tác phối hợp hơn nữa giữa hai bên cũng như với BQL dự án tỉnh nhằm tận dụng triệt để và hiệu quả nguồn lực của dự án.


Ông Vũ Văn Hưng – Phó trưởng ban BQL các dự án lâm nghiệp kiêm Giám đốc BQL dự án VFBC trung ương

Những đóng góp của Dự án VFBC trong năm 2022 đã bước đầu hỗ trợ tỉnh chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh thông qua phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ (đặc biệt là dược liệu, cà phê và trẩu) theo hướng bền vững; thúc đẩy trồng rừng và sản xuất rừng gỗ lớn có chứng chỉ; tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn; tuần tra, giám sát rừng và đa dạng sinh học có sự tham gia của cộng đồng, v.v….

Kế hoạch năm 2023 được xác định gồm tập trung triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã với hợp phần Quản lý rừng bền vững; đẩy nhanh việc tuyển dụng tư vấn thực hiện các hoạt động tại địa bàn dự án; chủ động thực hiện các hoạt động chỉ triển khai cho riêng tỉnh Quảng Trị; lồng ghép, kết hợp với hoạt động thuộc các chương trình liên quan đang thực hiện trên địa bàn để phát huy tối đa đầu tư của nhà nước và các tổ chức trong và ngoài nước cho tỉnh Quảng Trị.


Đại biểu tham gia Hội nghị
Nguồn: baoquangtri.vn
Lê Thị Thủy

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn