Tìm hướng kết nối cung cầu tiêu thụ cà phê Arabica Hướng Hóa
Thứ sáu, 07/07/2023 | 17:14 GMT+7
DALN Sáng 7/7/2023, tại thị trấn Khe Sanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Trị (VFBC) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam (WV) tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cà phê Arabica huyện Hướng Hóa năm 2023.
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: Lê Trường
Thời gian qua, cà phê được tỉnh Quảng Trị xác định là một trong những cây trồng chủ lực, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của địa phương, nhất là khu vực miền Tây. Hiện cà phê được trồng tập trung ở huyện Hướng Hóa với giống chủ lực là cà phê chè Catimor.
Tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích cà phê của tỉnh là hơn 3.900 ha với năng suất 11,5 tạ/ha, sản lượng bình quân gần 4.500 tấn cà phê nhân; hơn 6.000 hộ tham gia trồng, chủ yếu tập trung tại 10 xã là Hướng Phùng, Hướng Tân, Hướng Sơn, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và Hướng Linh.
Cà phê Arabica phù hợp đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng huyện Hướng Hóa nên phát triển tốt và cho mùi vị thơm ngon, đặc trưng - Ảnh: Lê Trường
Hiện nay, Quảng Trị là 1 trong 8 tỉnh được Bộ NN& PTNT chọn xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam với diện tích khoảng 60 ha cà phê Arabica ở xã Hướng Phùng nhằm tăng khả năng cạnh tranh của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Phó Giám đốc Sở NN& PTNT, Giám đốc Ban quản lý VFBC Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương thông tin Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ Dự án “Sản xuất cà phê không gây mất rừng” tại huyện Hướng Hóa với tổng kinh phí 1,2 triệu USD - Ảnh: Lê Trường
Theo Sở NN&PTNT, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được, ngành cà phê của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Trong đó, quá trình sản xuất tiềm ẩn các rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; việc áp dụng các tiến bộ khoa học mới về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch của người dân còn hạn chế, diện tích cà phê già cỗi tăng cao… Điều này, đã ảnh hưởng đến sản lượng, chất lượng cà phê và sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm cà phê Arabica Hướng Hóa có mùi vị đặc trưng, thơm ngon và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Khe Sanh”. Toàn huyện Hướng Hóa bước đầu có 4 sản phẩm cà phê đạt 3 sao, 5 sản phẩm cà phê đạt 4 sao OCOP. Hơn 90% sản lượng cà phê Arabica Hướng Hóa được xuất bán dưới dạng cà phê thóc và nhân xuất khẩu chính sang thị trường Châu Âu, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh. |
Để thúc đẩy ngành hàng cà phê Quảng Trị phát triển, thời gian qua, cùng với các chính sách của trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; tích cực mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết.
Mục tiêu của tỉnh là duy trì và ổn định diện tích 5.000 ha; đảm bảo có ít nhất 1.000 ha cà phê được tái canh đến năm 2026, trong đó có 50 ha cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ; phát triển 60 ha cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng. Đến năm 2030, Quảng Trị quyết tâm hoàn thành tái canh cà phê già cỗi bằng bộ giống cà phê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật.
Các HTX, doanh nghiệp, tổ, nhóm sản xuất cà phê ký kết hợp tác chương trình xây dựng vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bàn Hướng Hóa - Ảnh: Lê Trường
Tại hội nghị, Sở NN&PTNT thông tin, Chính phủ Đan Mạch đã có quyết định hỗ trợ Dự án “Sản xuất cà phê không gây mất rừng” tại huyện Hướng Hóa. Dự kiến dự án triển khai từ tháng 7/2023 đến 30/6/2027 với tổng kinh phí hỗ trợ là 1,2 triệu USD.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, tổ hợp tác, người sản xuất, đại diện các dự án đã nghe báo cáo “Kết quả khảo sát của tư vấn ngành hàng cà phê tỉnh Quảng Trị và đề xuất thực hiện một số liên kết chuỗi cà phê giữa các HTX với doanh nghiệp tiêu thụ”. Đồng thời, nêu lên những khó khăn, rào cản trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ cà phê, ý tưởng để hoàn thiện môi trường đầu tư, chính sách hỗ trợ nhằm thực hiện tốt hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm cà phê Arabica ổn định và bền vững.
Các đại biểu tìm hiểu các sản phẩm cà phê Arabica Hướng Hóa tại Hội chợ thương mại huyện Hướng Hóa năm 2023 - Ảnh: Lê Trường
Dịp này, 2 HTX Nông sản Khe Sanh và Nông lâm nghiệp Sơn Nguyên đã ký kết hợp tác chương trình xây dựng vùng nguyên liệu với 10 tổ, nhóm sản xuất cà phê trên địa bàn Hướng Hóa với quy mô khoảng 250 ha; các tổ, nhóm sản xuất, HTX và các doanh nghiệp, nhà phân phối sản phẩm cà phê ký kết 5 hợp đồng liên kết với sản lượng khoảng 300 tấn cà phê thóc và 5 tấn cà phê nhân/năm, giá trị hợp đồng gần 20 tỉ đồng.
Bên lề hội nghị, các đại biểu đã tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các sản phẩm cà phê Arabica Hướng Hóa ở các gian hàng giới thiệu của các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tại Hội chợ thương mại huyện Hướng Hóa năm 2023.
(Theo: Lê Trường - Quảng trị Online)
Lê Thị Thủy - CTV
Lê Thị Thủy - CTV
Có thể bạn quan tâm
Tin cũ hơn
- Thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong lĩnh vực lâm nghiệp - Phóng sự ảnh
- Đưa nội dung bảo vệ động vật hoang dã vào bộ quy tắc ứng xử trong doanh nghiệp
- Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp tiếp và làm việc với Đoàn đại biểu Hội kinh doanh Lâm nghiệp tỉnh Jeonnam, Hàn Quốc.
- Dự án STW: Hội thảo nâng cao nhận thức về chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật cho cán bộ viên chức BQLDA Lâm nghiệp
- Hội thảo chia sẻ kết quả Dự án Quản lý bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã