Thứ sáu, 29/03/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Dự án VFBC hỗ trợ tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển quế hữu cơ tỉnh Lào Cai năm 2023

Thứ năm, 24/11/2022 | 14:43 GMT+7

DALN Ngày 22/11, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai với sự hỗ trợ của Dự án quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (Dự án VFBC) tổ chức Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển quế hữu cơ tỉnh Lào Cai năm 2023.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết, cây quế được đồng bào dân tộc Dao đưa vào trồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai cách đây gần 50 năm tại một số xã vùng thấp thuộc các huyện: Bắc Hà, Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng. Đến nay, cây quế đã và đang được trồng tại 100/152 xã, phường, thị trấn trong tỉnh với tổng diện tích đạt trên 53.300 ha; trong đó, vùng trọng điểm quế tại các huyện vùng thấp của tỉnh là 48.582 ha. Doanh thu từ quế toàn tỉnh đạt khoảng 600 tỷ đồng.

Hàng năm, sản lượng trung bình toàn tỉnh Lào Cai thu 5.100 tấn vỏ khô, 51.000 tấn cành lá. Con số này dự báo sẽ tăng dần trong những năm tới do diện tích quế đến tuổi khai thác tăng (đến năm 2030 mỗi năm Lào Cai có khoảng 4.000 ha quế được khai thác trắng, chưa kể sản lượng khai thác tỉa thưa bình quân là 24.000 tấn/năm...). Qua việc rà soát, lấy mẫu đã xác định hàm lượng và chất lượng tinh dầu quế Lào Cai đứng thứ ba trong cả nước. Hiện nay, đối với sản phẩm vỏ quế chế biến thành các sản phẩm quế thanh, quế ống điếu, bột quế, quế ống sáo... tuy nhiên chỉ ở mức độ là đơn vị trung gian để xuất khẩu sản phẩm sơ chế. Thị trường tiêu thụ vỏ quế chủ yếu là Ấn Độ, Trung Quốc...

Đối với tinh dầu quế, 85% sản lượng tinh dầu quế của tỉnh được xuất bán ra thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản... Một phần nhỏ khoảng 15% tấn tinh dầu quế được tiêu dùng trong nước. Việc phát triển vùng nguyên liệu quế của tỉnh cơ bản đã gắn liền với hệ thống cơ sở chế biến gồm 9 nhà máy và 01 hợp tác xã. Công suất thiết kế của các cơ sở chế biến dao động từ 60-120 tấn tinh dầu quế/năm/1 nhà máy. Sản lượng tinh dầu quế của tỉnh hàng năm đạt từ 350-400 tấn tinh dầu/năm...

Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Hợi, Giám đốc hợp tác xã Tâm Hợi ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho rằng, thực tế hiện nay việc phát triển chuỗi giá trị quế còn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Cây quế phát triển nhanh, nhưng tràn lan chưa theo quy hoạch, một số nơi trồng ra ngoài vùng sinh thái dẫn đến quế phát triển chậm, kém chất lượng hiệu quả không cao. Diện tích rừng quế đạt tiêu chuẩn quế hữu cơ còn chiếm tỷ lệ thấp.

Việc chế biến chủ yếu là chiết xuất tinh dầu quế từ cành lá, trong khi đó giá trị lớn nhất của sản phẩm quế là từ vỏ quế (chiếm 70%) chưa được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư. Các danh nghiệp đầu tư chế biến sản phẩm quế hiện nay chủ yếu là chiết xuất tinh dầu quế từ cành lá, trong khi đó giá trị lớn nhất của sản phẩm quế là từ vỏ quế (chiếm 70%) chưa được các doanh nghiệp chú trọng đầu tư... Mẫu mã sản phẩm quế chưa đẹp, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài; chưa có những doanh nghiệp đầu tầu trong chế biến sản phẩm quế có quy mô lớn.

Theo đánh giá, diện tích quế của Lào Cai là hơn 48.000 ha, đang đứng thứ hai cả nước (sau tỉnh Yên Bái). Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thị Liên, Giám đốc hợp tác xã Vĩnh Yên ở huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, thời gian qua, việc phát triển cây quế chỉ tập trung mở rộng diện tích, chưa chú trọng nâng cao giá trị ngành hàng quế; sản phẩm quế chủ yếu là sơ chế để xuất bán, giá trị thấp (chủ yếu là tinh dầu xuất bán sang thị trường Trung Quốc). Muốn nâng giá trị thì sản phẩm quế phải tiếp cận được các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, EU... Để vào được các thị trường này, sản phẩm quế đòi hỏi có chất lượng tốt, đảm bảo các tiêu chuẩn hữu cơ theo yêu cầu.

Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định hình thành vùng trồng quế tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tập trung phát triển chuỗi sản phẩm quế hữu cơ mang thương hiệu sản phẩm Quốc gia; từng bước vươn ra thị trường thế giới và trở thành mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu chính; gắn phát triển vùng nguyên liệu quy mô tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn... Tập chung xây dựng thương hiệu quế Lào Cai, đến năm 2025 có 30% sản phẩm quế được công nhận hữu cơ. Đến năm 2050, có trên 50% sản phẩm quế đạt chứng nhận hữu cơ và được quản lý trên hệ thống xác thực số (QRS).

Với mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu quế hữu cơ bền vững, xây dựng và mở rộng liên kết sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Lào Cai xây dựng Kế hoạch phát triển quế hữu cơ năm 2023 đạt 7.500 ha. Cùng với đó sẽ tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác về chứng chỉ hữu cơ đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, phục vụ xuất khẩu sang các nước châu Âu; hỗ trợ thành lập các tổ, nhóm về sản xuất quế hữu cơ bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu trên sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ diện tích quế theo hướng hữu cơ bền vững làm cơ sở mở rộng, phát triển vùng quế hữu cơ; tổ chức các hội thảo, hội nghị bàn giải pháp về phát triển quế hữu cơ; có ít nhất 60 tổ, nhóm, hợp tác xã, doanh nghiệp được đào tạo, nâng cao năng lực với hơn 3.000 người tham gia. Các tổ, nhóm này sẽ được ký thỏa thuận hợp tác với các hợp tác xã, doanh nghiệp để đánh giá, cấp chứng chỉ quế hữu cơ và tiêu thụ sản phẩm quế.

Để thực hiện kế hoạch trên, các giải pháp được đưa ra là tuyên truyền, vận động người dân hiểu về hiệu quả và lợi ích của việc phát triển quế hữu cơ; thành lập tổ, nhóm sản xuất quế hữu cơ; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất quế hữu cơ; tổ chức họp thống nhất với các địa phương và doanh nghiệp về liên kết xây dựng vùng quế hữu cơ. Các loại chứng chỉ hữu cơ theo yêu cầu của thị trường, ưu tiên thực hiện việc đăng ký chứng nhận theo cấp tuổi và tính khả thi khi chứng nhận, duy trì chứng chỉ. Vận động hình thành các tổ, nhóm sản xuất quế, tạo liên kết giữa người dân, tổ, nhóm với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư, thực hiện việc đánh giá, cấp chứng chỉ hữu cơ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, nêu rõ thực trạng, khó khăn trong sản xuất quế hữu cơ tại địa phương; giới thiệu về các loại chứng chỉ hữu cơ, yêu cầu về các loại sản phẩm quế hữu cơ cho một số thị trường; thảo luận, thống nhất đăng ký loại chứng chỉ hữu cơ và quy mô, địa bàn hỗ trợ các tổ, nhóm tập huấn, hướng dẫn đánh giá cấp chứng chỉ quế hữu cơ; thống nhất các nội dung cơ bản của Kế hoạch phát triển bền vững vùng quế hữu cơ tỉnh Lào Cai năm 2023.



(Nguồn: baolaocai.vn; dantocmiennui.vn)
Lê Thị Thủy

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn