Thứ năm, 28/03/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Hội nghị Tham vấn Văn kiện Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học

Thứ ba, 22/12/2020 | 00:00 GMT+7

DALN Ngày 18/12/2020, tại Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra Hội nghị Tham vấn về Văn kiện dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học, dự án nằm trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực Lâm nghiệp.   

 

Ông Vũ Văn Hưng - Phó Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp phát biểu khai mạc hội nghị

 

Hội nghị do Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp - Chủ dự án chủ trì, với sự tham gia của đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (USFS); Tổ chức Dai Global (DAI), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan.

 

Toàn cảnh hội nghị

 

Việt Nam là quốc gia có mức độ đa đạng sinh học cao tập trung chủ yếu tại các khu vực rừng tự nhiên với diện tích trên 10 triệu ha, trong những năm qua, với sự nỗ lực của ngành Lâm nghiệp và các địa phương đã cố gắng duy trì được tính đa dạng sinh học tại các khu vực này, tuy nhiên, nhiều địa phương do áp lực sử dụng đất đai và phát triển kinh tế đã tác động, đe dọa đến tính đa dạng sinh học. Để hỗ trợ các địa phương bảo tồn và phát triển được nguồn đa dang sinh học, bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có, từ năm 2018, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Nhà tài trợ USAID cùng các địa phương xây dựng ý tưởng Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học. Trong thời gian qua, Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp được giao làm chủ dự án đã phối hợp chặt chẽ với hai nhà thầu DAI và WWF do Nhà tài trợ USAID tuyển chọn đã tích cực phối hợp làm việc với các địa phương cũng như các bên liên quan xây dựng văn kiện dự án.

 

Hội nghị tham vấn lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp thu, tranh thủ ý kiến và quan điểm nhiều chiều của các bên liên quan để văn kiện dự án được hoàn thiện, khả thi, đúng quy định của pháp luật, phản ánh tốt nhất những yêu cầu của các địa phương, tận dụng hiệu quả nhất những nguồn đầu tư cho lĩnh vực Lâm nghiệp và Bảo tồn đa dạng sinh học.

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vũ Văn Hưng - Phó Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp cho biết, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học được thực hiện với mục tiêu giúp giảm thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ Cácbon trong rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng trồng của Việt Nam; bảo tồn đa dạng sinh học ở những khu rừng có giá trị cao về đa dạng sinh học quốc gia. Dự án có kinh phí khoảng 25 triệu USD (viện trợ không hoàn lại) được thực hiện trong vòng 5 năm (2020 - 2025) với 2 hợp phần chính là Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tại 11 tỉnh: Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lâm Đồng, 3 Vườn Quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp: Cúc Phương, Bạch Mã, Cát Tiên.

 

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung vào mục tiêu, định hướng chính của văn kiện, các đại biểu cơ bản nhất trí với các mục tiêu, định hướng chính của văn kiện dự án là hoàn toàn phù hợp với thực trạng của các địa phương, chiến lược phát triển của ngành Lâm nghiệp 2020 - 2025.

 

Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị, các đơn vị xây dựng văn kiện cần chú ý tới một số vấn đề như: Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện dự án, chỉ rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia từ Trung ương tới địa phương giúp thuận lợi trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, cần làm rõ cơ chế quản lý và thực hiện dự án, đặc biệt là tại địa phương nhằm đảm bảo sự phối hợp giữa Ban quản lý các cấp và các đơn vị nhà thầu triển khai dự án.

 

Đặc biệt, xuất phát từ việc dự án có nhiều tỉnh tham gia trải dài trên một diện tích rộng lớn cùng với nhiều hạng mục công việc cần thực hiện, trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị văn kiện cần cân nhắc và làm rõ các hoạt động ưu tiên cho các địa phương cụ thể tránh việc đầu tư không tập trung dàn trải, không có kết quả rõ ràng, từ đó gây lãng phí nguồn vốn.

 

Nhiều đại biểu cùng thống nhất ý kiến, văn kiện cần xây dựng cơ chế hợp tác công tư cụ thể để có thể huy động được khối tư nhân cũng là đối tượng sẽ được hưởng lợi tham gia sâu hơn vào các hoạt động dự án đảm bảo tính bền vững cho dự án. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng và ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện dự án để trên cơ sở đó, các địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện theo đúng trình tự, đảm bảo tiến độ dự án.

 

Các nhóm thảo luận những vấn đề địa phương quan tâm nhằm đề xuất bổ sung cho văn kiện

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã tổ chức họp nhóm bàn luận một số vấn đề mang tính quyết định đến hiệu quả của việc thực hiện dự án, cụ thể các địa phương nghiên cứu, đề xuất gắn các nhu cầu của địa phương mình vào từng lĩnh vực hoạt động của hai hợp phần dự án, đảm bảo việc thực hiện dự án phải hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

 

Kết luận hội nghị, ông Vũ Văn Hưng - Phó Trưởng Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp khẳng định tầm quan trọng của hội nghị tham vấn lần này, đồng thời yêu cầu các đơn vị nhà thầu soạn thảo văn kiện trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tiếp thu, tổng hợp ý kiến các đại biểu, điều chỉnh, rà soát lại các hoạt động, hoàn thiện văn kiện, hướng tới phù hợp với điều kiện từng địa phương nhằm phát huy tối đa các nguồn lực, đảm bảo tính hiệu quả, thiết thực của dự án.

 

“Tôi vui mừng với những thành quả Chính phủ Việt Nam đã làm được trong việc quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học, Tổ chức USAID sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác với Chính phủ Việt Nam mà cụ thể là Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ tăng cường năng lực cho các tổ chức, cơ quan và các địa phương quản lý và thực hiện tốt các dự án về Biến đổi khí hậu có quy mô lớn hơn, toàn diện hơn. Tôi mong muốn Hội nghị tham vấn sẽ trở thành cơ hội lớn để các bên xây dựng, thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ giúp tăng cường sự hợp tác, phối hợp khi dự án chính thức đi vào triển khai thực hiện, vì thành công chung của dự án” - Ông Robert Layng - Giám đốc Phòng Môi trường và Năng lượng USAID tại Việt Nam phát biểu tại hội nghị

 

Dự kiến, dựa trên kết quả tham vấn của hội nghị lần này, văn kiện sẽ được tiến hành điều chỉnh trước ngày 15/01/2021, làm cơ sở để tổ chức hội nghị tham vấn cấp quốc gia, chuẩn bị các bước cuối cùng trình Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt văn kiện theo quy định của phía Việt Nam, theo lộ trình tiến hành khởi động dự án vào đầu năm 2021.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Lê Thủy - CTV

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn