Thứ sáu, 29/03/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Ngành gỗ chiếm hơn 60% giá trị xuất khẩu của Bình Định

Thứ sáu, 30/12/2022 | 19:49 GMT+7

DALN Chiều 30/12, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã tổ chức Lễ Giỗ Tổ Nghề Mộc năm Nhâm Dần và Hội nghị tổng kết năm 2022.


Ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định báo cáo tại Hội nghị.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cho biết, năm 2022 bắt đầu với nhiều tín hiệu thuận lợi khi cả nước đã cơ bản kiểm soát được đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ đã đẩy mạnh đầu tư phát triển nhà máy mới, tăng công suất chế biến để đón đầu các đơn hàng chuyển dịch từ các quốc gia đang áp dụng chiến lược “Zero Covid-19” như Trung Quốc, và làn sóng mua sắm “tiêu dùng trả thù” do nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén suốt các năm đại dịch.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Bình Định đã tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2022 đã xuất hiện tình trạng chậm đặt hàng; từ tháng 6, tháng 7/2022 đã có một số đơn hàng bị hoãn, hủy; lượng hàng tồn kho tại thị trường EU, Hoa Kỳ cũng như các kho hàng của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất lớn. Một số nhà máy mới có công suất lớn phải hoạt động cầm chừng hoặc phải tạm dừng sản xuất do lượng đơn hàng mùa 2022 - 2023 giảm mạnh.

Bất chấp những bất ổn, thách thức chưa từng có của tình hình thị trường, đơn hàng, ngành gỗ Bình Định vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, giá trị kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 đạt khoảng 947,75 triệu USD, tăng 7% so với năm 2021, chiếm khoảng 61% tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Về cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, đồ gỗ nội thất, ngoại thất, sân vườn đạt 476,35 triệu USD (tăng 1%), các loại sản phẩm gỗ khác (dăm mảnh, viên nén...) đạt 308,1 triệu USD (tăng 45%); các sản phẩm từ nhựa đan, hàng giả mây đạt 163,3 triệu USD (giảm 20%).

Kim ngạch nhập khẩu gỗ năm 2022 đạt 56,5 triệu USD, giảm gần 3% so với năm 2021. Đồng thời, ngành gỗ và các ngành hỗ trợ ngành gỗ đã giải quyết việc làm trực tiếp, thường xuyên cho khoảng 30 ngàn lao động địa phương, đóng góp vào thành tích xuất khẩu chung của ngành gỗ Việt Nam gần 16 tỷ USD, giữ vững vị thế của Bình Định là một trong bốn trung tâm chính chế biến xuất khẩu sản phẩm gỗ của cả nước.


Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp gỗ tại Bình Định.

Để đạt được những thành quả này, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định đã phối hợp với Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) và các hiệp hội ngành gỗ, các hiệp hội bạn trên địa bàn tỉnh bám sát tình hình thực tế của thị trường trong nước và quốc tế, những chuyển động của thị trường sau đại dịch Covid-19 để đưa ra các phân tích, nhận định, dự báo, định hướng phát triển, khuyến nghị cho Hội viên trong ngành gỗ cả nước nói chung và ngành gỗ Bình Định nói riêng.

Bên cạnh đó, kiến nghị kịp thời đến các bộ, ngành, UBND tỉnh, các sở, ban ngành về giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các Hội viên như: giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ, bảo hiểm xã hội, điện lực, phòng cháy chữa cháy; phối hợp với VIFOREST, các hiệp hội bạn trong giải quyết các vụ việc như: kiện chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại mặt hàng gỗ dán, tủ gỗ; hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế thực hiện các hội thảo về xúc tiến thương mại, xây dựng chính sách ngành gỗ, tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ quản lý cấp trung tại các nhà máy...

Những kết quả trên chính là tiền đề, là động lực để Năm Mới Quý Mão 2023, ngành gỗ Bình Định tiếp tục quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để đạt các mục tiêu mới.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định xác định năm 2023 là một năm vô cùng khó khăn về đơn hàng, thị trường xuất khẩu. Đa số khách hàng nước ngoài còn lượng lớn hàng tồn kho, hoặc chuyển sang chiến lược phân bổ rủi ro, đặt mẫu mới cho nhiều dòng hàng, nhiều mã hàng ở nhiều nhà sản xuất khác nhau. Trong khi đó, các thị trường lớn như Mỹ, EU vẫn đang chịu tác động lớn của lạm phát, lãi suất cao, chính sách thắt chặt tiền tệ nên sẽ đẩy người tiêu dùng vào trạng thái “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu đồ gỗ. Đồng thời, biến động thị trường toàn cầu cũng kéo theo nhiều khó khăn ở môi trường kinh doanh trong nước như: lãi suất tăng cao, giá nguyên liệu, vật liệu đầu vào bấp bênh, người lao động bất an…

Tuy nhiên, Hiệp hội vẫn đặt quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất các tác động tiêu cực của tình trạng suy giảm đơn hàng, thị trường, nỗ lực đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ hoặc vượt mức năm 2022, đạt khoảng một tỷ USD, góp phần hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh cũng như ngành gỗ cả nước năm 2023.


Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp gỗ tại Bình Định.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định tiếp tục tập trung vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, khách hàng, cấu trúc lại toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp theo phương châm “tự lực, tiết kiệm” từ cải tiến, đổi mới công nghệ sản xuất đến tìm kiếm, lựa chọn khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực, điều kiện sản xuất kinh doanh của từng Hội viên, tập trung nhóm hàng giá trị gia tăng cao.

Theo đó, Hiệp hội khuyến khích các Hội viên đầu tư trồng rừng gỗ lớn, hình thành vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững; Đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu sau dăm như ván dăm okal, ván MDF, ván ghép thanh; Củng cố thị trường xuất khẩu cho nhóm ngành hàng nhựa đan; Hỗ trợ phát triển hài hòa các ngành hàng dăm gỗ, viên nén, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh đối với nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng đầu vào sản xuất.

Về xúc tiến thương mại, Hiệp hội chú trọng phối hợp Công ty CP Hội chợ ngành gỗ Việt Nam (VIFOREST FAIR) tiến hành các thủ tục chuẩn bị và quảng bá cho công tác tổ chức Hội chợ Triển lãm quốc tế Đồ gỗ trong nhà, ngoài trời và trang trí sân vườn tại Bình Định năm 2024; tham gia các Hội chợ triển lãm quốc tế đồ gỗ và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ phục vụ ngành gỗ trong nước như HawaExpo 2023, BifaWood 2023, DowaMachinery 2023; Tiếp tục quảng bá thương hiệu “Đồ gỗ Bình Định” cho nhóm hàng đồ gỗ ngoài trời và đồ gỗ nội thất bằng các giải pháp tăng thị phần tại các thị trường Hoa Kỳ, EU 27, Anh, Úc, Canada… Phối hợp triển khai thực hiện các dự án, tổ chức các hội thảo, diễn đàn về thương mại gỗ với các tổ chức quốc tế như FOREST TRENDS, GIZ, SIPPO, TRAFFIC, WWF…

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đánh giá cao những kết quả của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định trong năm qua, đồng thời khẳng định lãnh đạo tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gỗ và lâm sản. Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gỗ vượt qua những khó khăn trong giai đoạn này.


Ông Đỗ Quang Tùng - Quyền Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Lâm Nghiệp - Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị.

Ông Đỗ Quang Tùng - Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Lâm Nghiệp - Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT luôn đồng hành cùng Hiệp hội gỗ nói chung và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định nói riêng trong việc kết nối với các dự án của ngành, tìm kiếm các nhà đầu tư ODA cho ngành gỗ và lâm sản.

Nguyễn Tiến Dũng - CTV

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn