Chủ Nhật, 28/04/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Tăng cường sự tham gia của báo chí trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã

Thứ ba, 13/06/2023 | 16:33 GMT+7

DALN Sáng nay (13/6), tại Hà Nội, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Tăng cường sự tham gia của phóng viên, nhà báo trong phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 phóng viên, nhà báo điều tra quan tâm tới lĩnh vực buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; đại diện các cơ quan báo đài, hội nhà báo, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn, chuyên gia báo chí…


Bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp phát biểu tại Hội thảo.

Theo thông tin được đưa ra tại Hội thảo, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 16 trong số các quốc gia có sự đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới với hơn 11.400 loài thực vật bậc cao, 322 loài thú, 397 loài bò sát, 181 lưỡng cư, trên 900 loài chim, 120.000 loài côn trùng, 700 loài cá nước ngọt, 2.458 loài cá biển đã được xác định.

Tuy nhiên, theo TS. Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc CITES Việt Nam, Việt Nam cũng là nơi có nhiều loài bị đe dọa tuyệt chủng cao với 7 loài động vật nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới; 407 loài động vật đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam năm 2007 với các mức độ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng.

Chia sẻ về vấn nạn buôn bán động vật hoang dã, ông Bùi Đăng Phong, Phó Giám đốc VP Dự án Bảo tồn Động vật Hoang dã Nguy Cấp - WWF cho biết buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật ước tính trị giá 20 tỷ USD mỗi năm, xếp thứ 4 sau buôn bán ma túy, vũ khí và buôn người. Trong khi đó, Việt Nam hiện nằm trong tuyến đường vận chuyển, trung chuyển động, thực vật hoang dã bất hợp pháp của thế giới.

Số liệu từ các cơ quan truy tố, xét xử cho thấy giai đoạn 2019 đến hết năm 2021 các cơ quan đã xét xử gần 400 vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã theo Điều 244 của Bộ Luật hình sự với trên 500 bị cáo bị truy tố.
Từ năm 2018 đến 2023, có 50 vụ buôn vảy tê tê bị điều tra, xét xử, tịch thu 40 nghìn kg; Tịch thu trên 500kg sừng tê giác, xử phạt tù 26 đối tượng liên quan; 53 đối tượng đã bị truy tố, xét xử liên quan đến tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ngà voi cùng 20 tấn ngà voi bị tịch thu. Mới đây, tháng 2/2023, cơ quan chức năng đã tịch thu trên 600kg ngà voi nhập lậu về Hải Phòng…

Theo bà Trần Thị Nam Hà, Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án Trung ương, Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp, lợi nhuận trong buôn bán động vật hoang dã rất cao, do đó, các hành vi vi phạm pháp luật trong buôn bán động vật hoang dã diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội và vi phạm ngày càng tinh vi.

“Để đấu tranh, ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự chung tay của toàn xã hội” – bà Trần Thị Nam Hà khẳng định.
Nhấn mạnh vai trò của báo chí và phóng viên điều tra về tội phạm động vật hoang dã, ông Lê Trọng Đảm – Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Mạng lưới nhà báo, phóng viên điều tra buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật là sáng kiến quan trọng góp phần ngăn chặn các hoạt động buôn bán, vận chuyển, và sử dụng bất hợp pháp các loài động vật hoang dã.

Tham gia Mạng lưới này, các nhà báo, phóng viên sẽ được đào tạo, tập huấn, hỗ trợ từ các tổ chức, chuyên gia các kiến thức, kinh nghiệm điều tra về hành vi săn bắt, buôn bán, vận chuyển, sử dụng động vật hoang dã trái phép.


Ông Lê Trọng Đảm – Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo.

Việc xây dựng Mạng lưới cũng hướng tới tăng cường năng lực cho đội ngũ nhà báo, phóng viên về khung pháp lý, chính sách về bảo tồn động vật hoang dã; kỹ năng viết tin, bài và tham gia phát hiện và theo sát việc xử lý các vụ vi phạm từ phía cơ quan chức năng nhằm vận động sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban, ngành trung ương và địa phương, giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật. Từ đó, góp phần lan tỏa thông điệp “Nói không với buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trong toàn xã hội".

Tại Hội thảo, các nhà báo, phóng viên đã được tìm hiểu về thực trạng nạn buôn bán động vật hoang dã hiện nay, các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã; đồng thời các nhà báo, chuyên gia cũng cùng nhau trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp trong khai thác đề tài buôn bán động vật hoang dã…

Dịp này, Ban tổ chức đã ra mắt 12 nhà báo, phóng viên cam kết tham gia Mạng lưới nhà báo, phóng viên điều tra buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Nhà báo Thùy Dung - Phó Thư ký Tòa soạn Tạp chí Nông thôn Việt là một trong những thành viên đầu tiên tham gia Mạng lưới.


Ra mắt 12 nhà báo, phóng viên cam kết tham gia Mạng lưới phóng viên điều tra buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật.

Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, do Ban quản lý các Dự án Lâm nghiệp – Bộ NN&PTNT (MBFP) là chủ dự án, phối hợp với WWF, TRAFFIC và ENV thực hiện. Mục tiêu của Dự án là tăng cường cam kết, ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; huy động sự hỗ trợ từ khu vực tư nhân nhằm giảm nhu cầu và tình trạng tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật.

Ngày 15/2, Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (MBFP), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), Tổ chức TRAFFIC International cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác thực hiện các hoạt động Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp.

Phương Oanh - CTV

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn