Thứ ba, 16/07/2024

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

* CHÀO MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM 28/11  

* CÙNG HÀNH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN GIÁ TRỊ ĐA DỤNG CỦA RỪNG  

* CHUNG TAY PHÁT TRIỂN RỪNG VÌ MỘT VIỆT NAM XANH HƠN  

 

Những chuyển biến tích cực đến từ Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM)

Thứ tư, 22/08/2018 | 00:00 GMT+7

DALN Sau gần ba năm triển khai thực hiện (từ tháng 8/2015 đến hết tháng 6/2018), Dự án SNRM đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực và gặt hái được những thành quả đáng trân trọng.   

Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM) được thực hiện từ tháng 8/2015 đến tháng 8/2020 (5 năm) tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và Lâm Đồng. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường năng lực Quốc gia về quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững thông qua: Thúc đẩy xây dựng, thực thi các chính sách quan trọng, các Kế hoạch hành động REDD+ cấp tỉnh; xây dựng hệ thống quản lý hệ sinh thái có sự cộng tác và tổng hợp cho Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang; tổng hợp và chia sẻ kết quả, số liệu từ Dự án để đẩy mạnh quản lý rừng và đa dạng sinh học bền vững theo hệ thống.

 

Cán bộ Dự án SNRM chụp ảnh lưu niệm

 

Trong thời gian qua, Dự án SNRM đã đạt được một số đóng góp quan trọng đáng ghi nhận: Hỗ trợ việc sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thông qua hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến quá trình xây dựng Luật Lâm nghiệp (đã được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2017); Hỗ trợ xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia mới về “Khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng (VCU) giống cây lâm nghiệp”, đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt 31/10/2017; Hỗ trợ đầu vào kỹ thuật đánh giá Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP), đã được Thủ tướng  phê duyệt ngày 05/4/2017. Dự án SNRM cũng tham gia đánh giá Chương trình hành động Quốc gia về REDD+.

 

Dự án đã phối hợp với FCPF-2, UN-REDD-2, Chương trình Rừng và Đồng bằng Việt Nam (VFD) hỗ trợ xây dựng, trang bị và vận hành phần mềm ứng dụng di động vào máy tính bảng trong theo dõi diễn biến tài nguyên rừng cấp tỉnh, thực hiện thí điểm thu thập, nhập và tích hợp số liệu điễn biến rừng cho 15 tỉnh, đã phối hợp và trao đổi thống nhất trong công tác quản lý để tích hợp ứng dụng di động theo dõi diễn biến tài nguyên rừng cấp tỉnh với Hệ thống theo dõi cấp quốc gia do Tổng cục Lâm nghiệp quản lý. Trong năm 2016 và 2017, Dự án đã hoàn thành kiểm tra, xử lý số liệu thu thập từ 12 Vườn quốc gia đại diện cho các hệ sinh thái khác nhau tại Việt Nam; thu thập số liệu 06 Khu bảo tồn thiên nhiên để đưa vào Hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về đa dạng sinh học (NBDS).

 

Dự án SNRM đã hỗ trợ xây dựng và phê duyệt kế hoạch Hành động REDD+ cho 4 tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu), năm 2017; Thực hiện các hoạt động thí điểm REDD+ tại 4 xã của 4 tỉnh dự án: Trồng rừng mới 369,91 ha; Khoanh nuôi tái sinh rừng 512,27 ha; Hỗ trợ các hoạt động Bảo vệ rừng cấp thôn/bản 13.285 ha; tập huấn và xây dựng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người dân địa phương (tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ người dân nuôi ong, trồng cỏ, trồng cây ăn quả, nuôi cá, trồng rau,.v.v.).

 

Hoạt động khoanh nuôi tái sinh rừng

 

Đối với tỉnh Lâm Đồng, dự án cũng đã hỗ trợ các hoạt động liên quan đến khu dự trữ sinh quyển Lang Biang thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, tăng cường nhận thức về Chương trình Con người và Sinh Quyển; Xây dựng, phê duyệt kế hoạch quản lý 5 năm Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang, đã phê duyệt ngày 27/4/2018; Xây dựng và thực hiện các hoạt động thí điểm thỏa thuận quản lý hợp tác và chia sẻ lợi ích đối với các cộng đồng  người dân sống gần rừng; và phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, chương trình giáo dục môi trường cho học sinh tại Khu dự trữ sinh quyển Lang Biang cũng được đẩy mạnh.

 

Ngoài ra Dự án cũng đã tổ chức các cuộc Hội nghị, Hội thảo và khóa tập huấn kỹ thuật, quản lý trong và ngoài nước cho cán bộ các cấp, nhóm hộ và người dân trong vùng dự án. Đặc biệt Hội thảo khu vực Châu Á về Hệ thống thông tin đa dạng sinh học toàn cầu đã được tổ chức thành công vào năm 2017 tại Hà Nội với sự tham gia của các đại biểu đến từ hơn 10 quốc gia cùng các tổ chức quốc tế, Chính phủ Nhật Bản và Trụ sở JICA.

 

Một trong những điểm sáng của Dự án SNRM là phối hợp với công ty tư nhân của Nhật Bản và người dân địa phương phát triển trồng cây Mạy Chả cho kết quả khả quan. Mạy Chả là loài cây phân bố tự nhiên tại khu vực Tây Bắc. Trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu Mạy Chả từ Việt Nam sử dụng chủ yếu để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp là rất cao, trong đó nhiều công ty Nhật Bản, Châu Âu và Trung Đông quan tâm tới việc nhập khẩu Mạy Chả. Chỉ tính riêng Công ty USUI - Nhật Bản trong năm 2016 và 2017 đã nhập khẩu 200 tấn Mạy Chả của nước ta. Trước thực trạng đó, Dự án SNRM đã làm việc với cơ quan chuyên ngành tỉnh Điện Biên tiến hành triển khai trồng thử nghiệm thành công 1,4 ha Mạy Chả ở xã Pá Khoang, với mật độ 2.500 cây/ha, 4.444 cây/ha và 10.000 cây/ha. Kết quả sinh trưởng tốt với tỷ lệ sống ở nơi trống trung bình là 70%, dưới tán cây (độ tàn che từ 0,3 - 0,5) là 80%.  Dự kiến mô hình này sẽ được nhân rộng tại nhiều địa phương của 3 tỉnh Tây Bắc còn lại của dự án.

 

Mô hình trồng cây mạy chả tại Điện Biên

 

Hướng tới mục tiêu đưa Dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững tạo sức lan tỏa sâu rộng, nhiều hoạt động tuyên truyền đã được tiến hành như: phát hành tờ rơi, áp phích; xây dựng bản tin Dự án bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật; lập trang facebook của Dự án; sản xuất và phát sóng phóng sự trên kênh VTV5;… Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được cùng sự ủng hộ của nhà tài trợ JICA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các Bộ, Ban, Ngành, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp, UBND các tỉnh vùng dự án, sự hưởng ứng của đông đảo người dân, chúng tôi tin tưởng rằng Dự án SNRM sẽ tiếp tục đạt được những kết quả to lớn trong thời gian tới./.

Vũ Thị Huyền Trang - CTV

 Tags

Tin cũ hơn

Xem thêm
Developed By @ GalaxyCloud.vn